Đằng sau vụ bắt giữ "nữ tướng" Huawei (*): "Nhà Trắng" trong trụ sở Huawei
Những gì đang xảy ra với Huawei mới phản ánh cuộc đối đầu thực sự giữa Mỹ và Trung Quốc - hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Trong khuôn viên rộng lớn của Tập đoàn Huawei tại TP Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông - Trung Quốc, các bức tường ở khu vực ăn uống được trang trí bằng những câu nói của ông Ren Zhengfei, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành (CEO) đế chế công nghệ này.
"Tay chơi" lớn
Theo các nhà báo của Bloomberg - những người vừa có chuyến thăm hiếm hoi bên trong trụ sở Huawei gần đây, điều đáng chú ý hơn cả là một phòng thí nghiệm nghiên cứu được đặt tên là "Nhà Trắng". Nó mang dáng dấp của tòa bạch ốc ở Washington, hoạt động có phần kín kẽ và hiếm khi tiếp người ngoài.
Giữa lúc các cáo buộc Huawei vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đang đe dọa hủy hoại quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh, nhóm kỹ sư bí mật của "Nhà Trắng" trong lòng tổng hành dinh Huawei có vẻ không mấy bận tâm. Họ vẫn tiếp tục nghiên cứu các công nghệ tiên tiến nhất, từ trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây đến chip máy tính… Họ đã âm thầm thực hiện những công việc này suốt nhiều năm qua và nay lại khiến nhiều nhân vật ở Nhà Trắng thực sự tại Washington nóng mặt.
Phòng thí nghiệm nghiên cứu được gọi là “Nhà Trắng” trong khuôn viên trụ sở Huawei ở Thâm Quyến - Trung Quốc Ảnh: BLOOMBERG
Trong khi nhiều người dân Mỹ có thể còn lạ lẫm với Huawei, tập đoàn này thực tế đã là "tay chơi" lớn trong thế giới công nghệ. Doanh thu trong năm 2018 của Huawei đã gần đạt tới con số 100 tỉ USD của Microsoft.
Tập đoàn viễn thông hàng đầu thế giới của Trung Quốc còn sản xuất điện thoại phổ biến rộng rãi và vượt mặt Apple về số lượng điện thoại thông minh bán ra. Tuy nhiên, điện thoại của Huawei khó tìm được chỗ đứng tại đất nước cờ hoa. Tập đoàn này đã tìm cách làm ăn với các nhà mạng của Mỹ để bán các thiết bị của mình nhưng bất thành. Vì phần lớn người tiêu dùng Mỹ mua điện thoại thông minh từ các nhà mạng, Huawei hầu như bị sập cửa ở thị trường nền kinh tế số 1 thế giới.
Lý do Huawei bị "xa lánh" ở Mỹ được cho là xuất phát từ mối ngờ vực tập đoàn này có quan hệ với chính phủ Trung Quốc. Mối quan hệ đó khiến giới chức Mỹ lo ngại rằng điện thoại và công nghệ của Huawei có thể được dùng để do thám Washington. Nhiều nước khác ở châu Âu hay châu Úc cũng chia sẻ mối lo ngại tương tự.
"Vũ khí" tinh tế hơn
Theo giới phân tích, nếu bám sát những dòng chảy thông tin nổi cộm trên báo chí về chiến tranh thương mại Mỹ - Trung với các diễn biến xoay quanh vấn đề thuế quan, nhiều người dễ tưởng rằng cuộc đối đầu này chủ yếu cũng về thuế quan, nhất là nhắm vào những hàng hóa như ôtô. Thế nhưng, những gì đang xảy ra với Huawei mới phản ánh cuộc đối đầu thực sự giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Vụ bà Meng Wanzhou, Giám đốc tài chính Huawei, bị bắt ở Canada theo yêu cầu của Mỹ dường như đã "thức tỉnh" nhiều người rằng có một cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung thứ hai đang diễn ra với xung đột tiềm tàng lớn hơn nhiều, "vũ khí" cũng tinh tế hơn và có thể gây nhiều thiệt hại hơn thuế quan. Người thắng cuộc sẽ thống trị ngành công nghệ thông tin. Lý do chính thức mà "nữ tướng" Huawei - con gái nhà sáng lập tập đoàn này - bị bắt là nghi ngờ bán công nghệ cho Iran, vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ.
Huawei là tập đoàn công nghệ lớn thứ hai của Trung Quốc bị cáo buộc vi phạm các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Năm 2017, ZTE đã bị kết tội tương tự. Washington trừng phạt ZTE bằng cách cấm mua các sản phẩm của Mỹ - nhất là chip viễn thông do Qualcomm Inc sản xuất. Lệnh cấm này sau đó được gỡ bỏ khi ZTE đồng ý nộp phạt và có vẻ Huawei khó thoát khỏi đòn trừng phạt khắc nghiệt tương tự.
Theo Bloomberg, những diễn biến trên làm nổi bật sự phụ thuộc của các công ty Trung Quốc vào công nghệ quan trọng của Mỹ. Mỹ vẫn làm ra, hoặc ít nhất là thiết kế, những con chip tốt nhất thế giới. Trung Quốc lắp ráp rất nhiều thiết bị điện tử nhưng nếu thiếu công nghệ đầu vào quan trọng của Mỹ, sản phẩm của các doanh nghiệp như Huawei có chất lượng thấp hơn nhiều.
Do đó, hạn chế xuất khẩu và đe dọa hạn chế xuất khẩu có lẽ không đơn giản chỉ là chuyện trừng phạt mà còn gây khó dễ đáng kể cho những đối thủ cạnh tranh chính của các công ty công nghệ Mỹ. Động thái của Mỹ nhắm vào Huawei và ZTE có thể nhằm buộc Trung Quốc tiếp tục sắm vai nhà cung cấp giá rẻ thay vì là đối thủ cạnh tranh đe dọa các doanh nghiệp xứ cờ hoa.
Bản chất tinh tế và tầm nhìn xa của biện pháp trên cho thấy động lực của cuộc chiến thương mại công nghệ cao vượt ra ngoài những gì mà Tổng thống Mỹ Donald Trump - vốn tự nhận là "người đàn ông thuế quan" - nghĩ tới. Dường như những công ty công nghệ Mỹ cùng các cộng đồng tình báo quân sự, cũng đang tác động đến chính sách này.
3 con thiên nga đen
Một chi tiết khiến không ít người tò mò là 3 con thiên nga đen bơi quanh hồ nước trong khuôn viên trụ sở Huawei. Theo Bloomberg, ông chủ Huawei coi 3 con thiên nga huyền bí này là lời nhắc nhở thường trực về việc không được tự mãn và chuẩn bị cho những khủng hoảng bất ngờ ập tới. Việc ái nữ của ông trùm viễn thông Trung Quốc bị bắt ở Canada và đối mặt chuyện bị dẫn độ sang Mỹ, cùng một giám đốc cấp cao khác của Huawei bị bắt ở Ba Lan, được cho là cuộc khủng hoảng lớn chưa từng thấy trong vòng 30 năm qua đối với tập đoàn này.
Cuộc khủng hoảng đã khiến ông chủ 74 tuổi của Huawei phải phá vỡ sự im lặng hôm 15-1 sau nhiều năm im hơi lặng tiếng. Ngoài việc ca ngợi ông Trump là "tổng thống vĩ đại", ông Ren còn nhấn mạnh: "Tôi yêu đất nước mình nhưng tôi cũng sẽ không làm gì gây tổn hại đến thế giới. Lý tưởng chính trị của tôi không liên quan đến công việc kinh doanh của Huawei".
Trả lời Nikkei Asian Review ngày 18-1, ông Ren tỏ ra bất ngờ vì Canada bắt giữ con gái ông với cáo buộc "âm mưu lừa đảo các tổ chức tài chính". Ông Ren cũng lần đầu tiên tuyên bố rằng bà Meng không phải là người kế vị ông ở Huawei. "Người kế nhiệm tôi không phải là một cá nhân mà là một nhóm người" - ông úp mở.
Người Lao động