Đánh bạc 73 tỷ USD trên thị trường phái sinh, trader khiến ngân hàng lỗ 7,2 tỷ USD
Jerome Kerviel, nhân viên mua bán chứng khoán phái sinh (trader) tại Societe Generale (SocGen) – một trong những ngân hàng lớn nhất châu Âu, đã thực hiện giao dịch tương lai bất hợp pháp với tổng trị giá lên đến 73 tỷ USD, khiến ngân hàng này thua lỗ 7,2 tỷ USD.
Phái sinh là công cụ đầu tư có giá trị phụ thuộc vào những tài sản cơ sở - như cổ phiếu, chỉ số chứng khoán, giá cả hàng hóa… Có rất nhiều loại công cụ phái sinh, như hợp đồng tương lai, quyền chọn, kỳ hạn và hoán đổi.
Nhiệm vụ của Kerviel là mua công cụ phái sinh ở nơi có giá thấp và bán lại ở nơi có giá cao hơn, và kiếm lời từ chênh lệch giá (arbitrage). Giao dịch arbitrage thường có khối lượng lớn và sử dụng các đòn bẩy, nhằm thu lợi nhuận lớn và ít rủi ro.
Tuy nhiên trên thực tế, Kerviel đã thao túng hệ thống giám sát rủi ro của SocGen và chỉ thực hiện một nửa giao dịch arbitrage. Anh ta mua vào, và đóng vị thế mua bằng các vị thế bán không hề tồn tại.
Việc mua vào và đánh cược rằng thị trường sẽ đi lên để thu lời được gọi là đầu cơ mạo hiểm. Những giao dịch này của Kerviel thu về 2 tỷ USD lợi nhuận năm 2007.
Lo lắng mất việc nếu bị phát hiện khoản lãi 2 tỷ USD từ giao dịch trái phép, Kervie cố thua lỗ bằng cách thực hiện mua một khối lượng khổng lồ các hợp đồng tương lai chỉ số chứng khoán, đánh cược thị trường sẽ đi lên trong khi chứng khoán thế giới đang lao dốc do khủng hoảng thế chấp dưới chuẩn tháng 1/2008. Chiến lược này rất hiệu quả, gây ra khoản lỗ lớn nhất trong lịch sử ngành ngân hàng.
Cụ thể, Kerviel mua 50 tỷ euro (73 tỷ USD) hợp đồng tương lai chỉ số chứng khoán châu Âu, bao gồm 30 tỷ euro chỉ số Eurostoxx pan, 18 tỷ euro chỉ số DAX và 2 tỷ euro chỉ số FTSE. Các hợp đồng này có sẽ đáo hạn trong vòng 1 – 3 tháng tiếp theo và có lãi nếu thị trường đi lên trong khoảng thời gian đó.
Thông thường, Kerviel phải đóng vị thế bằng cách bán hợp đồng tương lai chỉ số chứng khoán Mỹ chẳng hạn, để thu lời trong trường hợp thị trường đi xuống. Do chứng khoán châu Âu và Mỹ thường diễn biến cùng chiều, nếu vị thế mua bị lỗ do thị trường châu Âu giảm điểm, khoản lãi từ vị thế bán sẽ bù lỗ. Tuy nhiên, anh ta bỏ qua việc đóng vị thế bằng cách tạo ra các vị thế mua giả mạo.
Ngày 18/1/2008, quản lý bộ phận kiểm soát tuân thủ của SocGen đã phát hiện một giao dịch vượt quá ngưỡng rủi ro của ngân hàng. Sau khi kiểm tra lại, anh ta phát hiện ra giao dịch này chưa được đóng vị thế theo đúng nguyên tắc.
Tin tức về các khoản đầu cơ của Kerviel nhanh chóng bị rò rỉ, khiến cổ phiếu SocGen liên tục giảm điểm và anh ta bị sa thải. Đối mặt với khoản lỗ 1,4 tỷ USD, ban lãnh đạo ngân hàng có hai lựa chọn: đóng vị thế mua để tránh lỗ thêm, hoặc để vị thế mở và hy vọng thị trường sẽ đảo chiều tăng.
Từ 21/1 đến 23/1/2008, SocGen bán tháo các hợp đồng tương lai có tổng trị giá 73 tỷ USD để đóng vị thế. Việc bán một khối lượng lớn hợp đồng phái sinh trong một khoảng thời gian ngắn đẩy giá giảm sâu hơn, khiến ngân hàng càng thiệt hại nặng. SocGen lỗ 7,2 tỷ USD còn Kerviel trở thành trader lừa đảo gây thua lỗ lớn nhất trong lịch sử.
Có 4 nguyên nhân chính giúp Kerviel qua mặt bộ phận kiểm soát giao dịch và hệ thống máy tính giám sát, để giấu khoản lỗ khổng lồ.
Thứ nhất, Kerviel hiểu rõ cách vận hành của bộ phận hỗ trợ giao dịch và vận dụng kiến thức về hệ thống giám sát rủi ro ngân hàng để giấu các giao dịch bất hợp pháp.
Thứ hai là sự thiếu năng lực của ban quản lý ngân hàng. Họ không hề hay biết việc Kerviel phá vỡ hệ thống phát hiện gian lận trên máy tính của ngân hàng và tạo ra một mạng lưới các tài khoản giao dịch giả mạo, cũng như khoảng 1.000 giao dịch gian lận của anh ta.
Thứ ba, SocGen dung túng cho trader phá lệ, miễn thu được lợi nhuận. Cấp trên Kerviel của phớt lờ vị thế giao dịch ngày càng tăng của anh, và chỉ quan tâm đến số tiền lãi khổng lồ anh mang về cho ngân hàng.
Cuối cùng, cả Kerviel và cấp trên đều tự tin mù quáng vào tài năng đầu tư của anh. Điều này dẫn đến thảm họa và biến Jerome Kerviel từ thiên tài đầu tư thành kẻ lừa đảo.
Người đồng hành