MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đang trải qua năm khó khăn nhất trong lịch sử ngành kinh doanh iPhone, các nhà bán lẻ chọn cách thích nghi ra sao?

16-05-2023 - 18:30 PM | Thị trường

Đang trải qua năm khó khăn nhất trong lịch sử ngành kinh doanh iPhone, các nhà bán lẻ chọn cách thích nghi ra sao?

Giảm giá để kích cầu, tối ưu hóa chi phí cũng như tập trung tăng trải nghiệm khách hàng là những cách làm phổ biến để “sống sót” trong giai đoạn thị trường khó khăn hiện nay.

2021-2022 được xem là giai đoạn khó khăn của ngành bán lẻ nói chung cũng như bán lẻ di động nói riêng do Covid-19. Tuy nhiên, khi những bất ổn do đại dịch gây ra dần đi qua thì thị trường lại bước vào năm 2023 thậm chí còn khó khăn hơn.

Nhu cầu mua sắm của người dùng xuống cực thấp do khó khăn chung về kinh tế khiến cho nhiều đại lý sụt giảm 30-40% doanh số so với cùng kỳ. Lúc này, yêu cầu bắt buộc đối với giới bán lẻ di động là phải thay đổi bản thân để thích ứng với những khó khăn hiện tại.

Giảm giá kích cầu – cuộc chiến không hồi kết

Người ta đã nói quá nhiều về “cuộc chiến sát ván” về giá giữa các đại lý bán lẻ iPhone trong giai đoạn đầu 2023. Trong khoảng vài tháng qua, chính bản thân người dùng cũng cảm thấy hoang mang trước thông tin iPhone giảm giá liên tục.

Thế Giới Di Động, FPT Shop … cùng hàng loạt cái tên khác liên tục tung ra các chương trình giảm giá sâu cho các mẫu iPhone. Thậm chí, các bên còn liên tục xuất hiện trên truyền thông, khẳng định quan điểm sẵn sàng cho một “cuộc chiến” về giá.

Đang trải qua năm khó khăn nhất trong lịch sử ngành kinh doanh iPhone, các nhà bán lẻ chọn cách thích nghi ra sao? - Ảnh 1.

Đại lý liên tục công bố giảm giá iPhone 14 tại Việt Nam trong thời gian qua.

Thời điểm hiện tại, giá bán của iPhone 14 Pro Max bản 128 GB tại Việt Nam phổ biến ở mức hơn 26 triệu đồng, thuộc nhóm rẻ nhất thế giới. Nếu so với thời điểm mới mở bán, mức giá này đã rẻ hơn khoảng 8-9 triệu đồng - mức sụt giảm mạnh nhất từ trước đến nay, trong khi máy mới chỉ bán ra khoảng 6 tháng.

Không riêng iPhone 14, một số mẫu iPhone đời cũ như iPhone 11, 12 13 hay cả MacBook đều giảm giá rất mạnh tại Việt Nam. “Muốn kích cầu tiêu dùng, cách nhanh và dễ nhất là giảm giá. Dù không muốn, nhiều hệ thống bán lẻ vẫn buộc phải giảm giá – một là cạnh tranh với nhau, 2 là giải phóng hàng tồn để quay vòng vốn”, một người theo dõi thị trường lâu năm chia sẻ.

Theo chia sẻ của nhiều hệ thống bán lẻ, họ bị “cuốn” vào cuộc chiến giảm giá và không dễ để “thoát” ra ngoài trong bối cảnh hiện nay. “Đến một lúc nào đó, cuộc chiến này sẽ phải kết thúc và các bên đều chịu ‘tổn thương’ về lợi nhuận, hình ảnh cũng như một số hệ lụy khác”, một đơn vị thừa nhận.

Về lý thuyết, người dùng được lợi trong “cuộc chiến” này bởi họ có thể mua sản phẩm với giá hợp lý. Tuy nhiên, chính bản thân người dùng cũng “hoang mang” khi giá sản phẩm thay đổi liên tục theo tuần, thậm chí theo ngày. “Mua sản phẩm hôm nay, rất có thể tôi đã ‘đu đỉnh’ vì chỉ sau đây vài ngày, giá có thể giảm hơn nữa”, Thanh Hà (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ. Thực tế, chiếc iPhone 12 anh mua cách đây 2 tuần đã giảm giá cả triệu đồng vào thời điểm này.

Tuy nhiên, ngoài việc giảm giá, các đại lý cũng có những động thái khác nhằm thu hút khách hàng của mình.

Tập trung vào trải nghiệm người dùng

“Chúng tôi đứng ngoài cuộc chiến về giá. Đem lại lợi ích cho khách hàng bằng trải nghiệm sản phẩm, dịch vụ đầy đủ của thương hiệu là ưu tiên số một của chúng tôi giai đoạn này”, đại diện ShopDunk - đơn vị chuyên kinh doanh sản phẩm Apple chia sẻ.

Khác với một số đại lý bán lẻ di động phổ thông, ShopDunk vận hành các cửa hàng mono store - được coi là các Apple Store thu nhỏ để bán sản phẩm Apple và mang lại trải nghiệm “đậm chất Apple nhất có thể” cho người dùng.

Đơn vị này hiện chọn cách tăng thêm 6 tháng bảo hành cho các sản phẩm iPhone 14 series, biến họ trở thành đơn vị có chế độ bảo hành dài nhất tại Việt Nam hiện nay. “Đây là cách đi riêng để gia tăng trải nghiệm khách, giúp họ yên tâm sử dụng sản phẩm. Chúng tôi tin rằng đây là cách đi bền vững, mang lại lợi ích thiết thực cho cả khách hàng và bản thân chúng tôi, thay vì chạy đua về giá”, vị đại diện này nói.

Thực tế, bảo hành là câu chuyện được nhắc đến khá nhiều thời gian gần đây với các sản phẩm iPhone khi lượng sản phẩm tại Việt Nam tăng lên nhanh chóng trong khi chính sách của hãng ngày một khó khăn hơn. Gia tăng thời hạn bảo hành, do đó, được xem là một lựa chọn khôn ngoan để thu hút người dùng lựa chọn mua sản phẩm.

Bên cạnh các giải pháp này, vẫn còn nhiều biện pháp được các đại lý bán lẻ đưa ra, chẳng hạn tối ưu các hệ thống nội bộ để cắt giảm chi phí không cần thiết nhằm vận hành hiệu quả hơn. Một số khác chọn cách tập trung vào các sản phẩm ăn khách, cắt bớt tồn kho để tối ưu chi phí vv…

Theo nhận định chung, bán lẻ di động tại Việt Nam có thể sẽ khởi sắc hơn vào khoảng quý III hoặc quý IV năm nay.

Đức Nam

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên