MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đằng sau những lỗ hổng quản lý xăng dầu: Khi cơ quan quản lý vượt luật

Kết luận của Thanh tra Chính phủ cho thấy, cùng với sự quản lý lỏng lẻo hoạt động cấp phép, giám sát hoạt động của các đầu mối, thương nhân phân phối, các cơ quan quản lý như Bộ Công Thương, Bộ Tài chính có nhiều vi phạm pháp luật khá rõ trong một thời gian dài.

Bất thường những khoản rút ruột Quỹ Bình ổn giá xăng dầu

Cùng với sự quản lý lỏng lẻo hoạt động của các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối và đây chính là một trong những nguồn cơn khiến đứt gãy nguồn cung xăng dầu xảy ra năm 2022, các cơ quan quản lý như Bộ Công Thương - Bộ Tài chính còn có những vi phạm pháp luật liên quan đến việc trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (Quỹ Bình ổn).

Đằng sau những lỗ hổng quản lý xăng dầu: Khi cơ quan quản lý vượt luật - Ảnh 1.

Theo Thanh tra Chính phủ, chính việc quản lý lỏng lẻo Quỹ Bình ổn giá xăng dầu cũng khiến thị trường xăng dầu bất ổn. Ảnh: Nguyễn Bằng

Kết quả thanh tra cho thấy, Bộ Công Thương chưa có ý kiến kịp thời để sửa đổi, bổ sung phương pháp xác định mức trích, mức chi Quỹ Bình ổn đã dẫn đến việc từ năm 2017 đến năm 2021, liên Bộ Công Thương - Tài chính đã quyết định mức trích, mức chi quỹ thiếu cơ sở pháp luật. Cụ thể, hai cơ quan này đã quyết định chi Quỹ Bình ổn giá khi giá xăng dầu chưa tăng với số tiền khoảng hơn 1.142 tỷ đồng. Cùng đó, đã chi bình ổn giá cao hơn mức tăng giá với số tiền khoảng hơn 318,1 tỷ đồng. Đặc biệt, tại kỳ điều hành từ 01/01/2017 đến trước 15h ngày 23/4/2018 liên bộ này đã ban hành văn bản điều hành giá không rõ ràng dẫn đến việc có 19/27 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu trích lập Quỹ sai chủng loại xăng RON 95 với số tiền hơn 1.013 tỷ đồng và chi sử dụng quỹ với số tiền hơn 679,8 tỷ đồng.

Cùng với việc tùy tiện trong trích và sử dụng quỹ, cơ quan quản lý Quỹ Bình ổn giá là Bộ Tài chính (chủ trì) và Bộ Công Thương (phối hợp) còn đùn đẩy trách nhiệm, thiếu quy định, quy chế phối hợp trong kiểm tra, giám sát doanh nghiệp đầu mối thực hiện quy định đối với Quỹ Bình ổn.

“Bộ Công Thương chưa xử lý kịp thời vi phạm về Quỹ Bình ổn của các doanh nghiệp đầu mối khi Bộ Tài chính đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Ngân hàng Nhà nước chưa ban hành văn bản hướng dẫn các ngân hàng quản lý quỹ dẫn đến 7/15 đầu mối sử dụng quỹ sai mục đích, không kết chuyển về tài khoản Quỹ Bình ổn mà để ở tài khoản thanh toán của doanh nghiệp thường xuyên, trong nhiều kỳ trước khi hoàn trả quỹ với số tiền hơn 7.927 tỷ đồng”, Thanh tra Chính phủ cho hay.

Cơ quan thanh tra này cũng cho biết, có 3/7 doanh nghiệp đầu mối đã bị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính từ 3 lần trở lên (Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà 4 lần; Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil 3 lần; Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức 3 lần). Có 3 đầu mối đã trích lập và chi sử dụng quỹ với khối lượng xăng dầu vượt so với sổ sách, dẫn đến trích lập quỹ sai 4,79 tỷ đồng. Cùng đó, Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà chi vượt khối lượng với số tiền hơn 22,5 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Thương mại Dầu khí Đồng Tháp chi vượt khối lượng với xăng E5 khoảng 3,3 tỷ đồng.

Theo Thanh tra chính phủ, chính việc Bộ Công Thương không kịp thời xem xét xử lý, đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép với các doanh nghiệp đã bị Bộ Tài chính xử phạt đã dẫn đến Quỹ Bình ổn liên tục bị các doanh nghiệp đầu mối chiếm dụng và sử dụng sai mục đích.

Cùng với các sai phạm trong quản lý Quỹ Bình ổn, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ nhiều bất cập trong quản lý hoạt động của các doanh nghiệp đầu mối. Theo đó, từ 1/1/2017 đến 31/12/2021, có tổng cộng 27 doanh nghiệp đầu mối với 48 lượt đơn vị nhập khẩu không đạt hạn mức xăng dầu tối thiểu được phân giao. Các cơ quan chức năng của Bộ Công Thương đã kiểm tra và xử lý 6 đơn vị, còn 26 đầu mối với 42 lượt vi phạm chưa được kiểm tra xử lý.

Cần mô hình quản lý mới với xăng dầu

Góp ý về việc quản lý thị trường xăng dầu, ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Công ty Xăng dầu Âu Hải Phát (Lâm Đồng) cho rằng, việc Quỹ bình ổn hoàn toàn bị thả nổi thời gian qua đã dẫn đến những hệ lụy và bất cập hiện tại khi giao quyền quản lý tài khoản quỹ về cho doanh nghiệp đầu mối dẫn đến việc quỹ bị chiếm dụng, sử dụng sai mục đích. Vì vậy, cơ quan quản lý Nhà nước cần chuyển quỹ thành xăng dầu dự trữ và trích xả lượng xăng dầu phù hợp với các văn bản điều hành trích xả quỹ để ổn định nguồn cung. Việc dùng xăng dầu để bình ổn sẽ giúp tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp bán lẻ và ổn định giá cho thị trường thay vì giao tiền cho một thành phần của thị trường xăng dầu, dễ dẫn đến lũng đoạn và chiếm đoạt nguồn quỹ này

Cũng theo ông Thắng, để thị trường xăng dầu bình ổn, trước tiên cần chấn chỉnh mô hình hoạt động của các doanh nghiệp đầu mối lớn như Petrolimex. Cùng đó, các công ty phân phối tại địa phương phải thực hiện chế độ báo cáo và quyết toán thuế độc lập tại cục thuế địa phương, không để tập trung về tập đoàn dẫn đến nguồn thu thuế bị biến tướng chuyển lợi nhuận báo lỗ. “Phải quy định tỷ lệ chi phí định mức và lợi nhuận định mức trong giá bán lẻ - tối thiểu 1.000 đồng/lít. Phần chiết khấu là phần mềm, linh động sẽ thỏa thuận giữa đầu mối, phân phối và bán lẻ sẽ gia tăng thêm tùy thời điểm. Cùng đó, bãi bỏ và tiết giảm tối đa các chi phí, lệ phí gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp”, ông Thắng nói. Ông Thắng cũng cho rằng, việc xây dựng mô hình thành phần kinh doanh xăng dầu tách biệt, độc lập và minh bạch, quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của từng khâu trong thị trường xăng dầu...là những giải pháp tốt để thị trường xăng dầu ổn định và minh bạch hơn.

Theo Thanh tra chính phủ, chính việc Bộ Công Thương không kịp thời xem xét xử lý, đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép với các doanh nghiệp đã bị Bộ Tài chính xử phạt đã dẫn đến Quỹ Bình ổn liên tục bị các doanh nghiệp đầu mối chiếm dụng và sử dụng sai mục đích.


Theo Phạm Tuyên

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên