Đằng sau "sạch, xanh, xinh" trên sân khấu Shark Tank: Một lời bình luận có thể mang rất nhiều định kiến, dù người nói cố ý hay không
Trên sóng truyền hình quốc gia, với một chương trình có lượng người xem lớn và khẳng định tiếng vang sau nhiều mùa như Shark Tank, những câu nói đẫm mùi định kiến với phụ nữ, nói trắng ra là quấy rối, đang khiến cộng đồng phẫn nộ. Đằng sau đó là cả một vấn đề không có hồi kết.
- 12-05-2021Mê mẩn hương hoa, mẹ đảm Hà Nội kỳ công đặt mua loài sen Đế Vương tận xứ Huế và tiết lộ bí kíp chơi hoa bền đẹp
- 12-05-2021Chỉ có đàn ông "nghèo quen rồi" mới có thói quen nói những câu cửa miệng này, chẳng trách đường càng đi càng hẹp
- 12-05-2021Làm gì để không gian căn chung cư nhỏ thoáng đãng mà vẫn đủ công năng cho gia đình có trẻ nhỏ? Cách bài trí của nhà thiết kế trẻ nhận "mưa lời khen" vì quá hợp lý
Phụ nữ trên thương trường không còn là điều mới mẻ trong con mắt của phần đông đại chúng. Trong vài thập kỷ qua, vị thế của phụ nữ đã thay đổi rất nhiều, tạo thế cân bằng hơn cho phụ nữ trong một xã hội vốn được định hình như dành cho nam giới. Diễn tiến bình đẳng đó, tất nhiên, không bằng phẳng khi các định kiến về phụ nữ vẫn cản lối họ trên con đường khẳng định bản thân. Trên sân khấu của gameshow Shark Tank (Thương Vụ Bạc Tỷ) mùa 4 vừa qua, người ta lại thấy nhận định trên được kiểm chứng khi các Shark - những nhà đầu tư lớn tại Việt Nam, buông ra những lời nhận xét, bình luận đầy định kiến với một thí sinh nữ.
Với phần thể hiện của mình, CEO Nguyễn Thị Thu Hằng của Công ty CP Wiibike Việt Nam đã nhận được cái gật đầu từ Shark Phú với câu nói "Em không cần giải thích gì thêm về business. Với anh chỉ cần liếc mắt là biết bussiness nào rồi. Nên anh đã nói ngay từ đầu, anh không quan tâm đến business, không quan tâm đến sản phẩm mà đang quan tâm đến mỗi em thôi. Anh chốt thế này, 1,5 tỷ cho 10% cổ phần".
Chưa hết, CEO Thu Hằng cũng nhận được lời đề nghị từ Shark Bình với 3 tỷ cho 33% cổ phần với lý do "lý tưởng của startup và mô hình kinh doanh có chính nghĩa". Một cuộc co kéo đúng nghĩa trên sân khấu với câu chốt hùng hồn của Shark Phú nếu năm nay hòa vốn, Shark sẵn sàng đầu tư gấp 10 lần cho Wiibike cùng lời nhắn: "Anh rất bận, muốn anh đồng hành thì phải chủ động".
Hàng loạt bình luận đã được đưa ra từ các vị Shark xuyên suốt tập hai của chương trình dành cho CEO Thu Hằng. Shark Phú đã bình luận "Anh chỉ mải nhìn em nên chẳng thấy gì ở chiếc xe cả" hay "Anh không quan tâm đến business, không quan tâm đến sản phẩm mà đang quan tâm đến mỗi em thôi". Shark Hưng nằm ngoài cuộc co kéo này cũng có lời bình luận "Đã nói với Bình ngay từ đầu rồi, cứ sạch, xanh, xinh là xong."
Xong một phần thuyết trình đầu tư, gọi vốn, người xem cứ ngỡ mình đang trong một cuộc đua sắc đẹp. Liệu thương vụ bạc tỷ ở đây là doanh nghiệp, là sản phẩm đang gọi vốn hay là CEO Thu Hằng?
Định kiến với phụ nữ ngay trên sóng truyền hình
Thử tưởng tượng bạn đến với một sân chơi truyền hình, nơi những ông chủ lớn với bề dày kinh nghiệm trên thương trường đánh giá năng lực của công ty và sản phẩm. Bạn háo hức chờ đợi những nhận xét chuyên môn, đánh giá về sản phẩm, chứng tỏ năng lực - điều này lại càng có ý nghĩa với phụ nữ khi họ vẫn bị xem nhẹ trong mảng kinh doanh hay điều hành công ty. Cuối cùng, bạn nhận được những lời bình luận như "Anh chỉ quan tâm tới em thôi," "cứ sạch, xanh, xinh là xong."
"Sạch, xanh, xinh" khó có thể là những từ dùng để miêu tả một doanh nghiệp kinh doanh xe đạp, nhất là từ những người có một hệ thống từ ngữ chuyên môn rành rọt như các Shark. Cách dùng từ của Shark Bình gợi người ta nhớ tới những từ tiếng lóng để miệt thị, quấy rối phụ nữ - rau xanh, rau sạch, xinh. Những bình luận của ông không chỉ đi chệch khỏi chủ đề mà còn mang tính quấy rối tình dục bằng lời nói một cách công khai. Từ việc không quan tâm quá nhiều tới sản phẩm, các Shark chuyển sự chú tâm sang tới nhân vật chính là CEO Thu Hằng.
Dung mạo vẫn là thứ được đưa ra nhận xét với phụ nữ, điều hiếm thấy ở nam giới.Được khen là điều ai cũng thích nhưng với nhiều người, việc đưa ra lời khen về nhan sắc, vẻ bề ngoài khi đang thảo luận về công việc - vô tình hay cố ý, đều hạ thấp giá trị năng lực của phụ nữ. Nam giới thành công được gắn liền với sự nỗ lực, tài giỏi còn nữ giới thành công thường đi kèm với nhan sắc, sự trẻ trung hay sắc vóc. Chúng ta có thể khen một người là xinh xắn hay đẹp trai - điều đó là một thứ tự nhiên, nhưng khi đặt ngang hàng nó với các phẩm chất năng lực chuyên môn, người ta đang khiến các giá trị chuyên môn đó bị đánh giá thấp đi. Vì sao nói nó là định kiến giới? Vì những điều như vậy thường chỉ xảy ra với phụ nữ.
Có lẽ, nếu đây là một cuộc phỏng vấn xin việc, một buổi đánh giá năng lực để thăng chức, chúng ta cũng sẽ méo mặt nếu nhận được công việc hay một mức lương cao hơn vì vẻ ngoài xinh đẹp. Sắc vóc là những giá trị ngắn hạn và có tính tương đối khi dựa vào cảm quan của từng cá nhân; ghi nhận một người trên vị thế của nhan sắc không khiến người ta tự tin hơn mà còn đang ngầm ám chỉ sự thiếu hụt về năng lực dài hạn để bù trừ bằng một thứ ngắn hạn.
Nhiều người tự hỏi rằng, đằng sau một chương trình lớn trên sóng truyền hình Quốc gia, liệu không một ai nhận thấy vấn đề của những câu nói, bình phẩm như vậy và tác động tiềm tàng của nó tới người xem? Hoặc đây là một vấn đề mang tính hệ thống trong cách thức truyền thông đang câu kéo sự quan tâm của người xem bởi các vấn đề liên quan đến giới, tình dục, các phát ngôn gây sốc. Đáng buồn khi cách thức như vậy đều đang nhắm tới phụ nữ và các nhóm đối tượng thiểu số khác. Từ gameshow truyền hình tới những bình luận trên mạng, tất cả đều phản ánh chung một thực tại khi định kiến giới, đặc biệt với phụ nữ, vẫn được bình thường hóa và coi nhẹ dù vị thế của phụ nữ đã thay đổi rất nhiều trong xã hội.
Không dừng lại ở một gameshow truyền hình
Mạng xã hội phân cực tạo ra những quan điểm khác biệt, giữa nam giới và nữ giới trước cùng một vấn đề. Nhiều người coi những câu nói như vậy là "trò đùa, là những điều bình thường mà, làm gì phải nhạy cảm quá" nhưng sâu xa hơn đó là một hình thức quấy rối tình dục bằng ngôn từ. Việc xuất hiện trên sóng truyền hình như vậy có thể mang lại những tác động tiêu cực khi nó được tiếp cận với hàng triệu người xem tại Việt Nam với một thông điệp sai lệch đến vậy.
Nhìn rộng hơn, khi công khai khen một người con gái đẹp công khai, chúng ta vô tình để khoảng cách giữa đẹp và xấu ngày càng gia tăng trong xã hội với các tiêu chuẩn cụ thể được thiết lập. Sắc đẹp càng được tôn vinh công khai thì "cái xấu" càng được dè bỉu công khai. Để giải quyết việc miệt thị ngoại hình (body shaming), việc cần làm không chỉ là bớt chê bai cơ thể người khác mà cần thực sự cân nhắc khi khen một ai đó công khai. Nói như vậy không có nghĩa rằng mọi thứ sẽ cực đoan không khen không chê mà điều quan trọng cần lưu ý là lựa chọn những lời khen/chê phù hợp để không khiến người nhận được lời khen/chê cảm thấy áp lực và biết khen đúng nơi, đúng chỗ - không phải ở một nơi sự chuyên nghiệp, tài giỏi, khả năng kinh doanh được đề cao lại hướng về nhan sắc. Sắc vóc rồi cũng phai tàn, khen một người đẹp tạo nên áp lực phải giữ được sự trẻ trung, xinh đẹp của họ, còn chê một người xấu khiến khổ chủ thêm tự ti về ngoại hình.
Cách đây vài ngày, trong một clip của ngân hàng Seabank cũng xuất hiện hình ảnh một người phụ nữ nộp hồ sơ làm CEO với lời giới thiệu rằng "em kinh doanh vốn tự có". Người xem ngán ngẩm với câu chuyện của một ngân hàng, vốn là nơi những câu chuyện tài chính, kinh doanh nghiêm túc được thực hiện lại chèn thêm những sex joke (đùa cợt về giới tính, tình dục) vào clip giới thiệu sản phẩm/dịch vụ. Họ liên tục xoáy sâu vào cơ thể người phụ nữ, gợi lên một sự thiếu hụt về năng lực và bù đắp ở ngoại hình với các sex joke xuất hiện dồn dập. Hoặc như cách đây không lâu, Thái Trinh cũng đã lên tiếng khi cô bị quấy rối tình dục trong khi tham gia gameshow truyền hình bởi những lời lẽ tục tĩu.
Nói vậy để thấy, định kiến với phụ nữ vẫn đang là một câu chuyện nhức nhối trong xã hội và đáng buồn hơn khi đôi khi nó lại được hậu thuẫn, thổi bùng lên bởi truyền thông. Khi vấn đề định kiến giới với phụ nữ vẫn bị coi nhẹ, những định kiến với nam giới cũng không có lối ra. Suy cho cùng, phụ nữ hết bị định kiến phải xinh đẹp, phải thon thả, phải đảm đang thì nam giới cũng không bị trói trong những mặc định phải là trụ cột của gia đình, phải mạnh mẽ, phải cứng rắn. Định kiến giới trói cả hai giới và công cuộc giải định kiến giới là công cuộc mang đến "tự do" cho tất cả mọi người.
Pháp luật và Bạn đọc