MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đằng sau cú sụt chưa từng có của GDP Mỹ: Lời nhắc nhở chua cay về tác động của Covid-19

31-07-2020 - 14:54 PM | Tài chính quốc tế

Nền kinh tế Mỹ khó có thể trải qua nỗi đau tương tự cú sụt của quý 2 nhưng đó là mối đe dọa cho sự phục hồi non trẻ mà nền kinh tế lớn nhất thế giới mới đạt được vài tháng qua.

Nền kinh tế Mỹ đã sụt giảm 9,5% trong giai đoạn từ tháng 4 tới tháng 6, một cú sụt chưa từng có trong lịch sử và là lời nhắc nhở chua cay về số tiền bị mất trong một khoảng thời gian ngắn kỷ lục. Cú sụt giảm GDP vừa xảy ra cũng là nhanh nhất theo quý trong suốt lịch sử hiện đại của nền kinh tế Mỹ.

Đại dịch Covid-19 là nguyên nhân của cú sập này. Khi các biện pháp giãn cách xã hội được áp dụng, hàng triệu việc làm đã biến mất, các doanh nghiệp bị rút ruột và tương lai nền kinh tế trở nên bất định với một cuộc khủng hoảng y tế nằm ngoài tầm kiểm soát.

Tồi tệ hơn, nỗi đau đó dường như vẫn còn mới nguyên với hàng triệu người Mỹ. Các nhà kinh tế cho rằng số liệu quý 2 như một lời cảnh báo khẩn cấp cho những gì đang đe dọa khả năng phục hồi của nền kinh tế Mỹ. Trong khi Quốc hội Mỹ có những bất đồng xung quanh một gói kích thích kinh tế mới và đại dịch khiến nhiều loại hình kinh doanh như quán bar và nhà hàng phải đóng cửa, xuất hiện những lo ngại cho rằng nền kinh tế số 1 thế giới có thể bị kìm hãm hơn nữa, điều biến khả năng phục hồi trở nên khó khăn hơn nhiều.

Hôm 30/7, Chính phủ Mỹ cũng cho biết số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tiếp tục tăng lên 1,4 triệu so với tuần trước. Nó là dấu hiệu khác cho thấy khả năng phục hồi của nền kinh tế Mỹ đang bị đình trệ.

Đằng sau cú sụt chưa từng có của GDP Mỹ: Lời nhắc nhở chua cay về tác động của Covid-19 - Ảnh 1.

GDP hàng năm của Mỹ giảm ở mức 32,9% trong quý 2. Tuy nhiên, con số này dường như không còn mấy hữu ích với các nhà đầu tư Mỹ trong quý 3 vì nền kinh tế được cho là khó có khả năng trải qua một cú sập nghiêm trọng như vậy. Tuy nhiên, những gì xảy ra trong quý 2 cho thấy sự phục hồi, vốn xuất hiện ở đầu mùa hè năm nay, dường như đang bị đe dọa.

Vài ngày trước, Chủ tịch FED Jerome H. Powell cảnh báo rằng việc gia tăng số ca nhiễm bắt đầu đè nặng lên nền kinh tế. Ông Powell cũng nhấn mạnh rằng sự phục hồi sẽ chỉ được duy trì trong trường hợp đại dịch nằm dưới sự kiểm soát.

Ben Herzon, giám đốc điều hành của IHS Markit, thì nói rằng: "Chúng ta đang đào một cái hố, một cái hố thật sâu. Số liệu quý 2 cho chúng ta biết kích thước của cái hố mà chúng ta đang đào. Rõ ràng, nó là một cái hố lớn".

Báo cáo hôm 30/7 giúp giải thích những phần nào của nền kinh tế Mỹ chịu tác động khi mọi người ở nhà, cắt giảm chi tiêu và thay đổi đột ngột tất cả các thói quen của mình. Với việc các cửa hàng đóng cửa và người dân thay đổi thói quen mua sắm, nhiều loại hàng hóa vốn phổ dụng trở nên ế ẩm. Đại dịch cũng gây ra cú sập với giá dầu, làm trầm trọng hơn cứ sụt trong doanh số bán xăng và dịch vụ vận tải nhìn chung giảm sút khi người Mỹ ở nhà hoặc hoãn những việc chưa cấp thiết.

Chăm sóc sức khỏe giảm sút khi đại dịch khiến mọi người giảm thiểu việc gặp gỡ. Nó tạo ra sự sa thải hàng loạt trong ngành chăm sóc sức khỏe. Nhà hàng đóng cửa khiến ngành dịch vụ thực phẩm chịu tác động.

Tuy nhiên, ngay cả khi nền kinh tế sụt giảm chưa từng có, một số ngành công nghiệp vẫn tăng trưởng. Một trong những ví dụ cho sự suy thoái kinh tế không đồng đều là thị trường nhà đất. Khi lãi suất giảm mạnh, những người giàu có gia tăng nhu cầu mua nhà. Trong khi đó, người thuê nhà ngày càng lo lắng hơn trước nguy cơ bị đẩy ra đường vì không thể thanh toán chi phí.

Đây là quý tồi tệ nhất ở Mỹ hay ít nhất là từ năm 1875 đến nay. Nó đã vượt qua kỷ lục tồi tệ của quý 3/1893 và quý 4/1937, ngay trước khi đại suy thoái trở lại. Những quý này giảm lần lượt là 8,4% và 7,2%. Trong khi đó, tính tới thời điểm hiện tại, chưa quý nào trong kỷ nguyên đo lường GDP hiện đại của Mỹ, bắt đầu năm 1945, có mức giảm lớn hơn 3%. Quý tồi tệ nhất sụt giảm 2,6% được ghi nhận năm 1958 khi một đại dịch có tên "cúm châu Á" lây lan.

Đằng sau cú sụt chưa từng có của GDP Mỹ: Lời nhắc nhở chua cay về tác động của Covid-19 - Ảnh 2.

Hiện tại, ở California, Arizona, Texas, Florida và Michigan, các đợt bùng phát khiến nhà chức trách phải hoãn kế hoạch tái mở cửa và hạn chế các hoạt động kinh doanh một lần nữa. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới tăng trong tuần thứ 2, đánh dấu tuần thứ 19 nước Mỹ có hơn 1 triệu đơn xin trợ cấp thất nghiệp/tuần. Nó làm gia tăng những lo lắng với người sắp hết thời hạn trợ cấp thất nghiệp.

Đối với các mô hình phục hồi kinh tế, Sung Won Sohn, Giáo sư tài chính và kinh tế của Đại học Loyola Marymount, cho rằng nó sẽ là hình chữ Y chứ không phải chữ V, W hay U. Theo ông Sohn, những người nằm trên đỉnh chữ Y chính là những người chiến thắng còn những người nằm dưới đáy là những người chịu tác động nặng nề nhất.

Tháng 4, khi Mỹ ra lệnh phong tỏa trên quy mô toàn quốc, tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt lên mức cao nhất kể từ Đại suy thoái. Doanh số bán lẻ tháng 4 giảm tới 16,4%, mức giảm lớn nhất lịch sử. Vào tháng 5, nhiều doanh nghiệp, bao gồm cả các gã khổng lồ, nộp đơn xin phá sản. Tỷ lệ thất nghiệp tháng 5 giảm khi thị trường lao động trở lại và doanh số bán lẻ tăng 17,7%.

 Tuy nhiên, nếu các doanh nghiệp vẫn chưa mở cửa trở lại ở thời điểm này, đó có thể là sự đóng cửa vĩnh viễn. Nền kinh tế Mỹ đã có thêm số việc làm kỷ lục trong tháng 6 khi 1/3 số người mất việc trở lại làm. Dẫu vậy, số liệu tháng 6 được đưa ra khi đợt bùng dịch Covid-19 thứ 2 chưa tàn phá nền kinh tế Mỹ.

Cả Chủ tịch FED Powell và các chuyên gia kinh tế hàng đầu của Mỹ đều khẳng định có những dấu hiệu mới cho thấy sự phục hồi kinh tế đang chững lại. Số ca mắc tăng đột biến bắt đầu đè nặng lên nền kinh tế. Chi tiêu người tiêu dùng thì quay đầu giảm mạnh. Tỷ lệ lấp đầy phòng của các khách sạn rất thấp và nhiều loại hình kinh doanh khác ế ẩm.

"Về mặt cân bằng, có vẻ những điều này đang chỉ ra sự phục hồi chậm lại của nền kinh tế. Tôi nhấn mạnh rằng vẫn còn quá sớm để nói mức độ của nó tồi tệ thế nào và kéo dài ra sao", ông Powell nhận định.

Linh Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên