MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đằng sau cuộc chiến giá dầu làm thế giới rúng động: Liệu phần thắng có thuộc về Nga

10-03-2020 - 11:24 AM | Tài chính quốc tế

Moscow bước vào cuộc chiến giá dầu lần này với 2 mục tiêu bao trùm: Lấy lại thị phần từ tay các nhà xuất khẩu dầu đá phiến Mỹ cũng như đẩy Ả rập Xê út tới giới hạn của sự hỗ trợ từ Washington. Câu hỏi đặt ra là liệu ông Putin có thể thắng?

Sau vòng trừng phạt mới nhất của Mỹ nhằm vào Nga được ký năm ngoái, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo rằng Nga sẽ trả đũa tại một thời điểm thích hợp và ở một chiến trường do chính họ lựa chọn. Phá hủy OPEC+ và thổi bùng một cuộc chiến giá với Ả rập Xê út có vẻ là cách đáp trả kỳ lạ và khó hiểu nhưng nó không hoàn toàn điên rồ.

"Tôi tin rằng Điện Kremlin đang đánh cược rằng từ nay tới cuối năm, Moscow không chỉ đẩy lùi Mỹ trên thị trường dầu mỏ mà còn tái thiết mối quạn hệ đối tác của họ với Ả rập Xê út", Nikolas K. Gvosdev, giáo sư Địa lý kinh tế và An ninh Quốc gia trường U.S. Naval War College nhấn mạnh trong bài viết trên National Interest.

Theo ông Gvosdev, một trong những thói quen xấu của giới chính khách Mỹ là tuyên bố chiến lược của họ nhiều tháng, thậm chí là nhiều năm trước khi áp dụng. Nó khiến cho đối thủ của họ có nhiều thời gian chuẩn bị. Trong 2 năm qua, các ông nghị Mỹ khiến cả thế giới biết rằng các dự án dẫn dầu của Nga bao gồm Turkish Stream và Nordstream-2 là mục tiêu của họ.

Điều này khiến Moscow cố gắng đẩy nhanh việc hoàn thành các dự án trong khi Mỹ lại chậm chạp trong việc hoàn tất một vòng trừng phạt khác nhằm vào Nga. Turkish Stream được hoàn thành đúng lúc và đang cung cấp nhiên liệu của Nga cho Thổ Nhĩ Kỳ và miền nam châu Âu. Trong khi đó, Nordstream-2 có lẽ cũng đã được hoàn thành nếu Nga không vấp phải những phiền toái ở Đan Mạch, bao gồm cả quy trình bảo vệ môi trường phức tạp của họ.

Hiện tại, Nga vẫn buộc phải sử dụng Ukraine làm nơi quá cảnh cho các loại nhiên liệu tới 1 phần của châu Âu. Tuy nhiên, vị trí của Nga trong thị trường năng lượng châu Âu vẫn nguyên vẹn. Hiện tại, người Mỹ đang khuyến khích châu Âu mua khí của họ trong khi Nordstream vẫn còn dang dở.

Phương pháp này là một phần quan trọng trong chiến lược cạnh tranh xuất khẩu năng lượng của Mỹ với Nga. Trong nhiệm kỳ 2 của Chính quyền Obama, Mỹ khuyến khích Ả rập Xê út lặp lại những hoạt động mà họ từng làm trong những năm 1980 là mở hết công suất khai thác nhằm đè giá xuống với kỳ vọng có thể làm tê liệt các nhà sản xuất Nga, buộc họ phải nhượng bộ trong cuộc chiến ở Ukraine và Syria.

Đằng sau cuộc chiến giá dầu làm thế giới rúng động: Liệu phần thắng có thuộc về Nga - Ảnh 1.

Tổng thống Nga (trái) và Quốc vương Ả rập Xê út (phải).

Dù Ả rập Xê út có thể giảm giá xuất khẩu năng lượng nhưng Riyadh không đủ sức duy trì hoạt động này trong dài hạn bởi họ cũng cần tiền cho ngân sách. Chính vì vậy, thay vì cạnh tranh với Nga, Ả rập Xê út đã hướng tới một chiến lược hợp tác để đảm bảo giá dầu có lợi cho tất cả các bên.

Cuối cùng, Riyadh và Moscow cũng đạt được đồng thuận và đều thuộc cái gọi là OPEC+. Tổ chức này được thiết kế để ổn định thị trường năng lượng toàn cầu cũng như thiết lập sàn cho giá các loại nhiên liệu. Trong khuôn khổ hợp tác, Moscow mong muốn Ả rập Xê út và các quốc gia Vùng Vịnh khác hỗ Nga trong việc hạn chế ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU với nền kinh tế.

Tuy nhiên, phương pháp này lại có lợi cho ngành năng lượng Mỹ. Các nhà sản xuất Mỹ đã sẵn sàng hưởng lợi khi giá dầu cao hơn. Họ cũng có sẵn sản lượng để lấp đầy khoảng trống khi Nga và Ả rập Xê út bỏ lại vì cắt giảm sản lượng. Mỹ từ chối tham gia OPEC+. Sự góp mặt của Nga phần lớn vẫn phụ thuộc vào Ả rập Xê út.

Trong những tháng qua, chúng ta có thể thấy những bước đi cứng rắn mới của Điện Kremlin, trong đó Nga sẵn sàng mạo hiểm leo thang để giành lợi thế hoặc khiến Mỹ mất uy tín. Thế giới đã chứng kiến điều tương tự khi Syria đối đầu với Thổ Nhĩ Kỳ vài tuần qua. Cụ thể, người Nga đã bước qua một số lằn ranh đỏ nhằm cho Tổng thống Recep Erdogan thấy rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chẳng dựa được gì vào Mỹ và các đồng minh châu Âu của họ. Cuối cùng Moscow đứng ra mở lại các cuộc đàm phán để làm bật lên vai trò của mình.

Các nhà sản xuất năng lượng Nga cảm thấy rằng họ đang ở cùng phe với Moscow/Riyadh, những người thua thiệt. Trong một năm qua, họ đã tranh cãi rất nhiều về việc Nga nên rời khỏi thỏa thuận. Sự hoảng loạn mà virus corona gây ra cho họ cơ hội để lập luận rằng cắt giảm sản lượng sẽ chẳng có ích lợi gì trong việc ngăn dầu giảm giá nhưng lại khiến Nga tiếp tục đánh mất thị phần.

Phản ứng của Ả rập Xê út sau khi OPEC+ không tìm được tiếng nói chung đã chính thức đẩy mối liên minh này vào đổ vỡ. Việc hạ giá và tăng sản lượng của Ả rập Xê út khiến giá dầu giảm thê thảm. Tuy nhiên, người Nga vẫn đang có lợi thế trong cuộc chiến giá cả này.

Ngân sách Nga có thể vẫn đạt được mục tiêu khi giá dầu thấp hơn nhiều so với ngân sách của Ả rập Xê út. Nga có thể tăng xuất khẩu thông qua đường ống trong khi Ả rập Xê út mất nhiều thời gian hơn để vận chuyển dầu bằng tàu. Và cuối cùng, quan trọng nhất, thị trường châu Âu, nơi Ả rập Xê út muốn cạnh tranh mạnh mẽ với Nga, chính là nơi Mỹ đang tập trung xuất khẩu.

Nga dường như đã sẵn sàng tham gia vào một cuộc thử nghiệm lớn cho các phương pháp xuất khẩu năng lượng của Mỹ đối với cuộc chiến giá kéo dài. Cho rằng Chính quyền Trump khó có thể mua hàng cho các doanh nghiệp Mỹ với giá cao, Nga tin rằng các nhà sản xuất Mỹ sẽ phải loay hoay với triển vọng doanh thu thấp cũng như khó cạnh tranh. Trong khi một số dự án có thể vẫn có hiệu quả, sản xuất chung của Mỹ có thể giảm.

Ngoài mối quan hệ giữa Mỹ và Ả rập Xê út, Nga còn một quân bài khác chính là Iran. Nếu Mowcow không còn kiềm chế Tehran hay thậm chí là thúc đẩy căng thẳng leo thang, một cuộc khủng hoảng sẽ xảy ra trên Vịnh Ba Tư, không chỉ làm tăng giá năng lượng mà còn cho Nga một thị trường rộng lớn khi nguồn cung từ Ả rập Xê út bị gián đoạn.

Trong cuộc chiến giá dầu lần này, Nga dường như đang nắm trong tay rất nhiều lợi thế.

Linh Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên