MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đánh thức tiềm năng ngành sản xuất phụ tùng ô tô và điện tử Việt Nam

20-03-2024 - 17:30 PM | Doanh nghiệp

Đánh thức tiềm năng ngành sản xuất phụ tùng ô tô và điện tử Việt Nam

Hội thảo Quốc tế ASEAN Gia công hiệu suất cao 2024, chủ đề Phụ tùng ô tô, điện tử và tự động hóa lắp ráp diễn ra tại Hà Nội trong 2 ngày 12-13/3/2024.

Sự kiện quy tụ hơn 150 đại biểu, bao gồm đại diện từ các tổ chức, hiệp hội Công nghiệp như VASI, VEIA, HAMI,...cùng những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực ô tô, phụ tùng, linh kiện và tự động hóa trong, ngoài nước như Vinfast, Weldcom, Coordy,...

Với 14 bài phát biểu, hội thảo đã tập trung vào chủ đề của năm nay, thảo luận về tình hình thực tế, dự đoán xu hướng tương lai và đề xuất các giải pháp nhằm tối ưu hóa quá trình sản xuất cũng như tăng tính cạnh tranh cho các doanh nghiệp trên thị trường trong và ngoài nước. Các nội dung được thảo luận một cách sâu sắc và mang tính chuyên môn cao, mang lại giá trị lâu dài cho cả cộng đồng doanh nghiệp.

Việt Nam là trung tâm sản xuất, thị trường tiềm năng nhất Đông Nam Á về sản xuất ô tô, phụ tùng và linh kiện với mức tăng trưởng 10% mỗi năm. Sự tăng trưởng mạnh mẽ sẽ tạo ra những cơ hội để Việt Nam bứt phá, tăng tốc, chuyển đổi thông qua đẩy mạnh phát triển công nghệ. Tuy nhiên, việc này cũng đặt ra những thách thức với doanh nghiệp khi đáp ứng những đơn hàng nhỏ, thay đổi linh hoạt, chất lượng đảm bảo trong thời gian ngắn hơn với mức giá cạnh tranh. Nhận định những cơ hội - thách thức này, ông Phạm Minh Thắng - Phó Chủ tịch Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc "Thực hiện đổi mới với tự động hóa và số hóa để đạt hiệu quả cao hơn trong lĩnh vực gia công chính là chìa khóa phát triển".

Đánh thức tiềm năng ngành sản xuất phụ tùng ô tô và điện tử Việt Nam- Ảnh 1.

Ông Phạm Minh Thắng - Phó Chủ tịch VASI với bài phát biểu

"Chuyển đổi ngành công nghiệp phụ tùng ô tô tại Việt Nam"

Đặt sự hài lòng của người dùng cuối làm mục tiêu, ông Prakash - Giám đốc Kiểm soát chất lượng nhà cung cấp & Linh kiện Vinfast đã đưa ra phương pháp để kiểm soát chất lượng hiệu quả. Đây cũng là tiêu chuẩn dành cho các doanh nghiệp khi trở thành nhà cung cấp của Vinfast: "Right Supplier - Right Cost - Right Quality - Right Quantity - Right Time" (Đúng nhà cung cấp - Đúng giá - Đúng chất lượng - Đúng số lượng - Đúng tiến độ). Trong "5 Right" đề cập trên, ông nhấn mạnh vào yếu tố "Đúng chất lượng" bởi "Bất kể sai sót nào về chất lượng, thiết kế, quy trình, cuối cùng cũng sẽ ảnh hưởng đến người dùng cuối".

Đánh thức tiềm năng ngành sản xuất phụ tùng ô tô và điện tử Việt Nam- Ảnh 2.

Ông Praveen Durairajan Prakash đại điện Vinfast trình bày tại hội thảo

Tại sự kiện, đại diện từ các doanh nghiệp hàng đầu trong nước và quốc tế đã giới thiệu những công nghệ gia công, trí tuệ nhân tạo (AI), robot, cobot và dây chuyền tự động hóa tiên tiến nhất, nhằm hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng sản phẩm đầu ra và năng suất sản xuất. Từ đó, thúc đẩy sức cạnh của doanh nghiệp tại Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu về linh kiện và phụ tùng cho ngành ô tô, điện tử nói chung và xe điện Vinfast nói riêng.

Bên cạnh ứng dụng công nghệ và tự động hóa sản xuất, đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường, việc kiểm định, đảm bảo chất lượng đầu ra cũng vô cùng quan trọng. Quy trình này đòi hỏi các doanh nghiệp phải áp dụng các giải pháp đo kiểm tiên tiến, chính xác trong quy trình gia công để giảm thiểu sản phẩm không đạt tiêu chuẩn. Một giải pháp đo kiểm các sản phẩm trong ngành công nghiệp phụ trợ lắp ráp như linh, phụ kiện, đặc biệt là phụ kiện, phụ tùng ô tô, ô tô điện - 3D LTS-CMM đã được PGS.TS Hoàng Vĩnh Sinh, đại diện HAMI & WELDCOM giới thiệu trong sự kiện.

Đánh thức tiềm năng ngành sản xuất phụ tùng ô tô và điện tử Việt Nam- Ảnh 3.

PGS.TS Hoàng Vĩnh Sinh - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghiệp Weldcom trình bày về giải pháp đo kiểm 3D LTS-CMM

Phần chia sẻ của PGS Hoàng Vĩnh Sinh đã thu hút sự chú ý của khách tham dự và đặt ra nhiều câu hỏi quan tâm tới phần mềm đo 3D LTS-CMM. Giải pháp này giúp doanh nghiệp gia công chính xác tiết kiệm thời gian, chi phí do không cần tháo phôi, đo trực tiếp nhanh chóng ngay trên máy CNC sau khi gia công, kể cả những phôi có kích thước lớn, do đó rất phù hợp khi đo kiểm các phụ tùng ô tô.

Sản lượng tiêu thụ ô tô tại Việt Nam tăng 17% mỗi năm (2015-2020). Tính theo tỷ lệ, cứ 1.000 người thì có 55 người sở hữu xe hơi (Nguồn OICA). Con số này đánh dấu tốc độ tăng trưởng sở hữu ô tô nhanh nhất thế giới do bộ phận tầng lớp trung lưu ngày càng mở rộng. Đặc biệt, Việt Nam có dân số trẻ, đối tượng quan tâm sâu sắc đến các công nghệ tiên tiến, tiết kiệm nhiên liệu và nhận thức về môi trường sống. Hội thảo Quốc tế ASEAN Gia công hiệu suất cao 2024 chính là cơ hội để các doanh nghiệp nắm bắt xu hướng thị trường, tiếp cận những công nghệ tiên tiến. Từ đó, thực hiện những bước tiến mạnh mẽ, chiếm ưu thế trong ngành sản xuất công nghiệp phụ trợ đầy hứa hẹn tại Việt Nam.

Ánh Dương

Tổ Quốc

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên