Đánh giá nhanh tác động của các biện pháp trừng phạt Nga của phương Tây đối với nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam
Ảnh minh họa
Theo TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, là nền kinh tế có độ mở lớn; Nga, Mỹ, EU… đều là những đối tác kinh tế quan trọng, lâu năm, Việt Nam có thể phải đối mặt với những tác động đáng kể.
- 09-03-2022Nga: Giao dịch với các quốc gia “không thân thiện” hiện cần được phê duyệt
- 09-03-2022Xung đột tại Ukraine: Mỹ “sốc” trước bước đi bất ngờ của Ba Lan
-
Ở kịch bản cơ sở, GDP Việt Nam năm nay sẽ tăng 5,5-6%. Ở kịch bản tích cực hơn, tăng trưởng cả năm có khả năng đạt 6-6,5%.
TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV vừa công bố báo cáo Đánh giá nhanh tác động của các biện pháp trừng phạt Nga của phương Tây đối với nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam. Chúng tôi xin đăng tải nguyên văn báo cáo để độc giả cùng theo dõi.
-----
Đặt vấn đề
Tiến trình phục hồi kinh tế thế giới vốn đã gập ghềnh do dịch bệnh Covid-19, nay càng trở nên khó khăn khi chiến sự Nga-Ukraina nổ ra và hàng loạt các biện pháp trừng phạt Nga của các nước phương Tây được áp dụng. Căng thẳng địa chính trị Nga, Ukraina và phương Tây có thể còn phức tạp, khó lường, các lệnh trừng phạt Nga (và các biện pháp trả đũa của Nga) ngày càng gia tăng không chỉ tác động trực tiếp và làm xấu đi tình hình kinh tế Nga và Ukraina, mà còn kéo theo hệ lụy toàn cầu và trung - dài hạn như giá năng lượng (xăng, dầu, khí đốt…), giá lương thực, thực phẩm tang mạnh; đứt gãy chuỗi sản xuất và cung ứng; xáo trộn hệ thống tài chính, thanh toán quốc tế; cùng nhiều vấn đề xã hội khác như tị nạn, bảo hộ công dân, thị trường lao động, sắc tộc…v.v. Báo cáo này không thể đánh giá hết được những khía cạnh đó, mà chỉ tập trung vào: (i) hệ thống hóa các biện pháp trừng phạt Nga của phương Tây; (ii) nhận diện khả năng đáp trả và ứng phó của Nga; (iii) đánh giá tác động đối với kinh tế toàn cầu và Việt Nam; và (iv) một số kiến nghị.
Các biện pháp trừng phạt Nga của phương Tây
Từ ngày 24/2/2022, khi tổng thống Nga V. Putin tuyên bố bắt đầu "hoạt động quân sự đặc biệt" ở miền đông Ukraina; căng thẳng giữa Nga, Ukraina và phương Tây liên tục leo thang. Các nước phương Tây đã công bố hàng loạt các biện pháp trừng phạt đối với Nga, nhằm vào 4 lĩnh vực chủ yếu: (i) tài chính - tiền tệ; (ii) năng lượng; (iii) vận tải; và (iv) một số lĩnh vực khác. Theo đó, các đối tượng bị áp dụng các biện pháp trừng phạt bao gồm: (i) các tổ chức Nga như ngân hàng, doanh nghiệp; (ii) các cá nhân, giới tinh hoa Nga (lãnh đạo Chính phủ, doanh nhân, chính trị gia…). Ngoài ra, một số nước đồng minh của Nga cũng bị áp lệnh trừng phạt. Có thể tóm tắt các biện pháp trừng phạt chính như sau:
Thứ nhất, đối với lĩnh vực Tài chính - tiền tệ, phương Tây áp dụng nhiều biện pháp trừng phạt Nga chưa từng có tiền lệ: (i) Cắt đứt quan hệ ngân hàng đại lý với các ngân hàng lớn của Nga; (ii) Phong tỏa tài sản của một số ngân hàng, doanh nghiệp, cá nhân Nga hoạt động ở Mỹ, Châu Âu và một số quốc gia khác (như Canada, Úc, Nhật…); (iii) Cấm các ngân hàng Nga này giao dịch với công dân, doanh nghiệp phương Tây, huy động vốn, tái cấp vốn từ phương Tây; (iv) Loại đa số các ngân hàng lớn của Nga khỏi hệ thống giao dịch tài chính toàn cầu (SWIFT); (v) Cắt đứt cầu thanh toán chứng khoán phục vụ các đối tác Nga và cấm công dân Nga mua cổ phiếu mệnh giá USD, EUR; (vi) Cấm các giao dịch tài chính với NHTW Nga, Quỹ tài chính Quốc gia và Bộ Tài chính Nga, và nhiều biện pháp khác.
Thứ hai, đối với lĩnh vực năng lượng, Đức quyết định dừng dự án Nord Stream 2 đưa khí đốt từ Nga đến châu Âu và một số doanh nghiệp lớn của các nước phương Tây đã tạm ngừng hoặc giảm nhập khẩu xăng dầu và khí đốt từ Nga (khiến khoảng 70% thương mại dầu thô của Nga bị đóng băng, tuy nhiên, theo Bloomberg một phần (khoảng 20%) số đó có thể được bù đắp bởi nhu cầu nhập khẩu từ Châu Á, nhất là từ Trung Quốc). Ngày 8/3, Mỹ quyết định cấm nhập khẩu xăng dầu và khí đốt từ Nga; Anh và EU cũng nêu các kế hoạch để giảm phụ thuộc vào năng lượng Nga ngay trong năm nay và thời gian tới.
Thứ ba, đối với lĩnh vực vận tải, (i) Mỹ và EU cấm xuất khẩu, bán, cung cấp hoặc chuyển giao tất cả máy bay, bộ phận và thiết bị máy bay cho Nga; cấm tất cả các dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng và tài chính liên quan; cấm việc cho thuê máy bay và các dịch vụ tương tự; (ii) Nhiều nước đã đóng cửa không phận đối với các máy bay của Nga, kể cả máy bay cá nhân của doanh nhân Nga; và (iii) Cấm đi lại đối với các thành viên của giới chính trị và tài chính Nga. Cùng với đó, vận tải đường biển (nhất là tuyến qua Biển Đen và biển Azov) và tuyến đường sắt Nga - Trung Quốc cũng phần nào bị ảnh hưởng.
Thứ tư, đối với các lĩnh vực khác, (i) đình chỉ du lịch miễn thị thực tới EU đối với giới ngoại giao Nga; (ii) Cấm kênh truyền hình nhà nước (Russia Today) và hãng thông tấn Sputnik của Nga phát sóng trong phạm vi khối EU; (iii) Nhóm hacker Anonymous đã tấn công nhiều website của Chính phủ Nga (website của Điện Kremlin, Duma quốc gia Nga, Bộ Quốc phòng…), một số kênh truyền hình Nga bị chiếm quyền điều khiển, tắt nguồn cung cấp khí gas của Tvingo Telecom…; (iv) Cấm giao dịch hàng hoá với quân đội Nga, (v) Dừng xuất nhập khẩu chất bán dẫn với Nga; (vi) Loại Nga ra khỏi một số hoạt động thể thao, văn hoá, giáo dục chính thức của các thổ chức quốc tế và khu vực, v.v.
Thứ năm, đối với các nước được coi là đồng minh của Nga, (i) Áp lệnh trừng phạt lên các sản phẩm nhập khẩu từ Belarus (gồm các loại nhiên liệu, thuốc lá, gỗ, xi măng, sắt, thép); (ii) Áp dụng các lệnh trừng phạt đối với 2 ngân hàng quốc doanh của Belarus là Belinvestbank và Bank Dabrabyt; (iii) Đình chỉ hoạt động tại Đại sứ quán ở Belarus,...v.v.
Trong số các biện pháp trừng phạt nêu trên, dù có nhiều và có thể còn nữa, nhưng TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV nhận định 5 biện pháp trừng phạt rất mạnh, tác động lớn đến kinh tế, tài chính Nga (và sau đó có hệ lụy sang các nước khác) gồm: (i) phong tỏa tài sản của một số ngân hàng, tổ chức và cá nhân Nga (giá trị đến nay khoảng 1.400 tỷ USD); (ii) tách một số ngân hàng Nga ra khỏi hệ thống SWIFT (như phân tích dưới đây); (iii) cấm các tổ chức thực hiện giao dịch tài chính liên quan đến Ngân hàng Trung ương Nga, Quỹ tài chính Quốc gia và Bộ Tài chính Nga; (iv) cấm không vận, hạn chế vận tải biển và đường sắt, làm gián đoạn chuỗi cung ứng; và (v) hạn chế nhập khẩu xăng dầu và khí đốt từ Nga cũng đang ngấm dần.
Khả năng đáp trả và giải pháp ứng phó của Nga
Để đối phó với các biện pháp trừng phạt của phương Tây, Nga cũng tuyên bố một số biện pháp đáp trả về kinh tế - tài chính, năng lượng và một số biện pháp khác, nhưng chủ yếu vẫn là "khả năng", trừ biện pháp không phận và cắt đường dẫn khí đốt sang Châu Âu.
- Đối với các biện pháp trừng phạt kinh tế - tài chính, Nga có khả năng phong tỏa tiền của người nước ngoài và các công ty nước ngoài tại Nga; có thể quốc hữu hóa tài sản của các công ty nước ngoài kinh doanh tại Nga,…v.v. Để đối phó với các lệnh trừng phạt của phương Tây (trong đó có biện pháp loại Nga khỏi SWIFT), Nga có thể sẽ đẩy mạnh mở rộng quan hệ kinh tế, thương mại với khu vực châu Á, Phi và Mỹ La Tinh; phối hợp với một số đối tác thương mại thanh toán bằng động nội tệ; đẩy mạnh sử dụng công cụ riêng trong thanh toán quốc tế là hệ thống chuyển tiền SPFS (hình thành từ năm 2018), kết nối với mạng liên ngân hàng của một số quốc gia (ví dụ, hệ thống CIPS của Trung Quốc).
- Đối với các biện pháp trừng phạt năng lượng: nhiều khả năng Nga sẽ chủ động giảm sản lượng dầu và có thể cắt đường ống dẫn dầu sang Châu Âu để đẩy giá dầu toàn cầu lên cao hơn nữa, vừa bảo vệ lợi ích cho Nga vừa đẩy các nước phương Tây (nhất là EU) đối mặt với khủng hoảng thiếu hụt năng lượng; hoặc Nga sẽ tìm thị trường xuất khẩu dầu và khí thay thế. Theo một số định chế tài chính, nếu giá dầu tăng lên 1 USD, thu từ xuất khẩu của Nga sẽ tăng thêm 1 tỷ USD, đóng góp thêm 65 tỷ USD cho ngân sách Nga năm 2022; qua đó, giúp Nga có thể đối mặt với các trừng phạt của phương Tây (với điều kiện giá dầu xuất khẩu từ Nga không bị chiết khấu mạnh vì rủi ro, nhưng điều này là khó tránh khỏi). Chiều hướng này có thể dẫn đến khủng hoảng năng lượng tạm thời và xu hướng đa dạng hóa nguồn cung, tìm kiếm sản phẩm thay thể của nhiều quốc gia, nhất là Châu Âu.
- Đối với các biện pháp trừng phạt về vận tải: từ ngày 28/2/2022, Nga ban bố lệnh hạn chế các chuyến bay của các hãng hàng không tới từ 36 quốc gia và vùng lãnh thổ (chủ yếu ở Châu Âu) và hiện vẫn duy trì lệnh cấm này.
- Một số giải pháp ứng phó ban đầu của Nga: từ ngày 28/2/2022, NHTW Nga đã tăng lãi suất cơ bản (từ 9,5% lên 20%) nhằm giảm đà mất giá của đồng Ruble (đến cuối ngày 07/3, đồng Ruble đã mất giá 63% so với đồng USD tính từ đầu năm 2022) và kiềm chế lạm phát (lạm phát trong tháng 2/2022 của Nga lên mức gần 10% so cùng kỳ năm 2021). Bên cạnh đó, NHTW và Bộ Tài chính Nga đã yêu cầu các công ty xuất khẩu của Nga phải bán ra thị trường 80% doanh thu bằng ngoại tệ, qua đó, giúp Nga bổ sung 44-48 tỷ USD trong vòng 1 tháng để ổn định đồng Ruble. Đồng thời, khả năng tìm thị trường XNK thay thế (như hướng đến Châu Á, Phi và Mỹ La Tinh), thúc đẩy thanh toán, sử dụng ngoại tệ khác (nhất là Nhân Dân tệ) và tiền kỹ thuật số nhiều hơn.
- Đối với các vấn đề khác: Nga từ chối tiến hành, dừng các kế hoạch bán thiết bị vệ tinh và hợp đồng phóng vệ tinh với các nước phương Tây; đấu tranh pháp lý và ngoại giao với phương Tây về các lệnh trừng phạt đối với lĩnh vực văn hóa, thể thao,…v.v.
TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV nhận định: những biện pháp đáp trả của Nga còn khá yếu ớt (do công cụ, nguồn lực có hạn). Biện pháp phong tỏa hay quốc hữu hóa tiền, tài sản của cá nhân và các công ty nước ngoài tại Nga cũng ít tác dụng do đa số những tổ chức, cá nhân này đã và đang chuyển tiền, thoái vốn ra khỏi Nga, chủ yếu chỉ còn tài sản cố định với giá trị không nhiều. Biện pháp cắt đường ống dẫn dầu, hạn chế xuất khẩu dầu và khí đốt sang Châu Âu là "con dao hai lưỡi" đối với Nga (gây khó khăn cho Châu Âu nhưng cũng gây tổn hại lớn về kinh tế cho Nga. Theo tính toán của TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV dựa vào số liệu từ IEA, năm 2021 Châu Âu nhập khẩu từ Nga dầu thô, sản phẩm dầu và khí tự nhiên với giá trị khoảng 150 tỷ USD).
Tác động đối với kinh tế thế giới
Căng thẳng Nga - Ukraina là rủi ro địa chính trị lớn nhất xảy ra ngay trong đầu năm 2022, có những tác động trực tiếp tới đời sống và hoạt động kinh tế của Nga. Tuy nhiên, những biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga và các biện pháp trừng phạt trả đũa của Nga tác động tiêu cực tới kinh tế toàn cầu; tới giá nhiên liệu, năng lượng, lương thực và theo đó là lạm phát; cũng như chuỗi cung ứng và thị trường tài chính toàn cầu.
Thứ nhất, tác động tới giá năng lượng, lạm phát và tăng trưởng kinh tế thế giới. Với vai trò quan trọng của Nga trong cung cấp xăng dầu và khí đốt cho thế giới (nhất là cho khu vực EU), các lệnh trừng phạt Nga đã khiến giá dầu và khí đốt tự nhiên tăng vọt. So với ngày 23/2, trước khi căng thẳng Nga-Ukraina xảy ra, giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giao tháng 4 đã có thời điểm (ngày 8/3/2022) giao dịch ở mức 126 USD/thùng; còn giá dầu thô Brent giao dịch ở mức 130 USD/thùng, tăng 55% so với đầu năm. Giá dầu dự báo sẽ tiếp tục tăng và duy trì ở mức cao trong năm 2022, ít nhất cho đến khi các bên liên quan tìm được giải pháp tháo gỡ tích cực cho xung đột Nga - Ukraina. Hầu hết các tổ chức quốc tế dự báo kịch bản giá dầu bình quân năm 2022 tăng khoảng 20-30 USD (tức là tăng khoảng 30-40%, từ mức bình quân 69 USD/thùng năm 2021 lên mức bình quân khoảng 90-100 USD/thùng năm 2022); khi đó, sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu khoảng 0,2-0,3 điểm % và lạm phát toàn cầu tăng thêm 0,4-0,5 điểm %.
Tuy nhiên, với bối cảnh khó lường liên quan đến cuộc xung đột Nga-Ukraina, nguồn cung khó tăng nhanh trong khi nhu cầu vẫn tăng, lượng dự trữ xăng dầu chiến lược không quá dồi dào, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá các biện pháp trừng phạt có tác động nghiêm trọng, còn JP Morgan Chase & Co. (Mỹ) dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2022 có thể giảm khoảng 1 điểm % (tức GDP toàn cầu dự báo chỉ tăng 3-3,5% từ mức 4-4,5% dự báo đầu năm) và lạm phát toàn cầu tăng thêm 1 điểm % (lên mức 4,3-4,7%). Ở kịch bản tiêu cực hơn, các định chế quốc tế nhận định, nếu cuộc xung đột kéo dài, giá dầu sẽ bị đẩy lên mức 150-185 USD/thùng, khi đó tác động còn nghiêm trọng hơn nhiều.
Trong đó, Nga và Ukraina là những nền kinh tế chịu tác động lớn nhất, tiếp đến là EU, Mỹ và các nước khác chịu tác động gián tiếp từ giá nhiên liệu tăng và tắc nghẽn chuỗi cung ứng. Một số định chế tài chính đã đánh giá tác động đến kinh tế Nga. Theo đó GDP của Nga năm 2022 dự báo sẽ sụt giảm mạnh, xuống mức -7% (theo JP Morgan) đến -9% (theo Bloomberg Economics). Mặc dù vậy, đây lại là cơ hội đối với một số nền kinh tế khác để trở thành thị trường tiêu thụ hoặc nhà cung cấp thay thế Nga và Ukraina; trong đó, các nước xuất khẩu dầu và khí đốt cũng được hưởng lợi từ việc giá dầu tăng. Song, điều này không dễ thực hiện trong thời gian ngắn và bối cảnh thế giới còn nhiều biến động, phức tạp.
Ngoài ra, những biện pháp trừng phạt của phương Tây cũng ảnh hưởng tiêu cực tới chính những doanh nghiệp, ngân hàng các nước đang hoạt động tại Nga, Ukraina và/hoặc có hợp tác kinh doanh với Nga, Ukraina. Thí dụ, các ngân hàng tại Mỹ, châu Âu và Nhật Bản có thể chịu thua lỗ lớn đối với các hoạt động tại Nga, gặp rất nhiều khó khăn thu hồi các khoản nợ tại Nga. Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) ước tính các khoản nợ khó thu hồi đối với các doanh nghiệp tại thị trường Nga khoảng 150 tỷ USD; trong đó có nhiều khoản vay trong "tình trạng vỡ nợ".
Thứ hai, tác động làm tăng chi phí vận tải, logistics, giá nguyên vật liệu, lương thực và thực phẩm (nhất là lúa mì và ngô), tác động tiêu cực đối với doanh nghiệp và người dân. Hoạt động vận tải qua Biển Đen, biển Azov bị ách tắc, làm tăng thời gian vận chuyển, chi phí logistics, lưu kho bãi. Đồng thời, cả Nga và Ukraina đều là những nước xuất khẩu nguyên liệu thô và lương thực, thực phẩm lớn tại châu Âu và trên thế giới. Do đó, xung đột xảy ra và các biện pháp trừng phạt được áp dụng sẽ cắt đứt nguồn cung quốc tế từ Nga và Ukraina và khiến mặt bằng giá của các mặt hàng này bị đẩy lên cao, đe dọa tới tính liên tục của hoạt động sản xuất và sức cầu tiêu dùng, gia tăng lạm phát thế giới như nêu trên.
Thứ ba, gây bất ổn trên thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế. Trước bối cảnh căng thẳng Nga - Ukraina và các biện pháp trừng phạt có thể kéo dài, niềm tin của nhà đầu tư và người dân suy giảm đáng kể. Thị trường chứng khoán tại hầu hết các nước giảm mạnh trong phiên ngày 24/2/2022 và vẫn giảm, dù có lúc phục hồi khi các nhà đầu tư trấn tĩnh trở lại.
Thị trường chứng khoán (TTCK) của Nga (MOEX) ngay khi mở cửa ngày 24/2 đã giảm 41,7%, xuống mức 1.690 điểm, mặc dù sau đó có sự hồi phục nhẹ. Tính đến phiên giao dịch gần nhất (hết ngày 28/02 khi TTCK Nga bắt đầu ngừng giao dịch từ đó đến nay), thị trường chứng khoán Nga có sự hồi phục và đóng cửa ở mức 2.470 (giảm 34,77% so với đầu năm). Trong khi đó, các TTCK quốc tế cũng sụt giảm đáng kể từ khi xung đột xảy ra. Tại Mỹ, chỉ số Dow Jones (DJI) ngày 24/2/2022 cũng giảm 900 điểm (0,6% so với ngày hôm trước) và tiếp tục xu hướng giảm (đến ngày 7/3/2022 giảm 9,7% so với đầu năm). Tại châu Âu, chỉ số Stoxx 600 giảm 3,28% trong ngày 24/2 và đến ngày 7/3/0022 giảm 14,6% so với đầu năm). Các TTCK châu Á (như Nikkei 225 của Nhật Bản, Shanghai Composite của Trung Quốc và Kospi - Hàn Quốc,…) cũng có những diễn biến tương tự châu Âu và Mỹ (Hình 1).
Trên thị trường ngoại hối, các đồng tiền mạnh hoặc có tính trú ẩn an toàn (như đồng Yên Nhật, Franc Thụy Sĩ, USD…) ngày 24/2 đều tăng 1-1,25% so với ngày hôm trước. Tuy nhiên, từ ngày 25/2 đến nay, giá trị nhiều đồng tiền đã giảm từ 1,2-1,5% so với đồng USD tại thời điểm đầu năm. Đặc biệt, đồng Ruble của Nga giảm rất mạnh, khoảng 7,05% mỗi ngày và đến hết ngày 7/3 đã mất giá 85,13% so với đồng USD (tính từ đầu năm 2022). Ngược lại, một số đồng tiền lại tăng hoặc chỉ giảm nhẹ do đây là được coi là những đồng tiền "trú ẩn" khi có rủi ro như USD, Yên Nhật, Franc Thụy Sỹ hay chịu tác động không lớn từ căng thẳng Nga - Ukraina như đồng CNY của Trung Quốc. Về triển vọng, thị trường ngoại hối dự báo vẫn có thể biến động với biên độ lớn trong thời gian tới nếu căng thẳng không dịu đi.
Như vậy, có thể khẳng định các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga và ngược lại đang gây tổn hại về kinh tế, không chỉ cho Nga mà còn cả Mỹ, phương Tây và nhiều nền kinh tế khác; và cần thời gian, số liệu để đánh giá chính xác, đầy đủ hơn.
Đánh giá tác động đối với kinh tế Việt Nam
Căng thẳng Nga, Ukraina và các biện pháp trừng phạt của phương Tây, các biện pháp đáp trả của Nga tác động sâu sắc đến kinh tế, tài chính thế giới như nêu trên. Là nền kinh tế có độ mở lớn; Nga, Mỹ, EU… đều là những đối tác kinh tế quan trọng, lâu năm, Việt Nam có thể phải đối mặt với những tác động đáng kể.
Thứ nhất, ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát tại Việt Nam. Căng thẳng Nga, Ukraina và phương Tây và các biện pháp trừng phạt được dự báo làm suy giảm tăng trưởng kinh tế và gia tăng lạm phát toàn cầu (như phân tích ở trên) sẽ tạo sức ép cho các việc điều chỉnh các biện pháp điều hành kinh tế của Việt Nam hiện nay (đặc biệt, cuộc xung đột này làm gia tăng sức ép lên giá xăng dầu khiến giá của mặt hàng quan trọng này năm 2022 có thể tăng bình quân 30-40% so với bình quân giá dầu năm 2021). Với kịch bản này, trên cơ sở tham khảo kết quả đánh giá tác động của giá xăng dầu tăng 10% đối với tăng trưởng, lạm phát của TCTK; kết quả tính toán sơ bộ của Nhóm tác giả cho thấy: (i) thâm hụt thương mại xăng dầu sẽ lên mức 9 tỷ USD (so với mức 6,3 tỷ USD năm 2021), (ii) CPI bình quân cả năm tăng thêm 0,8-1 điểm %, lên mức 3,8-4,2%; (iii) GDP năm 2022 sẽ giảm khoảng 1,1-1,3 điểm %; khi đó, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 5,7-5,9% (so với mức dự báo 6,5-7% hồi đầu năm hay cuối tháng 2) và có thể thấp hơn, ở mức 4,5-5% nếu kịch bản xấu hơn xảy ra. Điều này đặt ra thách thức lớn cho mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% và kiểm soát lạm phát khoảng 4% năm nay.
Thứ hai, ảnh hưởng tới thương mại, đầu tư và du lịch của Việt Nam. Đà phục hồi, tăng trưởng kinh tế toàn cầu bị giảm đi, khiến nhu cầu hàng hóa, dịch vụ, đầu tư giảm tương ứng, tác động tiêu cực đến xuất khẩu và thu hút đầu tư của Việt Nam. Tiếp đến, do quan hệ thương mại giữa Việt Nam với Nga và Ukraina còn khiêm tốn so với tổng kim ngạch thương mại quốc tế của Việt Nam (Nga chiếm khoảng 1% và Ukraina chiếm 0,1% tổng kim ngạch XNK của Việt Nam năm 2021), nên những tác động tới ngoại thương của Việt Nam là không lớn trong ngắn hạn. Những mặt hàng xuất khẩu chịu tác động hiện nay là điện thoại và linh kiện, điện tử và linh kiện, may mặc, nông – thủy sản. Về trung và dài hạn, các biện pháp trừng phạt Nga của phương Tây và bất ổn tại Nga lại làm ảnh hưởng tới những nỗ lực thúc đẩy quan hệ thương mại - đầu tư của Việt Nam với Nga và Liên minh Hải quan Nga-Belarus-Kazakhstan (VCUFTA). Các hoạt động xuất - nhập khẩu, đầu tư, tài chính, du lịch,…giữa Việt Nam với Nga và Ukraina sẽ bị ảnh hưởng đáng kể, đặc biệt khi phương Tây loại Nga ra khỏi SWIFT.
Đối với đầu tư, đến tháng 2/2022, tổng vốn FDI đăng ký của Nga tại Việt Nam đạt 950 triệu USD, với 151 dự án, xếp thứ 24 trong số các nước, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Ukraina có 26 dự án, tổng vốn đầu tư 30 triệu USD, xếp thứ 69. Tuy nhiên, các dự án của Nga tập trung chủ yếu vào lĩnh vực năng lượng - là lĩnh vực quan trọng, đóng góp nhiều vào ngân sách, lao động và đảm bảo an ninh năng lượng của Việt Nam (ví dụ, Vietsovpetro sản xuất 1/3 lượng dầu của Việt Nam, đạt doanh thu 1,7 tỷ USD và đóng góp hơn 920 triệu USD vào ngân sách của Việt Nam). Đây cũng là vấn đề cần đánh giá kỹ lưỡng hơn.
Về du lịch, trước đại dịch Covid-19, có khoảng 650 nghìn khách Nga đến Việt Nam mỗi năm. Với khủng hoảng này và dịch bệnh, lượng khách Nga đến Việt Nam tiếp tục ít đi. Chưa kể, các biện pháp cấm không phận, khiến đi lại khó khăn, thu nhập không tăng như kế hoạch, giá vé máy bay có thể tăng theo giá xăng dầu, khiến nhiều du khách quốc tế khác sẽ cân nhắc đi du lịch. Kế hoạch phục hồi du lịch sẽ bị ảnh hưởng khá nhiều.
Thứ ba, ảnh hưởng tới doanh nghiệp và người dân trong nước. Với doanh nghiệp, TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV nhận diện ít nhất có 5 tác động chính: (i) xuất khẩu hàng hóa sang Nga, Ukraina, Belarus khó khăn hơn nhiều do nhu cầu giảm, đồng Ruble mất giá nhiều trong khi đồng USD tăng giá đồng nghĩa với giá hàng xuất bằng USD trở nên đắt đỏ hơn, (ii) chi phí đầu vào (nguyên vật liệu, vận tải, lưu kho bãi…) tăng nhanh trong khi giá bán đầu ra chưa thể tăng tương ứng, (iii) rủi ro thanh toán (do các ngân hàng Nga bị tách khỏi hệ thống SWIFT), rủi ro tỷ giá khiến nhà nhập khẩu bên Nga yêu cầu chia sẻ, giảm giá, (iv) đứt gãy chuỗi cung ứng khiến thiếu đầu vào, khâu trung gian bị kéo dài, đầu ra chậm tiêu thụ, (v) rủi ro pháp lý khi hàng giao chậm tiến độ, chậm thanh toán, tranh chấp hay vi phạm hợp đồng có thể xảy ra…v.v.
Với người dân, do tâm lý e ngại rủi ro, giá cả và lạm phát gia tăng, người dân thay đổi hành vi tiêu dùng, tiết kiệm, đầu tư và hướng tới các kênh tài chính an toàn như gửi tiết kiệm, mua vàng, bất động sản, khiến dòng vốn cho sản xuất - kinh doanh ít dồi dào hơn.
Thứ tư, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống kiều bào, du học sinh tại Nga và Ukraina: theo thông tin từ Đại sứ quán, hiện nay có khoảng 80 nghìn người Việt đang sống, học tập và làm việc tại Nga; tại Ukraina là hơn 7 nghìn người. Tình hình tại Nga và Ukraina hiện nay tác động đến kinh doanh, việc làm, thu nhập, an ninh, tâm lý và kể cả dòng kiều hối từ cộng đồng người Việt này. Ngoài ra, nếu một phần lượng người này quay về nước, vấn đề an sinh, việc làm cũng cần quan tâm.
Thứ năm, mở ra một số cơ hội mới cho Việt Nam. Khi căng thẳng Nga, Ukraina và phương Tây nổ ra, thị trường tại các nước này tiềm ẩn rủi ro, nhiều nhà đầu tư sẽ đẩy nhanh hơn quá trình đa dạng hóa, chuyển dịch chuỗi cung ứng, dòng vốn đầu tư, tìm kiếm địa chỉ an toàn hơn. Đây lại là điểm mạnh của Việt Nam với tình hình chính trị ổn định, kinh tế tăng trưởng khá, môi trường đầu tư - kinh doanh ngày càng được cải thiện, quy mô thị trường gần 100 triệu dân…, hấp dẫn các nhà đầu tư). Ngoài ra, việc Nga có thể đẩy mạnh hợp tác với Châu Á, cũng là cơ hội thúc đẩy hợp tác đối với Việt Nam trong trung – dài hạn.
Một số kiến nghị
Để giảm thiểu những tác động tiêu cực và tận dụng được một số cơ hội như nêu trên, TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV có 5 kiến nghị như sau:
- Một là, các cơ quan chức năng cần theo dõi sát sao diễn biến căng thẳng Nga - Ukraina và và động thái, chính sách của phương Tây để có tổng hợp, phân tích, báo cáo và đề xuất giải pháp ứng phó kịp thời.
- Hai là, Chính phủ, bộ, ngành tiếp tục nỗ lực trong công tác điều hành kinh tế - xã hội theo hướng quyết liệt, kịp thời, hiệu quả, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% và kiểm soát lạm phát khoảng 4% trong năm 2022. Đồng thời, tích cực hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, thủ tục hành chính, phối hợp và phản ứng chính sách kịp thời để thực hiện tốt Chương trình phục hồi, phát triển KT-XH cũng như giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tận dụng được cơ hội, thu hút đầu tư, nhất là trong bối cảnh xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng, dòng vốn đầu tư tiếp tục diễn ra nhanh hơn. Phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa, tiền tệ và giá cả nhằm thực hiện tốt Chương trình phục hồi cũng như kiểm soát lạm phát.
- Ba là, về điều hành, kiểm soát giá xăng dầu: do giá xăng dầu chịu tác động mạnh từ căng thẳng Nga - Ukraina, cũng như có ảnh hưởng lớn đối với nền kinh tế Việt Nam, TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV kiến nghị: (i) Bộ Công thương phối hợp cùng các cơ quan liên quan có giải pháp tổng thể đảm bảo nguồn cung xăng dầu (gồm cả trong nước và nhập khẩu); điều tiết hệ thống phân phối, tránh đứt đoạn nguồn cung, ảnh hưởng tới đời sống người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; đề xuất tăng tần suất điều chỉnh giá xăng dầu (thay vì 10 ngày như hiện nay); (ii) Chính phủ chỉ đạo rà soát, đánh giá và đề xuất phương án phù hợp đối với việc điều hành Quỹ bình ổn giá xăng dầu (cân nhắc cả phương án có nên duy trì hay không, giải pháp thay thế…); (iii) Về lâu dài, có chiến lược tăng tính tự cường, nhất là phát triển năng lượng tái tạo, tăng năng lực dự trữ và năng lực phân tích, dự báo trên cơ sở thông tin, dữ liệu và khoa học hơn.
- Bốn là, về khắc phục khó khăn trong thanh toán quốc tế, chuyển tiền với Nga: NHNN phối hợp với cơ quan liên quan có đánh giá tác động của việc Nga bị tách khỏi hệ thống SWIFT, khả năng hệ thống thanh toán thay thế của Nga, để có chính sách, giải pháp hỗ trợ các định chế tài chính, doanh nghiệp XNK Việt Nam. Chính phủ chỉ đạo thúc đẩy phát triển kênh thanh toán song phương Việt – Nga (có thể qua Ngân hàng LD Việt - Nga - VRB) một cách an toàn, hiệu quả.
- Năm là, các hiệp hội ngành nghề, tổ chức tài chính Việt Nam tăng cường tư vấn doanh nghiệp, thiết kế dịch vụ phù hợp bối cảnh mới. Bản thân các doanh nghiệp cũng cần đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa ngoại tệ thanh toán và chủ động biện pháp kiểm soát rủi ro kịp thời, phù hợp.
TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV