MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đằng sau dòng chảy đầu tư của Trung Quốc dồn dập đổ vào Việt Nam sẽ là câu chuyện gì?

Sau 4 tháng đầu năm nay, Trung Quốc đã vươn lên dẫn đầu về vốn FDI đăng ký mở mới vào Việt Nam với 1,3 tỷ USD để thực hiện 187 dự án.Trong khi đó, các quốc gia, vùng lãnh thổ là đối tác đầu tư lớn khác trung bình rót khoảng hơn 600 triệu USD cho các dự án mới.

Sự nổi lên của Trung Quốc trong việc đầu tư vào Việt Nam một điểm đáng chú ý trong số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KHĐT) thời gian gần đây. Trong 4 tháng đầu năm, lượng vốn Trung Quốc đã bằng 70% mức thu hút từ các doanh nghiệp nước này trong cả năm 2018. 

Cùng thời điểm này năm ngoái, Trung Quốc mới chỉ đứng thứ 6 trong số các nhà đầu tư lớn vào Việt Nam, với tổng vốn đăng ký khoảng 545 triệu USD. Kết thúc cả năm 2018, Trung Quốc vươn lên đứng thứ 5 với tổng vốn đăng ký gần 2,5 tỷ USD..

Một số dự án lớn trong 4 tháng đầu năm 2019 có thể kể đến như Dự án chế tạo lốp xe Radian toàn thép ACTR, tổng vốn đầu tư đăng ký 280 triệu USD do nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư tại Tây Ninh với mục tiêu sản xuất lốp xe toàn thép TBR; Dự án Công ty TNHH lốp Advance Việt Nam, tổng vốn đầu tư đăng ký 214,4 triệu USD do Guizhou Advance Type Investment co.,ltd đầu tư với mục tiêu Sản xuất, tiêu thụ lốp, cao su và các sản phẩm liên quan tại Tiền Giang…

Tờ South China Morning Post đã dẫn lời cảnh báo của các học giả nước này cho rằng cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cùng với dự án trọng điểm Vành đai và Con đường (BRI) sẽ khiến các nhà sản xuất của Trung Quốc tìm cách "đào thoát" sang Ấn Độ và Việt Nam, dù nước này vẫn được đánh giá cao hơn về cơ sở hạ tầng và dây chuyền cung ứng.

Brooks Running, công ty chuyên sản xuất giày và trang phục thể thao trực thuộc tập đoàn Berkshire Hathaway của tỷ phú Warren Buffett đầu tháng 5 tuyên bố sẽ chuyển phần lớn hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Quyết định này sẽ khiến cho 8.000 việc làm tại Trung Quốc biến mất.

Nói với tờ Nikkei Asian Review, phát ngôn viên của Brooks cho biết: "Chúng tôi tin rằng cuộc đàm phán thương mại đang khiến cho tình hình trở nên khó lường hơn. Chúng tôi cần bắt tay vào việc vạch ra kế hoạch để đảm bảo tương lai cho hoạt động kinh doanh của mình".

Dòng vốn FDI của Trung Quốc dồn dập đổ vào Việt Nam không phải là điều quá bất ngờ, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu Tổng hợp, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nói với Trí Thức Trẻ.

Thực tế từ năm 2018, trước những diễn biến căng thẳng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, các chuyên gia đã tính đến hệ luỵ rằng dòng vốn đầu tư nước ngoài sẽ chuyển hướng từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Sự chuyển hướng này có thể phân thành hai nhóm:

Thứ nhất là những nhà đầu tư tiềm năng, đang cân nhắc giữa Trung Quốc và Việt Nam. Và trong tình hình bất ổn như vậy, họ có xu thế thiên hơn về Việt Nam.

Thứ hai là các nhà đầu tư đã hiện diện ở Trung Quốc, đang cân nhắc dịch chuyển một phần hoặc toàn bộ cơ sở sản xuất sang Việt Nam.

"Qua trao đổi, chúng tôi thấy không ít doanh nghiệp Mỹ, Nhật Bản,... đang hiện diện ở Trung Quốc rất lo ngại và họ đang chủ động, xem xét khả năng di dời nhà máy sang nước ta", ông Dương cho biết.

Việt Nam không coi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung là yếu tố duy nhất thúc đẩy dòng vốn đầu tư chuyển hướng từ Trung Quốc sang Việt Nam. Thực tế, việc Việt Nam thực hiện hiệp định CPTPP từ 14/1/2019 cũng có thể giúp tăng đầu tư nước ngoài, trong đó có đầu tư từ Trung Quốc.

Như vậy, nhìn nhận về FDI chuyển hướng từ Trung Quốc sang Việt Nam phải đặt trong tình huống: Việt Nam không thực sự bất ngờ và đất nước đang xây dựng tư duy mới về thu hút đầu tư nước ngoài hướng đến việc sử dụng hiệu quả vốn với nhiều đóng góp cho phát triển kinh tế, xã hội.

Việt Nam, theo ông Dương, sau 30 năm đã có một vị thế khác trong thu hút đầu tư nước ngoài. "Việt Nam cần đầu tư nước ngoài không chỉ vì chúng ta cần vốn, yếu tố vốn không còn là nhân tố quan trọng nhất. Câu hỏi bây giờ là: Chúng ta thu được lợi ích gì", ông Dương nói.

Lợi ích ở đây là việc học hỏi công nghệ, thiết lập các mối liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Việc tham gia, thực hiện các FTA tiêu chuẩn cao như CPTPP phần nào thể hiện kỳ vọng của Việt Nam về những lợi ích ấy, song cũng thể hiện sự thay đổi tư duy về thu hút đầu tư nước ngoài.

Nền kinh tế 94 triệu dân theo đó không hạn chế dòng vốn ngoại nhưng sẽ ưu tiên hấp thụ, tạo thuận lợi cho dòng vốn nào phù hợp nhất với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

"Tư duy mới về đầu tư nước ngoài không nhằm để chặn dòng vốn từ Trung Quốc. Việt Nam không phân biệt đối tác đầu tư", ông Dương nhấn mạnh.

Dòng vốn ngoại thường được kỳ vọng sẽ đi kèm với các tác động tích cực: chuyển giao công nghệ, cải thiện liên kết với doanh nghiệp trong nước, bổ sung ngoại hối giúp cân bằng cán cân thanh toán,... và bất cứ nhà đầu tư ngoại nào đảm bảo điều này sẽ được chào đón ở Việt Nam. Ngược lại, với các dự án không thân thiện với môi trường, đầu tư vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, Việt Nam sẽ thận trọng hoặc hạn chế nhiều hơn.

Đức Minh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên