MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đằng sau khoản lãi đột biến của CII trong quý 1/2022

24-04-2022 - 08:36 AM | Doanh nghiệp

Đằng sau khoản lãi đột biến của CII trong quý 1/2022. Nguồn: Viettimes

Đằng sau khoản lãi đột biến của CII trong quý 1/2022. Nguồn: Viettimes

Hoạt động tài chính thêm một lần nữa đem đến sự đột biến trong kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất của CII, với điểm nhấn là việc bán ra cổ phiếu NBB.

CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật Tp. HCM (Mã CK: CII) vừa công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý 1/2022 với doanh thu thuần ở mức 711,7 tỉ đồng, giảm 26,13% so với cùng kỳ năm trước.

Ở chiều hướng ngược lại, doanh thu hoạt động tài chính của CII đạt tới 915,6 tỉ đồng, cao gấp 4,8 lần so với quý 1/2021. Điều này góp phần giúp CII ghi nhận khoản lãi sau thuế lên tới 685,2 tỉ đồng, cao gấp 14,2 lần so với cùng kỳ năm trước.

CII cho biết, doanh thu hoạt động tài chính của công ty trong quý đầu năm 2022 chủ yếu đến từ lãi chuyển nhượng các khoản đầu tư tài chính đạt 775,6 tỉ đồng (cùng kỳ năm 2021 không phải sinh khoản này); lãi tiền gửi, tiền cho vay đạt 136,6 tỉ đồng (tăng 43% so với cùng kỳ năm 2021).

Trong kỳ, HĐQT CII đã thông qua việc thoái vốn cổ phần tại CTCP Hạ tầng nước Sài Gòn (Mã CK: SII). Tuy nhiên, tại thời điểm 31/3, doanh nghiệp này vẫn ghi nhận tỉ lệ sở hữu tại SII là 50,61% vốn điều lệ, không thay đổi so với đầu năm 2022.

Cũng trong quý 1/2022, CII còn bán ra cổ phiếu NBB của CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy, giảm tỷ lệ sở hữu từ 51,14% xuống chỉ còn 49% vốn điều lệ và không còn là công ty mẹ tại đây.

CII liên tục gia tăng tỉ lệ sở hữu ở NBB trong giai đoạn 2019 – 2020. Doanh nghiệp này từng thế chấp 23,5 triệu cổ phiếu NBB ở các công ty chứng khoán để huy động vốn đầu tư cổ phiếu, với lãi suất từ 8,5% – 10,5%/năm.

Như VietTimes từng đề cập , trong quý 4/2021, việc bán ra lượng lớn cổ phiếu NBB giúp CII ghi nhận một khoản lợi nhuận khoảng 595 tỉ đồng. Tuy nhiên, NBB khi ấy vẫn là công ty con của CII, nên khoản lợi nhuận này không được hạch toán vào lợi nhuận hợp nhất mà phải ghi tăng trực tiếp vào lợi nhuận chưa phân phối trên bảng cân đối kế toán.

Dù thoái bớt vốn, nhưng nên biết, CII vẫn hỗ trợ vốn cho NBB thực hiện dự án, mà cụ thể là thông qua các khoản vay với số dư ghi nhận tại ngày 31/3/2022 lên tới 1.275 tỉ đồng.

Đằng sau khoản lãi đột biến của CII trong quý 1/2022 - Ảnh 1.

Những cái bắt tay giữa CII với Tuấn Lộc, Refico

Cùng với NBB, CII còn cho vay CTCP BOT Trung Lương – Mỹ Thuận (BOT Trung Lương – Mỹ Thuận), với số dư ghi nhận tại ngày 31/3/2022 là 1.810,3 tỉ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm.

Khoản vay này bao gồm cả khoản hỗ trợ 531,4 tỉ đồng của CII đối với CTCP Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc (Tuấn Lộc) góp vốn vào BOT Trung Lương – Mỹ Thuận, được đảm bảo bằng chính cổ phần của Tuấn Lộc ở doanh nghiệp dự án. Theo thoả thuận, khi dự án hoàn thành và đưa vào thu phí thì CII có quyền yêu cầu Tuấn Lộc có nghĩa vụ phải chuyển nhượng cổ phần cho công ty. Chi phí sử dụng vốn theo thoả thuận giữa hai bên từ 10,5% - 11%/năm.

Dữ liệu của VietTimes cho thấy, tính đến cuối năm 2020, vị trí Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật của BOT Trung Lương – Mỹ Thuận do ông Hồ Minh Hoàng – Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả đảm nhiệm.

Bên cạnh đó, CII còn ghi nhận khoản hỗ trợ vốn 230 tỉ đồng đối với CTCP Thương mại Nước giải khát Khánh An (Khánh An) được đảm bảo bằng phần vốn tại Công ty TNHH BOT Cầu Rạch Miễu.

Tính đến cuối quý 1/2022, CII còn ghi nhận 615,5 tỉ đồng chứng khoán kinh doanh, thể hiện giá gốc của hơn 24 triệu cổ phần của CTCP Đầu tư Sài Gòn RiverFront (Sài Gòn Riverfont) được nắm giữ cho mục đích bán kiếm lời.

Thành lập từ tháng 1/2016, Sài Gòn Riverfont là doanh nghiệp sở hữu dự án River Front Residence toạ lạc ở khu đất ký hiệu 3-13 tại Thủ Thiêm (Tp. HCM).

Công ty này được sáng lập bởi NBB và Công ty TNHH Xây dựng – Thương mại – Dịch vụ - Sản xuất Hùng Thanh (Hùng Thanh) với tỉ lệ sở hữu lần lượt là 99,99% và 0,01% vốn điều lệ. Đến tháng 7/2019, tỉ lệ sở hữu của NBB tại Sài Gòn Riverfont giảm xuống chỉ còn 51% vốn điều lệ, trong khi 49% cổ phần còn lại do CTCP Dịch vụ Nhịp cầu Địa ốc đứng tên.

Ít tháng sau đó, nhóm CII đã ký hợp đồng chuyển nhượng 24 triệu cổ phần ở Sài Gòn Riverfont với giá trị ghi nhận là 800 tỉ đồng. Tới tháng 5/2020, cơ cấu cổ đông của Sài Gòn Riverfont có sự thay đổi đáng kể. Trong đó, CTCP City Garden – thành viên Refico, nắm giữ tới 80,001% vốn điều lệ; tiếp đến là CII và Công ty TNHH MTV Đầu tư kinh doanh địa ốc Lữ Gia với tỉ lệ sở hữu lần lượt là 19,998% và 0,001% vốn điều lệ.

Mối hợp tác giữa CII và nhóm Refico của ‘đại gia’ Trần Quyết Thắng còn phải kể tới thương vụ chuyển nhượng dự án Thủ Thiêm Riverpark toạ lạc tại các lô 3-15 và 3-15 ở Thủ Thiêm.

Nửa cuối năm 2019, CII đã quyết định mua lại toàn bộ 79,98% vốn tại CTCP Đầu tư Bất động sản Thủ Thiêm Riverpark (Thủ Thiêm Riverpark) từ Shining Armor Limited Company, đơn vị thành viên của Hongkong Land.

Tới nửa đầu năm 2020, CII đã chuyển nhượng 80% cổ phần tại Thủ Thiêm Riverpark cho CTCP City Garden.

Cập nhật tới ngày 31/12/2020, CII đã hoàn tất việc thoái vốn khỏi doanh nghiệp dự án, cơ cấu cổ đông của Thủ Thiêm Riverpark bao gồm: CTCP City Garden (39,18% VĐL), CTCP Đầu tư Luminous (40,82% VĐL), ông Nguyễn Trường Sơn (18% VĐL) và CTCP Hợp tác Kalas (2% VĐL). Đồng thời, Thủ Thiêm Riverpark cũng đổi tên thành Công ty TNHH City Garden Thủ Thiêm.

Tính đến ngày 31/3/2022, CII vẫn còn ghi nhận khoản phải thu tiền chuyển nhượng vốn góp 250,3 tỉ đồng với ông Nguyễn Trường Sơn và CTCP Hợp tác Kalas./.

Theo Nguyễn Ánh

Theo Viettimes

Từ Khóa:
Trở lên trên