Đạt công suất 6.000 MW vào năm 2030, giá điện gió ngoài khơi thế nào?
Theo Quy hoạch điện VIII được Thủ tướng phê duyệt, công suất điện gió ngoài khơi phục vụ nhu cầu điện trong nước năm 2030 đạt 6.000 MW, điện năng sản xuất 21 tỷ kWh.
- 23-07-2024Loại cây quý mang về cho Việt Nam hơn 1 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm: Ấn Độ, Hàn Quốc liên tục lùng mua, 1/10 sản lượng của thế giới đang nằm ở nước ta
- 22-07-2024Trung Quốc và Lào đang mạnh tay thu mua một loại quả bán đầy chợ tại Việt Nam: Thu 18 triệu USD trong nửa đầu năm, đồng bằng sông Cửu Long là ‘thủ phủ’
- 21-07-2024Giá rẻ kỷ lục, mặt hàng Trung Quốc dẫn đầu thế giới đổ bộ Việt Nam liên tục tăng trong 2 năm qua - hàng Việt gặp sức ép cực lớn
Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương hiện vẫn chưa có giá bán điện cho dự án điện gió ngoài khơi và kiến nghị Chính phủ giao Bộ Xây dựng cũng các bộ, ngành liên quan rà soát để xây dựng, ban hành.
Giá khá cao, tương lai sẽ rẻ hơn
Dẫn báo cáo của Tập đoàn Điện lực (EVN), Bộ Công Thương cho biết, giá bán điện các nhà máy điện gió ngoài khơi khá cao (khoảng 11-13 Uscent/kWh, tương đương 22.000 - 27.000 đồng theo quy đổi) so với chi phí biên dài hạn của hệ thống.
Hiện chưa có nhà đầu tư (tư nhân, nhà đầu tư nước ngoài) đầu tư dự án điện gió ngoài khơi nên chưa rõ yêu cầu của nhà đầu tư liên quan đến cam kết sản lượng, hợp đồng mua bán điện, việc chuyển đổi ngoại tệ và các yêu cầu về tài chính liên quan đến điện gió ngoài khơi.
Ngoài ra, các vấn đề có thể xuất hiện theo yêu cầu của nhà tài trợ hoặc từ phía chủ đầu tư như: việc giá bán điện điều chỉnh theo tỷ giá USD/VNĐ; tỷ suất sinh lợi của dự án/vốn chủ sở hữu; việc tính toán lãi suất vay vốn của dự án điện gió ngoài khơi; vấn đề bồi thường khi có sự thay đổi bất lợi của quy định pháp luật; vấn đề bảo lãnh của Chính phủ đối với một số nội dung trong Hợp đồng mua bán điện.
Theo các nghiên cứu, giá trị LCOE được dự báo trong khoảng 11-15 Uscents/kWh vào năm 2030 và khoảng 8-13 Uscents/kWh vào năm 2050. Giá trị này theo đánh giá của các chuyên gia là phù hợp với Việt Nam và trong tương lai có thể rẻ hơn.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương nhấn mạnh, EVN là doanh nghiệp Nhà nước, "trực tiếp kinh doanh vì mục tiêu lợi nhuận theo quy định của pháp luật, bảo toàn và phát triển vốn của EVN”. Do đó, trường hợp giá mua điện của dự án điện gió ngoài khơi cao hơn giá bán điện của EVN hoặc làm cho EVN thua lỗ thì về nguyên tắc EVN có quyền từ chối mua điện để “bảo toàn và phát triển vốn của EVN”.
" Do chưa có dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam nên chưa đánh giá được đầy đủ hệ thống định mức, đơn giá xây dựng, khảo sát, thiết kế liên quan tới công trình này. Nội dung này Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ giao Bộ Xây dựng, các bộ, ngành liên quan rà soát để xây dựng, ban hành theo quy định ", Bộ Công Thương nêu tại báo cáo trình Chính phủ về đề án nghiên cứu thí điểm điện gió ngoài khơi.
Mục tiêu công suất 6.000 MW rất khó khả thi
Theo Quy hoạch điện VIII, công suất điện gió ngoài khơi phục vụ nhu cầu điện trong nước đến năm 2030 đạt 6.000 MW (chiếm tỷ lệ khoảng 4% công suất toàn quốc), định hướng đến năm 2050 đạt từ 70.000 MW đến 91.500 MW (chiếm tỷ lệ từ 14,3 - 16%). Điện năng sản xuất của nguồn điện gió ngoài khơi ước đạt 21 tỷ kWh vào năm 2030 (chiếm 4 % điện năng sản xuất toàn quốc) và khoảng 258 - 343 tỷ kWh vào năm 2050 (chiếm 21 - 25%).
Việc phát triển mạnh điện gió ngoài khơi kết hợp với các loại hình năng lượng tái tạo khác (điện mặt trời, điện gió trên bờ...) để sản xuất năng lượng mới (hydrogen xanh, amoniac xanh...) phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu trên cơ sở bảo đảm an ninh quốc phòng, an ninh năng lượng và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Tuy vậy, theo Bộ Công Thương, việc phát triển điện gió ngoài khơi đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc và thách thức. Các bên liên quan đều chưa có kinh nghiệm hoạt động, kinh nghiệm thực tiễn trong triển khai, thực hiện cả trong đầu tư xây dựng, quản lý vận hành.
Các vùng biển Việt Nam có thể xuất hiện hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như “lốc xoáy, sóng lớn, bão”, gây khó trong thi công dự án điện gió ngoài khơi và cho việc quản lý, vận hành các dự án.
Ngoài ra còn tồn tại vướng mắc trong thực hiện quy định của pháp luật đối với điện gió ngoài khơi, từ việc giao khu vực biển, nghiên cứu khảo sát tiềm năng, quy hoạch, lựa chọn nhà đầu tư và thực hiện đầu tư, xây dựng.
Bên cạnh đó, lĩnh vực điện gió ngoài khơi là mới tại Việt Nam, được phát triển sau khi Việt Nam đã hình thành phát triển các tuyến vận tải biển quốc tế, các luồng hàng hải. Do vậy, việc phát triển điện gió ngoài khơi có thể bị ảnh hưởng.
" Nhiều chuyên gia nhận định, suất đầu tư cho điện gió ngoài khơi là rất lớn, khoảng 2,5-3 tỷ USD/1.000 MW và thời gian thực hiện từ 6-8 năm kể từ lúc bắt đầu khảo sát. Như vậy, mục tiêu công suất điện gió ngoài khơi theo Quy hoạch điện VIII đạt 6.000 MW vào năm 2030 là rất khó khả thi trong bối cảnh hiện nay ", Bộ Công Thương nêu.
Tuy vậy, Bộ Công Thương cũng nhấn mạnh, nghiên cứu mới đây của Ngân hàng Thế giới cho thấy, năng lượng gió ở Việt Nam có tiềm năng lớn nhất trong bốn nước của khu vực, với hơn 39% tổng diện tích của Việt Nam được ước tính là có tốc độ gió trung bình hằng năm lớn hơn 6 m/s ở độ cao 65m, tương đương công suất 512 GW.
Hơn nữa, trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng là xu thế tất yếu không thể đảo ngược, Việt Nam đã cam kết với quốc tế giảm phát thải khí carbonic về không (Net-zero) vào năm 2050 và các nguồn thủy điện lớn trong nước đã cơ bản khai thác hết, cần thiết phải thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam, trong đó có điện gió ngoài khơi.
Điều này cũng phù hợp với xu hướng chung, đang gia tăng trên thế giới đang gia. Vì thế, việc phát triển điện gió ngoài khơi là tất yếu với Việt Nam.
VTC News