Danh mục Tundra Vietnam Fund giảm sâu trong tháng 1 bởi ảnh hưởng Corona, quy mô chỉ còn dưới 40 triệu USD
Tại thời điểm cuối tháng 1, quy mô danh mục Tundra Vietnam Fund chỉ còn 38,5 triệu USD, giảm 83% so với giai đoạn VN-Index đạt đỉnh 1.200 điểm vào đầu năm 2018. Việc danh mục Tundra Vietnam Fund ngày càng thu hẹp do hiệu quả quỹ không tốt và dòng tiền rút mạnh khỏi quỹ.
Tundra Vietnam Fund vừa công bố báo cáo hoạt động tháng 1 với NAV/shares giảm 4,9% (tính theo USD) trong tháng 1, trong khi đó chỉ số benchmark FTSE Vietnam Index TR giảm 4,4% (USD) bởi ảnh hưởng của tin tức liên quan tới dịch virus Corona.
Theo Tundra, lý do khiến danh mục quỹ tiêu cực trong tháng 1 là do hiệu quả kém của cổ phiếu FPT có. Tuy nhiên, Tundra cho rằng điều này chỉ là tạm thời và ngay khi nỗi sợ hãi Corona giảm bớt, cổ phiếu sẽ mau chóng hồi phục trở lại. Ngoài ra, việc nắm giữ tỷ trọng thấp nhóm cổ phiếu BĐS cũng góp phần khiến danh mục quỹ trở nên kém hiệu quả.
Về mặt tích cực, việc nắm giữ tỷ trọng lớn nhóm cổ phiếu tài chính và tỷ trọng thấp của nhóm hàng tiêu dùng đã giúp tăng lợi nhuận cho quỹ. Trong tháng 1, Tundra Vietnam Fund không có thay đổi lớn trong cơ cấu danh mục.
Tại thời điểm cuối tháng 1, quy mô danh mục Tundra Vietnam Fund chỉ còn 38,5 triệu USD, giảm 83% so với giai đoạn VN-Index đạt đỉnh 1.200 điểm vào đầu năm 2018. Việc danh mục Tundra Vietnam Fund ngày càng thu hẹp do hiệu quả quỹ không tốt và dòng tiền rút mạnh khỏi quỹ.
FPT hiện là cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong danh mục Tundra Vietnam Fund với 8,6%. Trong khi đó, VCB là cổ phiếu có mức tăng trưởng tốt nhất danh mục quỹ trong tháng 1 với 15,7%.
Theo báo cáo, dịch virus corona bùng phát trong những ngày nghỉ lễ đã làm náo loạn thị trường toàn cầu. Việc Trung Quốc là một trong những đối tác thương mại lớn nhất (chiếm 17%) và chiếm 20% FDI năm 2019 đã gây ra lo ngại ảnh hưởng kinh tế Việt Nam. Vào cuối tháng 1 ghi nhận có 6 trường hợp dương tính Corona virus tại Việt Nam. Việt Nam hiện đã hạn chế đi lại và các hoạt động thương mại với Trung Quốc để hạn chế sự lây lan của virus, tuy nhiên điều này khiến các hoạt động kinh tế bị ảnh hưởng cho tới khi tất cả trở lại bình thường. Các nhóm ngành hàng không, du lịch, giải trí, bán lẻ, sản xuất sẽ chịu ảnh hưởng khi bị tác động trực tiếp.
Sự tham gia của các NĐT vào thị trường thường thấp trong tháng Tết. Thanh khoản bình quân thị trường giảm xuống còn 171 triệu USD trong tháng 1, giảm 16,5% so với cùng kỳ. Khối ngoại cũng giao dịch không thực sự sôi động khi mua ròng 82 triệu USD trong tháng, nhưng chủ yếu xuất phát từ giao dịch thỏa thuận PGD và MWG với tổng giá trị 66,5 triệu USD.
Lạm phát tháng 1 (CPI) tăng 6,4% so với cùng kỳ, gây nên áp lực lạm phát cao nhất kể từ tháng 8/2013. Áp lực lạm phát đến rõ nét từ nhóm thực phẩm do nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp Tết nguyên đán. Lạm phát dự kiến sẽ giảm trong những tháng tới khi giá thực phẩm bình thường trở lại, trong khi giá năng lượng thế giới đang giảm.
FDI cam kết trong tháng 1 tăng 2,8 lần lên 4,46 tỷ USD, trong khi giải ngân tăng khiêm tốn 3,2% so với cùng kỳ lên 1,6 tỷ USD. Cán cân thương mại ở mức 100 triệu USD, trong đó xuất khẩu giảm 14,3% so với cùng kỳ xuống 19 tỷ USD và nhập khẩu giảm 11,3% xuống còn 19,1 tỷ USD. Các ngày nghỉ lễ cùng việc Trung Quốc đóng cửa bởi ảnh hưởng của Corona virus là nguyên nhân chính khiến hoạt động thương mại chậm lại.