MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đáng suy ngẫm: Kể từ hôm nay, tôi sẽ mang theo tiền mặt khi ra ngoài

14-05-2024 - 16:26 PM | Sống

Một cuộc sống dễ chịu đem lại tự do cho những người đang chạy, thì cũng nên khiến những người đi chậm ở phía sau cảm thấy thoải mái. Công nghệ lạnh lùng, nhưng con người có sự ấm áp.

01

Đã bao lâu rồi bạn chưa rời khỏi nhà với tiền mặt?

Hai ngày trước, tôi đi ngang qua một quán bún trên đường đi làm. Tôi nhìn thấy một ông lão dáng người còng, nói tiếng phổ thông không lưu loát đang nói với người chủ cửa hàng:

"Anh có thể đổi cho tôi 5 tệ tiền xu được không?". Có thể là vì bận, có thể là vì cảm thấy phiền phức nên chủ quán phớt lờ ông. Ông lão tưởng chủ quán không nghe thấy nên hỏi lại thêm vài lần nhưng không ngờ lại khiến chủ quán nổi giận:

"Đi đi, đi chỗ khác đi, đừng cản trở việc bán hàng của tôi!"

Khoảnh khắc đó, ông lão giống như đứa trẻ vừa làm sai chuyện gì, đứng đó bất lực. Lúc này có hai ba người qua đường nhìn thấy liền tiến tới hỏi ông lão chuyện gì xảy ra.

Vì xung quanh khá ồn ào nên tôi chỉ nghe thấy ngắt quãng, có vẻ như ông không có điện thoại thông minh, người thân của ông bị ốm nên ông muốn đổi chút tiền xu để bắt xe buýt đến bệnh viện.

Nhìn vẻ mặt thận trọng và không biết làm sao của ông lão, tôi muốn giúp đỡ, nhưng bỗng nhiên nhận ra rằng mình không mang theo tiền mặt. Chưa kể nếu còn không lập tức đi, tôi sẽ bị muộn làm. Bất lực, tôi đành tiếp tục đi làm nhưng vẫn cảm thấy tội lỗi.

Chúng ta luôn quen với sự tiện lợi của thanh toán di động nhưng lại rất dễ bỏ qua một sự thật rằng: Thứ chúng ta coi là đương nhiên lại là một khoảng cách không thể vượt qua đối với một số người cao tuổi.

Đáng suy ngẫm: Kể từ hôm nay, tôi sẽ mang theo tiền mặt khi ra ngoài- Ảnh 1.

02

Tôi từng thấy một bài đăng trên Internet có tên "Mọi người nên mang theo một ít tiền mặt khi ra ngoài".

Người đăng bài cho biết cô tình cờ bắt gặp một quầy bán trái cây ven đường, chủ quán là một phụ nữ lớn tuổi. Bà lão vừa trông quầy hàng, vừa chăm sóc đứa cháu nhỏ đang bế trên tay. Khi cô đang lựa trái cây, vốn định lấy điện thoại di động ra trả tiền thì nghe thấy bà cụ hỏi cô có thể trả bằng tiền mặt không. Hỏi thăm mới biết bà đã ngồi đây suốt buổi chiều.

Thời tiết gần đây nóng bức, mọi người đều ngại ra ngoài. Nhưng vì bà không biết sử dụng smartphone nên không có mã thanh toán. Khó khăn lắm mới có vài người mua hàng, nhưng vì họ không mang tiền mặt nên bà cũng không bán được là bao.

Thấy cô chần chừ, bà lão tưởng cô không muốn mua nên vội nói: "Cô gái, tôi có thể tặng cô thêm hai quả đào nữa. Mấy quả đào này ngọt lắm. Vậy có được không?"

Một câu nói ngắn ngủi nhưng lại khiến người khác cảm thấy nhói lòng. Ở cái tuổi lẽ ra phải hưởng thụ tuổi già, dù nắng hay mưa họ vẫn phải dựng quán để kiếm tiền. Nhưng vì không theo kịp thời đại nên đã bị từ chối.

Thời gian vốn tàn nhẫn. Nó không chỉ lấy đi những người bạn cũ thân thuộc xung quanh họ, mà lấy đi cả thời đại mà họ từng quen thuộc. Họ bị bỏ lại đó, vật lộn.

Hiện nay, khi bạn vắng nhà, bạn được thay thế bởi các máy móc tự động hay thanh toán quét mã. Kết quả là họ bất lực và bối rối. Họ chỉ có thể thận trọng khám phá nhưng vẫn gặp phải khó khăn.

Trong trận dịch COVID-19, một người đàn ông 70 tuổi bị buộc phải nằm tại ga xe lửa Vô Tích, Trung Quốc trong ba ngày. Ông đã làm xét nghiệm và nhận được vé, nhưng vì dùng chiếc điện thoại di động đời cũ, không quét được mã nên ông không thể bắt tàu về nhà. Tại sảnh bệnh viện, một ông lão đi cùng vợ đến bệnh viện để chữa bệnh. Ông một mình đối mặt với những thủ tục phức tạp trước máy đăng ký, lo lắng đến mức tay run rẩy, trán đổ mồ hôi.

Có người cho rằng trong xã hội ngày nay, người cao tuổi cũng cần phải có dũng khí mỗi khi ra ngoài.

Đáng suy ngẫm: Kể từ hôm nay, tôi sẽ mang theo tiền mặt khi ra ngoài- Ảnh 2.

03

Cách đây không lâu, video một ông già bị đuổi khỏi xe buýt ở Liêu Ninh, Trung Quốc trở nên khá phổ biến trên mạng xã hội Trung Quốc. Trong video, một ông lão bị tài xế từ chối chở vì không có điện thoại thông minh và không xuất trình được mã sức khỏe.

Ông lão nói có thể đăng ký. Trong lúc lời qua tiếng lại, cả hai người đều bế tắc. Hành khách trên xe trở nên mất kiên nhẫn vì phải chờ đợi, chỉ trích ông lão:

"Ông xuống xe đi, đừng để người khác bị muộn giờ làm!". Trước sự khó chịu của nhiều người trong xe, ông lão bám chặt vào thành xe, vẻ mặt hoang mang và bất lực.

Cho tới khi có người nói sẽ báo cảnh sát, ông mới bất lực rời đi. Sự việc lan truyền trên mạng, có người phẫn nộ, có người thông cảm.

Trong số đó, có một ý kiến rằng: "Người già nên học tập và theo kịp thời đại, nếu không, bị đào thải!"

Nhưng có bao giờ những người nói ra những lời này nghĩ rằng một lời nói tưởng chừng vô thưởng vô phạt ấy lại là một điều gì đó khiến người cao tuổi cảm thấy vô cùng bất lực?

Một trải nghiệm quét mã của một người cao tuổi đã được ghi lại và chế tác thành video VR. Người xem có thể trải nghiệm sự sự "già đi" một cách tức thì thông qua các thiết bị gắn trên đầu: Bạn sẽ cảm thấy tầm nhìn bị mờ, thính giác bị hạn chế, ngón tay không linh hoạt...

Ở trạng thái này, bạn vẫn cần tranh thủ thời gian để quét mã và vào ga. Tàu sắp khởi hành, người người đến người đi nhưng không ai ra tay giúp đỡ. Sau buổi trải nghiệm, tổ chương trình đã hỏi các bạn trẻ 3 câu hỏi:

"Bạn cảm thấy thế nào nếu những người già này là cha mẹ của bạn?"

"Bạn cảm thấy thế nào nếu gặp phải tình huống này khi về già?"

"Nếu sau này gặp lại tình huống này, bạn có đứng ra giúp đỡ không?"

Không có ngoại lệ, tất cả đều im lặng. Rất nhiều khi, có một số việc không thể đạt được chỉ bằng sự nỗ lực. Khi chúng ta già đi, lão hóa là điều không thể tránh khỏi và sự bất lực sẽ trở thành một phần bình thường của cuộc sống. Chúng ta quả thực cần có một cái nhìn khác về thời đại này và đón nhận nó. Nhưng những ai may mắn lên được con tàu vĩ đại của thời đại cũng không nên chế giễu những người còn ở trên bờ. Không ít người già của hiện tại đang bất lực với thời đại hiện tại, nhưng ai có thể đảm bảo, chúng ta, khi về già, sẽ sống trong một thời đại ra sao?

Đáng suy ngẫm: Kể từ hôm nay, tôi sẽ mang theo tiền mặt khi ra ngoài- Ảnh 3.

04

Một nhà văn từng nói: "Mọi người đều cho rằng việc già đi đang ở rất xa với bản thân, nhưng thực tế là họ đang già đi trước khi họ nhận ra điều đó."

Thế hệ nào cũng vậy, cuối cùng cũng sẽ già đi, hôm nay là họ, ngày mai là chúng ta.

Một cuộc sống tốt là đem lại tự do cho những người đang chạy, thì cũng nên khiến những người đi chậm ở phía sau cảm thấy tự do. Công nghệ lạnh lùng, nhưng con người có sự ấm áp. Dừng lại, nhìn họ, chậm lại một chút, chờ đợi, kiên nhẫn và hướng dẫn họ, từng chút một.

Đối với những người già, sự quan tâm lớn nhất chính là đưa tay ra hỗ trợ khi họ cần.

Điều chúng ta có thể làm trong cuộc sống là hãy để tâm, chu đáo và kiên nhẫn hơn với người cao tuổi. Chẳng hạn, bắt đầu từ hôm nay, hãy mang theo một ít tiền mặt khi ra ngoài, bạn rất có thể sẽ giúp được một người già đang cần giúp đỡ.

Cũng hãy dành nhiều thời gian bên cha mẹ và đưa họ đi xem, học hỏi những điều mới mẻ, để họ không cảm thấy bị thời gian bỏ rơi.

Nhà văn Bi Shumin đã nói trong bài viết có tựa đề "Hiếu là vô giá" rằng: "Tôi tin rằng mọi đứa trẻ chân thành, lương thiện đều muốn làm tròn chữ 'hiếu' với cha mẹ từ tận đáy lòng. Họ tin rằng tương lai còn dài, tin rằng một ngày nào đó khi trở về quê hương sau những thành công và danh vọng, họ có thể chậm lại, làm tròn chữ 'hiếu' của mình. Chỉ tiếc rằng, con người đã quên mất đi sự tàn khốc của thời gian, sự ngắn ngủi của cuộc đời và sự mỏng manh của sinh mệnh."

Sống ở đời, ai rồi cũng sẽ già đi, những người cao tuổi của ngày hôm nay, chính là chúng ta của sau này. Tử tế với người già của ngày hôm nay, nghĩa là đang tử tế với chính mình của ngày mai.

Theo Diệu Đan

Đời sống và pháp luật

Trở lên trên