Đằng sau việc Việt Nam là 'chủ nợ' thứ 30 của Mỹ
Sau 2 tháng, Việt Nam đã vượt Thụy Điển, Italy, đứng thứ 30 trong danh sách các nước có giá trị nắm giữ trái phiếu Chính phủ Mỹ lớn nhất tháng 8/2021.
- 21-10-2021Nghị quyết miễn, giảm thuế cho người dân và doanh nghiệp chính thức được ban hành
- 21-10-2021Đặt mục tiêu tiếp tục nhập khẩu và sản xuất vaccine trong nước sang năm 2022 và các năm tiếp theo
- 20-10-2021Lần đầu tiên Thái Bình gặp mặt và làm việc với 'ông lớn' Samsung
Vừa qua, theo thống kê của Bộ Tài chính Mỹ, Việt Nam đang nắm giữ hơn 39 tỷ USD trái phiếu Chính phủ Mỹ tính đến tháng 6/2021. Con số 39 tỷ USD này thực chất phản ánh số trái phiếu chính phủ Mỹ mà Việt Nam nắm giữ, hiện đang lưu ký tại các ngân hàng đặt tại Mỹ. Đây được xem là ngoại hối của Việt Nam.
Theo số liệu mới cập nhật từ Bộ Tài chính Mỹ, lượng trái phiếu của nước này do Việt Nam nắm giữ tính đến tháng 8/2021 đã tăng lên 44,8 tỷ USD. Đặc biệt, hồi tháng 6, Việt Nam đang đứng thứ 32 trong tổng số 50 quốc gia chủ nợ lớn nhất của Mỹ. Song sang tháng 8, thứ hạng của Việt Nam trong báo cáo đã tăng lên ở vị trí thứ 30.
Nhờ vị thế đồng tiền thanh toán chính cùng hệ thống kinh tế chính trị ổn định, USD từ lâu đã là đồng tiền dự trữ chính trên thế giới. Lượng trái phiếu của Mỹ do nước ngoài nắm giữ trong tháng 8/2021 đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 2/2020 giữa bối cảnh nhu cầu chung đã kéo lợi suất xuống. Các chủ sở hữu nước ngoài nắm giữ 7,555 nghìn tỷ USD trái phiếu Chính phủ Mỹ trong tháng 8/2021, tăng từ mức 7,543 nghìn tỷ USD ghi nhận hồi tháng 7.
Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Hoa Kỳ bắt đầu từ tháng 6 với mức 1,6062%, giảm 14 điểm cơ bản xuống 1,468% vào cuối tháng. Nhật Bản tiếp tục là quốc gia đứng đầu trong nắm giữ trái phiếu Chính phủ Mỹ, với 1,319 nghìn tỷ USD hồi tháng 8, từ mức 1,31 nghìn tỷ USD tháng trước đó.
Mặt khác, giá trị nắm giữ trái phiếu Chính phủ Mỹ của Trung Quốc đã giảm xuống còn 1,047 nghìn tỷ trong tháng 8, từ mức 1,068 nghìn tỷ USD hồi tháng 7. Đây là mức nắm giữ thấp nhất kể từ tháng 10/2020.
Thực tế, giai đoạn 2008-2018 (trừ năm 2016), Trung Quốc luôn đứng vị trí đầu trong báo cáo về giá trị nắm giữ trái phiếu Chính phủ Mỹ của các quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên đến năm 2019, Nhật Bản đã trở thành nước có giá trị nắm giữ trái phiếu Chính phủ Mỹ lớn nhất, với 1,155 nghìn tỷ USD tính đến tháng 12/2019.
Ngoài ra, một số quốc gia Đông Nam Á thuộc top 35 nước nắm giữ trái phiếu Chính phủ Mỹ tính đến tháng 8/2021 bao gồm: Singapore ở vị trí thứ 14, với giá trị nắm giữ 191,5 tỷ USD; Thái Lan ở vị trí 24 với giá trị nắm giữ khoảng 57,3 tỷ USD; Philippines ở vị trí 27, giá trị nắm giữ 49,8 tỷ USD...
Đối với Việt Nam, năm 2014, số nợ Mỹ do "ta cho vay" đang ở mức 14 tỷ USD tính đến tháng 12/2014. Như vậy con số hiện tại đã gấp hơn 3 lần thời điểm cuối năm 2014. Bên cạnh đó, con số 44,8 tỷ USD không phải là toàn bộ dự trữ ngoại hối của Việt Nam. Con số này chỉ chiếm khoảng gần 40% tổng số ngoại hối mà Việt Nam đang nắm giữ. Phần dự trữ ngoại hối còn lại có thể dưới 3 dạng sau:
Thứ nhất, trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn dưới 10 năm. Bộ Tài chính Mỹ không có con số thống kê này cho Việt Nam.
Thứ hai, dự trữ ngoại hối không phải bằng đồng USD. Có thể là vàng, euro, yên Nhật...
Thứ ba, trái phiếu chính phủ Mỹ thuộc các kỳ hạn dài, nhưng Việt Nam lưu ký ở chỗ khác.