MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đằng sau việc nhiều cây xăng đóng cửa

30-01-2023 - 10:25 AM | Thị trường

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, do thiếu nhân viên bán hàng, doanh nghiệp bị lỗ trong những ngày Tết Nguyên đán, ở khu vực phía Nam có khoảng 80 cửa hàng hết xăng, dầu hoặc thiếu xăng, thiếu dầu trong vài tiếng đồng hồ và một số ít cửa hàng bán lẻ đóng cửa nghỉ bán Tết do nhân viên về quê.

Gần 100 cây xăng bán lẻ trên toàn quốc đóng cửa

Con số này so với tổng số hơn 8.600 cửa hàng bán lẻ thì không đáng kể. Tuy nhiên, việc cây xăng dừng bán tập trung ở một số quận của TPHCM (quận 7, Bình Tân, Thành phố Thủ Đức) và một số địa phương (Bình Phước, An Giang, Hậu Giang) đã khiến người dân gặp khó khi cần mua xăng.

Ở khu vực phía Bắc, nhiều cây xăng đóng cửa, giảm thời gian bán hàng cũng bị lực lượng quản lý thị trường phát hiện và xử phạt. Qua thanh, kiểm tra những ngày Tết, quản lý thị trường phát hiện các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng... có tình trạng có cây xăng bán lẻ giảm thời gian bán hàng, đóng cửa nghỉ Tết.

Đằng sau việc nhiều cây xăng đóng cửa - Ảnh 1.

Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra bồn chứa của các cây xăng đóng cửa dịp Tết (Ảnh: Nguyễn Bằng).

Đại diện một doanh nghiệp xăng dầu đầu mối cho biết, sau hơn một tuần căng thẳng khi giá liên tục tăng cao và giữ ở trên mức 81 đến xấp xỉ 82 USD/thùng, từ ngày mồng 5 Tết (ngày 26/1), giá dầu thế giới quay đầu giảm mạnh, về mức 80 USD/thùng đã phần nào giảm bớt sự căng thẳng về giá trên thị trường trong nước. Ngày 29/1, giá dầu thế giới tiếp tục giảm mạnh từ 2 đến 3 USD/thùng, xuống còn 79,3 USD/thùng dầu thô WTI của Mỹ trong khi giá dầu Brent giảm 2,1 USD, xuống mức 86,3 USD/thùng.

Về việc nhiều cây xăng của các doanh nghiệp tư nhân đóng cửa trong những ngày Tết, theo vị này, những cây xăng đóng cửa, chủ yếu thuộc đại lý của các doanh nghiệp đầu mối nhỏ ở khu vực phía Nam và không phải do thiếu nguồn cung. Nguồn cung luôn được đảm bảo. Vấn đề là do các doanh nghiệp đang bị lỗ kéo dài từ đầu năm 2023 đến nay trong khi giá bán lẻ không được điều chỉnh do vướng nghỉ Tết.

“Với các chi phí vận chuyển phải tự chi trả, chiết khấu bằng 0 đồng trong khi chi phí nhân viên tăng 300% những ngày Tết, chưa tính các khoản hao hụt, chi phí thuê mặt bằng, mỗi lít xăng bán ra những ngày Tết doanh nghiệp bán lẻ bị lỗ hơn 1.000 đồng - 1.300 đồng/lít. Từ ngày mồng 6 Tết áp lực có giảm nhưng doanh nghiệp bán lẻ vẫn bị lỗ khoảng 800-900 đồng/lít”, vị này cho hay. Cũng theo nhận định của vị này, nếu cơ quan quản lý là Bộ Tài chính và Bộ Công Thương không tính đủ chi phí vận chuyển, tính giá cơ sở đủ bù đắp cho doanh nghiệp trong kỳ điều hành ngày 1/2 tới, việc doanh nghiệp bán lẻ dừng bán chắc chắn sẽ xảy ra.

Đằng sau việc nhiều cây xăng đóng cửa - Ảnh 2.

Cây xăng tự ý đóng cửa bị xử lý Ảnh: Nguyễn Bằng

Về tình trạng nhiều cây xăng tự ý đóng cửa nghỉ Tết, một lãnh đạo Bộ Công Thương cho hay, nguồn cung xăng dầu trong dịp Tết đã được đảm bảo trên toàn quốc. Vị này cũng thừa nhận có tình trạng có cây xăng đóng cửa nghỉ Tết, hết hàng đợi nhập trong một thời gian ngắn. Sau khi nhận được phản ánh, lực lượng quản lý thị trường các địa phương đã kiểm tra và cây xăng mở bán lại bình thường.

Đặc biệt, trong những ngày Tết, tại TPHCM, Thái Bình, Bắc Giang và một số tỉnh ở Nam bộ xảy ra hiện tượng một vài cửa hàng xăng dầu đóng cửa với lý do không có nguồn cung, nghỉ Tết sớm và đi làm muộn. Tuy nhiên, trên phạm vi cả nước, lực lượng quản lý thị trường đã vào cuộc kiểm tra 24/24h, thậm chí kể cả ngày mồng 1 Tết.

Đề xuất có mức chiết khấu cố định

Một chuyên gia trong ngành xăng dầu cũng cho rằng, để tránh tình trạng đứt gãy nguồn cung lặp lại như năm 2022 khi doanh nghiệp cạn vốn kinh doanh, không còn nguồn tiền để nhập hàng do bị lỗ quá dài, cũng đến lúc các cơ quan quản lý cần linh hoạt hơn trong điều hành cũng như có quy định về mức chiết khấu cố định cho các doanh nghiệp bán lẻ như đang áp dụng mức lợi nhuận định mức với doanh nghiệp đầu mối hiện nay.

"Lực lượng Quản lý thị trường phải tăng cường công tác kiểm tra giám sát nhất là trong hoạt động kinh doanh xăng dầu bảo đảm hoạt động di chuyển của người dân sau tết, hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân sau tết không bị gián đoạn, không để xảy ra việc đứt gãy nguồn cung như tháng 11/2022".

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên

“Phải để các doanh nghiệp bán lẻ có lợi nhuận thì họ mới có sức tham gia điều tiết thị trường. Còn khi nguồn tiền cạn kiệt, dù có rút giấy phép, doanh nghiệp cũng không thể lấy tiền đâu mà đi bán lỗ mãi để phục vụ thị trường”, vị này nêu ý kiến.

Đề xuất phải đưa vào luật các quy định về lợi nhuận định mức là quan điểm của Nguyễn Thị Bích Hường, Chủ tịch Chi hội Xăng dầu (Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam) khi trao đổi với PV Tiền Phong gần đây. Theo bà Hường, trong thời gian dài vừa qua, các doanh nghiệp đầu mối đang để chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ ở mức 0 đồng hoặc để chiết khấu rất thấp để san lỗ cho cả hệ thống.

“Các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu là bộ mặt của cả ngành xăng dầu khi là người cuối cùng bán ra thị trường. Dù chiếm số lượng đến hơn 50% cửa hàng bán lẻ trên toàn thị trường nhưng các doanh nghiệp bán lẻ không có quyền đòi hỏi mức chiết khấu, đầu mối cho bao nhiêu thì biết bấy nhiêu. Đây là điều bất cập trong kinh doanh xăng dầu”, bà Hường nói.

Trước đó, trong một văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ nêu những góc khuất của kinh doanh xăng dầu, 36 doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu tại TPHCM và Đồng bằng sông Cửu Long đã cho rằng, việc điều hành xăng dầu vừa qua có nhiều vấn đề. Nổi cộm nhất là Nghị định 95 quy định doanh nghiệp đầu mối và thương nhân phân phối xăng dầu không được bán cao hơn giá bán lẻ do Nhà nước công bố. Tuy nhiên, thời gian qua, xảy ra tình trạng chiết khấu âm, thương nhân phân phối đã “lách” quy định này để bán giá cao hơn giá bán lẻ, trong đó có kê khống, thu thêm chi phí vận chuyển vào hoá đơn để đẩy lỗ cho doanh nghiệp bán lẻ khiến có nhiều thời điểm doanh nghiệp càng bán càng lỗ, nhưng không được đóng cửa, vẫn phải bấm bụng bán mà không ai được bù lỗ.

“Việc không quy định rõ ràng doanh nghiệp bán lẻ được hưởng bao nhiêu trong chi phí kinh doanh định mức dẫn đến phía đầu mối tự do điều chỉnh mức chiết khấu là nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp bán lẻ luôn chịu thua thiệt, âm vốn nên đóng cửa dừng bán. Cần có mức chiết khấu cố định theo định mức đối với doanh nghiệp bán lẻ”, 36 doanh nghiệp bán lẻ nêu kiến nghị gửi Thủ tướng về những bất cập trong kinh doanh xăng dầu.

Theo Phạm Tuyên

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên