MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đang vào rừng ngắm cây, người đàn ông bất ngờ gặp “chim thần” 155 năm mới xuất hiện

02-10-2023 - 11:58 AM | Sống

Nhiều người sau khi biết “chim thần” xuất hiện đã đổ xô tới hòn đảo để có cơ hội chiêm ngưỡng sinh vật này trước khi nó bay mất.

“Chim thần” xuất hiện sau 155 năm biến mất

Vào ngày 14 tháng 6 năm 2021, Will Wagstaff, một chuyên gia động vật hoang dã người Anh quyết định cùng nhóm bạn của mình vào rừng trên hòn đảo St Mary thuộc quần đảo Scilly để quan sát các loài động, thực vật. Trong lúc đang đi dạo trong rừng, nhóm của Will bất ngờ phát hiện ra một con kền kền Ai Cập – một loài chim được mệnh danh là “chim thần” đang đậu trên cây. Khi nhìn thấy nó, Will vô cùng mừng rỡ vì loại chim này đã quay trở lại Anh trong suốt hơn 150 năm không xuất hiện.

Đang vào rừng ngắm cây, người đàn ông bất ngờ gặp “chim thần” 155 năm mới xuất hiện - Ảnh 1.

Kền kền Ai Cập được mệnh danh là "chim thần" của người Ai Cập cổ đại. (Ảnh: Dailymail)

Ngay sau đó, nhóm của Will đã dùng máy ảnh ghi lại những hành động của con kền kền Ai Cập này. Theo mô tả của Will Wagstaff, con kền kền Ai Cập đã ở trên ngọn cây trong 1,5 giờ, sau đó cất cánh và bay lượn trên vùng trời hòn đảo St Mary.

Sau khi xem lại những hình ảnh được ghi lại, Giáo sư Stuart Bearhop, nhà sinh thái học tại Đại học Exeter cho hay “Nếu được chứng minh con vật đó là kền kền Ai Cập thì đây sẽ là lần đầu tiên loài chim này trở lại Anh sau 155 năm. Sự hiện diện của kền kền Ai Cập hoang dã ở Anh là "cực kỳ hiếm". Trước đây, sử sách của quốc gia này chỉ 2 lần nhìn thấy chính thức loài “chim thần” này được ghi lại: Một là hạt Somerset vào năm 1825. Trường hợp còn lại ở hạt Essex vào năm 1868 sau khi một con kền kền Ai Cập bị một người nông dân bắn chết. Đây cũng là lần cuối người ta nhìn thấy kền kền Ai Cập ở Anh”. Quả thực, nhiều người đã đổ xô tới hòn đảo St Mary để có cơ hội chiêm ngưỡng sinh vật này trước khi nó rời đi.

Đang vào rừng ngắm cây, người đàn ông bất ngờ gặp “chim thần” 155 năm mới xuất hiện - Ảnh 2.

Kền kền Ai Cập đã không xuất hiện ở Anh trong 155 năm. (Ảnh: Pixabay)

Kền kền Ai Cập là loài chim thế nào mà sự xuất hiện của chúng lại thu hút sự quan tâm của mọi người như vậy?

Lai lịch thực sự của “chim thần”

Kền kền Ai Cập (danh pháp hai phần: Neophron percnopterus) hay còn gọi là Kền kền ăn xác thối là một loài kền kền nhỏ thuộc nhóm kền kền Cựu thế giới, được tìm thấy từ miền bắc châu Phi cho đến miền tây nam châu Á. Nó là thành viên duy nhất của chi Neophron trong họ Accipitridae. Chúng là loài chim di cư tùy theo điều kiện khí hậu. Nếu Kền kền Ai Cập có thể chịu đựng được khí hậu mùa Đông, thông thường thì chúng sẽ không di cư.

Đang vào rừng ngắm cây, người đàn ông bất ngờ gặp “chim thần” 155 năm mới xuất hiện - Ảnh 3.

Kền kền Ai Cập còn được gọi là “chim thần” hay "gà của Pharaoh" vì có mối liên hệ với Ai Cập cổ đại. (Ảnh: Pixabay)

Kền kền Ai Cập còn được gọi là “chim thần” hay "gà của Pharaoh" vì có mối liên hệ với Ai Cập cổ đại. Nó được xem  biểu tượng hoàng gia trong văn hóa Ai Cập cổ đại và được vua chúa bảo vệ. Kền kền Ai Cập cũng xuất hiện nhiều trong chữ tượng hình của Ai Cập và là một trong số ít loài chim săn mồi sử dụng công cụ khi đi săn của người cổ đại.

“Chim thần” kền kền Ai Cập là những kẻ lang thang xuất hiện chủ yếu ở vùng đồng bằng khô và đồi thấp. Nó thích đậu trên những cành cây to đã chết khô hoặc vách đá để quan sát. Chúng thường kiếm ăn một mình hoặc theo cặp nhưng khi phát hiện ra xác chết rất nhiều kền kền sẽ bay phía trên cao, khi kiếm ăn chúng ít khi tạo ra tiếng động nhưng khi đã phát hiện ra con mồi, chúng tạo ra các tiếng la hét khá ồn ào khi tiến lại gần các xác chết.

Đang vào rừng ngắm cây, người đàn ông bất ngờ gặp “chim thần” 155 năm mới xuất hiện - Ảnh 4.

“Chim thần” kền kền Ai Cập thích đậu trên những cành cây to đã chết khô hoặc vách đá để quan sát. (Ảnh: Pixabay)

Kền kền Ai Cập chủ yếu ăn thịt và xác thối vì vóc dáng nhỏ bé nên chúng phải chờ đợi ăn thừa của các loài thú săn mồi khác to lớn hơn (như loài kền kền Gyps và loài linh cẩu). Thỉnh thoảng kền kền Ai Cập cũng săn bắt những loài động vật nhỏ bé chậm chạp và các loài bò sát, đặc biệt là loài rùa. Loài chim này thường cắp con rùa lên cao rồi thả xuống nơi có nhiều đá để mai rùa vỡ ra từng mảnh. Cũng giống như quạ và một vài loài chim khác, "chim thần" kền kền Ai Cập là một trong các loài có thể sử dụng công cụ. Chúng thường đập vỡ trứng đà điểu bằng cách dùng mỏ cắp hòn đá nhỏ và đập vào trứng bằng một cú lúc lắc đầu và cổ thật mạnh.

Tuổi thọ trung bình của kền kền Ai Cập trong môi trường tự nhiên là khoảng 21 năm, còn trong điều kiện nuôi nhốt chúng có thể sống đến 37 năm. Mùa sinh sản thường bắt đầu vào mùa xuân, chúng là loài chim chung thuỷ một vợ một chồng. Tổ của kền kền Ai Cập chủ yếu nằm trên vách đá cheo leo hoặc các cành cây to, được lót bởi các cành cây và lông của động vật, chim mẹ đẻ mỗi lứa khoảng 2 quả trứng và được ấp bởi cả chim bố và mẹ trong khoảng 42 ngày. Chúng thường tái sử dụng các vị trí làm tổ cho nhiều năm liên tiếp.

Đang vào rừng ngắm cây, người đàn ông bất ngờ gặp “chim thần” 155 năm mới xuất hiện - Ảnh 5.

"Chim thần" kền kền Ai Cập là một trong các loài có thể sử dụng mỏ cắp hòn đá nhỏ và đập vỡ trứng. (Ảnh: Pixabay)

Giống như các loài chim săn mồi và ăn xác thối khác, “chim thần” kền kền Ai Cập bị đe dọa bởi sự săn bắt của con người, biến đối khí hậu và suy thoái môi trường sống. Chúng hiện chỉ còn phân bố rải rác từ bán đảo Iberia và Bắc Phi đến Ấn Độ. Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế đã xếp chúng vào nhóm động vật "nguy cấp" trong Sách Đỏ.

Kền kền Ai Câp có kích thước chiều dài cơ thể khoảng từ 47 – 65 cm, sải cánh dài gấp 2,7 lần chiều dài cơ thể, cân nặng trung bình khoảng từ 1,9 kg đến 2,4 kg. Bộ lông của chim trưởng thành có màu trắng, màu đen ở các sợi lông cánh. Đầu trọc có màu vàng, mỏ cong quập xuống sắc nhọn màu đen hoặc màu hồng. Đuôi ngắn, có hình dạng của viên kim cương và chân cũng có màu hồng.


Theo Nguyệt Phạm

Phụ nữ mới

Trở lên trên