Đằng sau việc kinh tế Việt Nam có dấu hiệu "chững" lại là gì?
Sau những kết quả ấn tượng của năm 2018, tăng trưởng GDP ở nửa đầu năm 2019 của Việt Nam dù được đánh giá là vẫn sôi động nhưng đã xuất hiện những dấu hiệu chậm lại.
- 09-07-2019Nhóm ngành nào có nhu cầu tuyển dụng cao nhất?
- 09-07-2019Khách bỏ trốn, công ty du lịch lo phá sản
- 09-07-2019Mức đề xuất "vênh" nhau lớn, lương tối thiểu 2020 có chốt trong phiên họp lần 2?
Phía World Bank, trong báo cáo mới nhất của mình nhận định GDP theo giá so sánh ở Việt Nam đã giảm tốc vào quý I/2019. Dù vậy, tăng trưởng vẫn cao hơn đáng kể so với các quý ở đầu năm 2016 và năm 2017.
Lý giải về sự giảm tốc tăng trưởng, tổ chức này cho rằng nguyên nhân đến từ cả bên trong và bên ngoài nền kinh tế. Nhìn từ trong nước, sản lượng nông nghiệp giảm tốc chủ yếu bắt nguồn từ dịch tả heo châu Phi làm cho chăn nuôi bị suy giảm, bên cạnh tình trạng sụt giá nhiều mặt hàng nông phẩm.
Nhịp độ tăng trưởng ngành xây dựng chững nhẹ cho thấy lĩnh vực bất động sản trở nên kém lạc quan hơn và đầu tư công vẫn đang được củng cố. Ngành dịch vụ tiếp tục được hưởng lợi do tiêu dùng hộ gia đình vẫn đứng vững khiến cho tăng trưởng về dịch vụ nhích lên. Tăng trưởng sản lượng các ngành chế tạo chế biến bị chững lại chủ yếu do sức cầu bên ngoài yếu đi.
Điểm sáng của nền kinh tế nằm ở ngành chế biến chế tạo và thương mại khi đóng góp 31% GDP theo giá so sánh của Việt Nam. Trong khi đó, ngành khai khoáng tiếp tục đối mặt với suy giảm cơ cấu, hiện chỉ góp sức được chưa đến 6% GDP.
Thực tế, việc suy giảm tăng trưởng của Việt Nam đã được World Bank cảnh báo từ cuối năm 2018. Theo đó, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam sẽ giảm dần trong trung hạn, theo xu hướng chung của thế giới đến năm 2020.
Thời điểm đó, phía World Bank cũng chỉ ra rằng vẫn tiềm ẩn những rủi ro đang tích tụ, theo hướng xấu đi. Bởi trong bối cảnh thương mại Việt Nam có độ mở cao, dư địa chính sách tài khoá và tiền tệ còn hạn chế, Việt Nam vẫn dễ bị tác động bởi những yếu tố bên ngoài.
Ví dụ như căng thẳng thương mại leo thang có thể dẫn đến suy giảm nhu cầu về các mặt hàng xuất khẩu, đồng thời thanh khoản trên toàn cầu bị thắt chặt có thể làm giảm dòng vốn đầu tư cũng như đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, World Bank cho rằng cải cách doanh nghiệp trong nước và khu vực ngân hàng chậm lại có thể ảnh hưởng đến viễn cảnh tăng trưởng và gia tăng các nghĩa vụ cho khu vực công.