Đánh giá lại tài sản, Lộc Trời (LTG) báo lãi kỷ lục 426 tỷ đồng trong quý 2
Lộc Trời có 326 tỷ đồng lợi nhuận từ liên doanh liên kết đến từ đánh giá lại tài sản của Lương thực Lộc Nhân.
CTCP Tập đoàn Lộc Trời (UPCoM: LTG) đã công bố BCTC quý 2/2023 và luỹ kế 6 tháng đầu năm 2023.
Theo đó, riêng quý 2 Lộc Trời ghi nhận doanh thu thuần 3.678 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán giảm nhẹ giúp lợi nhuận gộp tăng 42% lên hơn 526 tỷ đồng. Biên lãi gộp vì vậy được cải thiện từ 10% lên 14%.
Trong kỳ Lộc Trời còn thu về hơn 49 tỷ đồng doanh thu tài chính gấp 8,4 lần cùng kỳ, chủ yếu do lãi chênh lệch tỷ giá đối hoái.
Đáng chú ý nhất chính là gần 327 tỷ đồng lợi nhuận trong công ty liên kết - đây chính là khoản đánh giá lại tài sản của Lương thực Lộc Nhân.
Sau khi trừ các khoản chi phí, Lộc Trời lãi ròng gần 426 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 44 tỷ đồng. Đây cũng là quý có lợi nhuận cao nhất của Công ty từ khi niêm yết tới nay.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của LTG đạt hơn 6.130 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ. Mảng lương thực - lúa, gạo tiếp tục là "đầu tàu" mang về 4.220 tỷ đồng doanh thu (tăng 25%); thuốc bảo vệ thực vật (1.536 tỷ đồng); hạt giống (315 tỷ đồng); bao bì (62 tỷ đồng); xây dựng và khác (98 tỷ đồng).
Trước đó trong quý 1, LTG báo lỗ hơn 80 tỷ đồng, nhờ kết quả lãi lớn trong quý 2 đã giúp lãi ròng bán niên gấp 2,5 lần cùng kỳ, đạt trên 345 tỷ đồng.
Năm 2023, LTG lên kế hoạch lãi sau thuế đạt 400 tỷ đồng, giảm nhẹ 3% so với năm 2022. Sau 6 tháng, Công ty đã thực hiện được 86% kế hoạch lợi nhuận năm.
Từ đầu tháng 5 đến nay, giá cổ phiếu LTG trên đà tăng mạnh, từ mức 27.400 đồng/cp lên 39.400 đồng/cp (phiên chiều 31/07), tăng hơn 43% sau 2 tháng. Đây cũng là vùng giá cao nhất 13 tháng qua của cổ phiếu LTG.
Trong báo cáo cập nhật mới đây, Chứng khoán Tiên Phong (TPS) đánh giá ngành lương thực đang đối mặt với thách thức về nguồn cung do các yếu tố chính: Ấn Độ và Pakistan giảm sản lượng xuất khẩu do chính sách và thời tiết bất lợi, hiện lượng El-Nino xuất hiện vào tháng 6/2023 sẽ gây tác động lên sản lượng canh tác trên quy mô toàn cầu, Nga chấm dứt thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen,... TPS nhận định Việt Nam sẽ đón nhận những xu hướng tích cực từ chu kỳ thắt chặt nguồn cung lương thực.
Ngành gạo Việt Nam đang đứng trước nhiều thuận lợi như: nguồn cung lương thực thế giới đang thiếu hụt, diện tích trồng lúa gạo tại nhiều quốc gia bị thiệt hại và hạn hán do sự xuất hiện của El Nino đẩy giá gạo lên cao. Giá xuất khẩu gạo tiếp tục tăng trong nửa cuối năm 2023 được kỳ vọng là thông tin tích cực đối với các doanh nghiệp ngành gạo.
Nhịp sống thị trường