Đạo luật Dodd-Frank - 'Lá chắn khủng khoảng tài chính' thời hậu Lehman Brothers
Chính quyền tổng thống Obama năm 2010 thông qua Đạo luật Dodd-Frank nhằm tăng cường kiểm soát hệ thống ngân hàng, ngăn cuộc khủng hoảng năm 2008 tái diễn.
- 14-09-2018Chuyện gì xảy ra trong văn phòng Lehman Brothers ở Anh sát ngày phá sản?
- 13-09-2018[Infographic] Lehman Brothers và vụ sụp đổ chấn động thị trường thế giới năm 2008
- 13-09-2018Ký ức kinh hoàng của những nhân viên Lehman Brothers bỗng nhiên trắng tay vì khủng hoảng tài chính 10 năm về trước
Đạo luật Dodd-Frank, hay còn gọi là Đạo luật Cải cách Tài chính Phố Wall và Bảo vệ người tiêu dùng, là một phần quan trọng trong nỗ lực cải cách tài chính được chính quyền tổng thống Barack Obama thông qua ngày 21/7/2010. Đây là biện pháp ứng phó với hệ quả từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Đạo luật được đặt tên theo tên hai người soạn ra là Thượng nghị sĩ Christopher J. Dodd và Hạ nghị sĩ Barney Frank. Đạo luật dày gần 2.300 trang, quy định về nhiều hoạt động ngân hàng và đã được áp dụng trong nhiều năm để giảm thiểu nhiều rủi ro khác nhau trong hệ thống tài chính Mỹ.
Đạo luật còn giúp thiết lập các cơ quan mới trong chính phủ với nhiệm vụ giám sát nhiều khía cạnh trong hệ thống ngân hàng.
Tổng thống Barack Obama cùng Thượng nghị sĩ Chris Dodd (giữa) và Hạ nghị sĩ Barney Frank (phải) trong lễ ký thông qua Đạo luật Dodd-Frank tháng 7/2010. Ảnh: CNN.
Phe ủng hộ Dodd-Frank tin đạo luật sẽ ngăn kinh tế Mỹ tái rơi vào cuộc khủng hoảng như năm 2008 và bảo vệ người tiêu dùng khỏi những sự lạm dụng đã góp phần châm ngòi cho thảm họa năm đó. Tuy nhiên, hạn chế rủi ro đồng nghĩa với việc một công ty tài chính bị giảm lợi nhuận.
Những yêu cầu cao hơn về dự trữ theo đạo luật đồng nghĩa các ngân hàng phải tăng tỷ lệ tiền mặt của họ, giảm khả năng nắm giữ các chứng khoán có thể bán được, từ đó hạn chế vai trò thiết lập thị trường trái phiếu mà các ngân hàng thường đảm nhận.
Phe phản đối cho rằng đạo luật có thể ảnh hưởng sức cạnh tranh của các công ty Mỹ so với đối thủ nước ngoài. Cụ thể, việc tuân thủ quy định làm gia tăng gánh nặng cho nhóm ngân hàng cộng đồng và thể chế tài chính nhỏ dù trên thực tế, nhóm này không liên quan đến cuộc khủng hoảng năm 2008.
Trong số này có cựu bộ trưởng tài chính Larry Summers, CEO Blackstone Stephen Schwarzman, nhà hoạt động Carl Icahn và CEO JPMorgan Chase & Co Jamie Dimon. Họ không nghi ngờ gì về tính an toàn đã cao hơn nhờ Dodd-Frank nhưng những hạn chế từ đạo luật lại khiến thị trường chung mất tính thanh khoản.
Phe chỉ trích cho rằng đạo luật cuối cùng sẽ cản trở tăng trưởng kinh tế, thể hiện qua các yếu tố như thất nghiệp nhiều hơn, lương thấp đi, tài sản cùng tiêu chuẩn cuộc sống tăng chậm. Chưa kể, các cơ quan thành lập theo Dodd-Frank cũng cần tiền để hoạt động và chi phí này lại lấy từ tiền thuế.
Tổng thống Mỹ Donald Trump, người kế nhiệm Obama, cam kết thu hồi Dodd-Frank. Ngày 22/5, Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu thu hồi phần lớn quy định trong đạo luật này với tỷ lệ 258 phiếu thuận, 159 phiếu chống. Trước đó, Thượng viện đã thông qua hôm 14/3 với tỷ lệ 67 – 31.
Đạo luật mới được đưa ra là Đạo luật Tăng trưởng Kinh tế, Cứu trợ theo quy định và Bảo vệ Người tiêu dùng. Tổng thống Trump đã ký duyệt hôm 24/5.
Đạo luật mới giúp nới lỏng hạn chế Dodd-Frank với các ngân hàng nhỏ, ngân hàng giám sát quy mô lớn, lĩnh vực tín dụng thế chấp. các bên cho vay quy mô nhỏ và phòng tín dụng.
Theo Investopedia
Người đồng hành