Đằng sau Robinhood và TikTok là sức mạnh đáng gờm của những nhà đầu tư thế hệ millennial!
Sẽ là 1 sai lầm nếu nghĩ rằng thế hệ millennial sẽ đầu tư theo cách của cha mẹ họ.
- 30-10-2020Thương vụ IPO của Ant "nóng bỏng tay": Nhà đầu tư cá nhân đặt cược tới 2.800 tỷ USD, bán hết sạch cổ phiếu chỉ sau vài phút
- 15-09-2020Hãy quên Tiktok đi vì đây mới chính là ứng dụng "quyền lực" nhất tại Trung Quốc, với sức mạnh đang càn quét khắp đại lục
- 03-09-2020Robinhood và những điều đen tối của ứng dụng dành cho nhà đầu tư "tay mơ": Người dùng mất tiền không biết kêu ai, cơ quan quản lý như tổng đài khách hàng
Nhắc đến những nhà đầu tư thuộc thế hệ millennial, có lẽ bạn sẽ nghĩ ngay đến hình ảnh Vincent Iantomasi, một trong những cái tên nổi bật trong nhóm các nhà đầu tư nghiệp dư thu hút đông đảo lượng người theo dõi trên TikTok bằng cách đưa ra lời khuyên đầu tư. Trên nhạc nền là bài "Blueberry Faygo" của rapper 18 tuổi Lil Mosey, Iantomasi khuyên những nhà đầu tư muốn thu về lợi nhuận cao chót vót hãy rót tiền vào SPXL, 1 quỹ ETF sử dụng đòn bẩy khá lớn.
Hoặc bạn cũng có thể nghĩ về những người dùng của "r/wallstreetbets", 1 diễn đàn trên Reddit tràn ngập những ảnh chụp màn hình tài khoản Robinhood (ứng dụng đầu tư trực tuyến). Họ đã đặt cược toàn bộ tiền tiết kiệm vào những hợp đồng phái sinh cổ phiếu của hãng xe điện Tesla.
Trong đại dịch, các nhà đầu tư trẻ tuổi bất chợt trở nên nổi tiếng. Trong lúc thị trường hồi phục mạnh mẽ, họ luôn dán mắt vào những ứng dụng giao dịch trực tuyến có thể được cài đặt dễ dàng trên smartphone. Tuy nhiên, câu chuyện đằng sau đó không đơn giản như vậy mà làn sóng này thể hiện một sự dịch chuyển của cải rất lớn.
Thế hệ millennials được định nghĩa là nhóm những người sinh ra trong khoảng thời gian từ năm 1981 đến 1996. Cho đến nay họ chỉ đang nắm giữ một phần rất nhỏ trong tổng tài sản của toàn nhân loại. Ví dụ như ở Mỹ, thế hệ millenials chỉ sở hữu 9.100 tỷ USD, tương đương 7% tổng số, thấp hơn rất nhiều so với mức 26% của thế hệ baby-boomer khi họ ở độ tuổi tương tự.
Tuy nhiên tiền tiết kiệm và tiền thừa kế sẽ khiến con số tăng lên nhanh chóng. Và những biến đổi công nghệ cùng với các thay đổi trong chính sách hưu trí sẽ cho phép họ kiểm soát tài sản nhiều hơn so với bố mẹ. Những tác động của thế hệ này lên các quỹ đầu tư và thị trường tài chính đang ngày càng trở nên rõ ràng hơn.
Thế hệ trẻ sẽ tích lũy của cải bằng cách thừa kế hoặc tự làm ra. Hiện hơn 1/3 lực lượng lao động Mỹ là thế hệ millennial và họ cũng là nhóm đông đảo nhất kể từ năm 2016 đến nay mặc dù một số vẫn còn đang đi học. Bank of America dự báo sức mạnh kiếm tiền của thế hệ millennial trên toàn thế giới sẽ tăng gần 75% trong giai đoạn 2015 – 2030 do nhiều người bắt đầu đi làm và những người khác thì liên tục thăng tiến.
Số tiền mà họ được thừa kế cũng sẽ tăng lên nhanh chóng. Cấu trúc dân số của hầu hết các nước giàu hiện đang nghiêng về thế hệ baby-boomer và sau đó là con cái của họ - mà chính là thế hệ millennial. Ở Mỹ cứ mỗi 5 năm, các tài sản có thể đầu tư với tổng giá trị 1.300 tỷ USD lại được chuyển giao cho các thế hệ sau. Tốc độ chuyển giao của cải được dự báo tăng gấp đôi trong giai đoạn 2036 – 2040, khi nhiều người thuộc thế hệ baby-boomer qua đời. Theo công ty nghiên cứu Cerulli Associates, đến năm 2042 thế hệ millennial sẽ thừa kế 22.000 tỷ USD.
Sẽ là 1 sai lầm nếu nghĩ rằng thế hệ millennial sẽ đầu tư theo cách của cha mẹ họ. Có 2 yếu tố khiến họ muốn kiểm soát tài sản của mình mạnh hơn: những thay đổi về chính sách hưu trí và các tiến bộ công nghệ. Trong những năm 1970, hầu hết chế độ hưu trí đều cố định, tức người lao động sẽ trích 1 phần thu nhập dựa trên lương thực nhận và không biết số tiền đó được đầu tư như thế nào. Nhưng vào năm 1978 chương trình hưu trí 401 (k) ra đời ở Mỹ, cho người đóng góp nhiều quyền quyết định hơn và đến năm 1995 các tài khoản hưu trí 401 (k) đã chiếm ưu thế vượt trội.
Thế hệ millennial sử dụng công nghệ để trực tiếp đầu tư vào trái phiếu và cổ phiếu. Khi hầu hết những người thuộc thế hệ baby boomers bắt đầu tiết kiệm cũng là thời điểm các quỹ đầu tư nở rộ, đặc biệt là các quỹ tương hỗ thu mức phí cao chót vót. Tuy nhiên giao dịch điện tử khiến việc mua và bán chứng khoán trở nên dễ dàng và rẻ hơn rất nhiều. Chi phí để đầu tư 100 USD vào 1 sàn chứng khoán đã giảm từ mức 6 USD trong năm 1975 xuống còn chưa đến 0,001 xu ngày nay.
Năm 2019, 4 nền tảng giao dịch lớn chuyên phục vụ các nhà đầu tư cá nhân -
Charles Schwab, E*Trade, Fidelity và TD Ameritrade – đồng loạt giảm mức phí giao dịch xuống còn 0 đồng sau khi chứng kiến ứng dụng Robinhood trở nên quá nổi tiếng. Thế hệ nghiện smartphone hoàn toàn tin tưởng vào 1 ứng dụng giống như tin vào 1 nhân viên môi giới bằng xương bằng thịt.
Các công ty fintech đang nỗ lực hết sức để kiếm lời từ làn sóng này. Robinhood là cái tên được nhắc đến nhiều nhất trên mặt báo nhưng thế hệ millennial cũng ưa thích các ứng dụng khác. Một ví dụ là các "robot tư vấn" tự động phân bổ tài sản vào các quỹ chỉ số dựa trên độ tuổi và mức độ ưa rủi ro của khách hàng với mức phí rất thấp.
Theo BlackRock, quỹ tiền tệ lớn nhất thế giới, khoảng 80% thế hệ millennials biết đến loại hình này cảm thấy hài lòng. Hiện Betterment và Wealthfront, 2 startup cung cấp dịch vụ robot tư vấn đầu tư, đã thu hút được tổng cộng 40 tỷ USD, ngang ngửa số tiền trong các tài khoản Robinhood. Mặc dù các khách hàng của Betterment lớn tuổi hơn, độ tuổi trung bình của họ chỉ là 35. Mặc dù Robinhood không công bố còn số chính thức nhưng công ty nghiên cứu JMP Securities cho rằng trung bình mỗi tài khoản Robinhood có khoảng 1.000 đến 5.000 USD, nhân với 13 triệu tài khoản thì con số vào khoảng 13 đến 65 tỷ USD.
Một số ông lớn trong giới ngân hàng truyền thống cũng đang cố gắng bắt kịp xu hướng. Năm ngoái Morgan Stanley mua Solium, công ty quản lý các hợp đồng quyền chọn cổ phiếu cho các nhân sự của ngành công nghệ với hi vọng một ngày nào đó họ sẽ trở thành những khách hàng giàu có. Tuy nhiên những quỹ quản lý tài sản khác khá bi quan. Một khảo sát của Accenture cho thấy hầu hết các quỹ dự báo họ sẽ mất đi khoảng 1/3 tài sản đang quản lý khi khách hàng chuyển giao của cải.
Những nhà đầu tư của thế hệ millennial theo đuổi mục tiêu gì? 87% tin rằng sự thành công của doanh nghiệp nên được đo lường nhiều hơn bằng các thước đo tài chính, theo khảo sát của công ty kiểm toán Deloitte. Số liệu từ Morgan Stanley cho biết những nhà đầu tư dưới 35 tuổi có mức độ sẵn sàng gấp đôi các độ tuổi khác trong việc bán ra tài sản đang nắm giữ nếu như nhận thấy công ty đó không bền vững về mặt môi trường và trách nhiệm xã hội.
Tất nhiên, quan điểm của thế hệ millennial có thể thay đổi khi gánh nặng con cái và nhà cửa lớn dần lên. Sau khi đã trải qua 2 cuộc khủng hoảng tài chính chỉ trong 1 thập kỷ, có lẽ họ sẽ muốn thay đổi chủ nghĩa tư bản cổ đông. Nhưng chí ít là ở thời điểm năm 2020, nhóm này sẽ thay đổi cách quản lý tài sản, và có lẽ là cả nền kinh tế.
Tham khảo The Economist