Đập nát hoa để không bị ép giá: 'Vùi dập cái đẹp bằng sự tức giận'
Đập nát hoa để không bị ép giá: Một thương lái bày tỏ, dù rất xót nhưng vẫn phải đập bỏ hoa, vì còn làm ăn lâu dài.
Thương lái này cho rằng, nếu mình cho người ta lấy thì năm nay lấy được sang năm cũng lấy.
"Tôi cũng tiếc nhưng phải đập chậu, vứt bỏ hết hoa, không thì năm sau người ta cứ chờ lúc này rồi ép giá mình", anh Hiếu (tiểu thương công viên chợ Gia Định) nói trên Người đưa tin.
Anh cho hay, đến trưa 30 Tết, dù đã giảm từ 150 nghìn đồng/1 cặp hoa cúc xuống còn 60 nghìn, nhưng vẫn vắng người mua.
Việc tiểu thương đập nát hoa , cây cảnh chưng Tết được ghi nhận tại chợ hoa Công viên 23/9 (quận 1, TP.HCM), công viên Gia Định (quận Phú Nhuận, TP.HCM) và cả ở Hà Nội.
Theo báo Đất Việt, tình trạng tiểu thương đập nát hoa không chỉ xảy ra mới đây mà đã có từ nhiều năm trước.
Tiểu thương đập nát hoa. Ảnh: Tiền phong
Những chậu hoa mơn mởn khoe sắc bị đập nát ở TP.HCM. Ảnh: Quỳnh Trân
Nguồn trên dẫn lời GS.TS Hoàng Chương (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam) cho hay: "Trường hợp những nhà buôn không bán được hoa đem đi đốt, chặt phá, dập vùi cái đẹp bằng sự tức giận, theo tôi cũng là hành vi thiếu văn hóa, thể hiện sự ích kỷ.
Thường thì hoa các ngày giáp Tết là rất dễ bị ép giá rẻ, nên họ không muốn bán, nhưng cũng phải nhìn lại ban đầu cũng do họ thấy người dân mến mộ hoa nên nâng giá vượt lên tất cả sự thật, thực chất của hoa, nên không ai mua, dẫn đến hoa vẫn ế".
Theo TS Hoàng Chương, hoa là biểu trưng của cái đẹp và cảnh đi mua hoa cũng rất đẹp và truyền thống của người Việt là ứng xử nhẹ nhàng tình cảm, không có chuyện đập phá hoa.
Chuyên gia Đinh Thế Hiển chia sẻ trên Zing.vn, việc đập phá, vứt bỏ hoa là quyền của thương lái, tuy nhiên việc trách cứ khách mua ngày 30 mà không mua vào 26, 27 Tết là quá vô lý.
Theo ông Hiển, kinh tế thị trường là sự lựa chọn, khi người dân dư giả thì họ mua hoa chưng ngày Tết, còn nếu có những nhu cầu khác cần thiết hơn thì họ sẽ giảm mua hoa.
Ảnh: Quỳnh Trân
Trí Thức Trẻ