MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đạt doanh thu trung bình hơn 850 triệu/tháng sau 4 tháng sửa sai, Bách Hóa Xanh tự tin sẽ đạt điểm hòa vốn vào cuối năm 2018

16-08-2018 - 08:38 AM | Doanh nghiệp

Trong cơ cấu tổng doanh thu Bách Hóa Xanh, 35% đến từ các sản phẩm tươi sống, 50% đến từ thực phẩm khô và 15% đến từ hoá mỹ phẩm.

Ghi nhận tại buổi Họp mặt nhà đầu tư tháng 6/2018 của Thế giới Di động (MWG), kể từ sự thay đổi trong chiến lược lựa chọn vị trí mở cửa từ tháng 4/2018, doanh thu của các cửa hàng Bách Hoá Xanh đã tăng lên một cách tích cực, kết quả là khoảng cách giữa lợi nhuận và chi phí trực tiếp tại cửa hàng chưa bao gồm chi phí khấu hao đang dần thu hẹp.

Với 384 cửa hàng và doanh thu trên 350 tỷ đồng cuối tháng 6/2018, doanh số bình quân tính cho các cửa hàng hoạt động đủ 30 ngày (khai trương từ tháng 5 trở về trước) đã vượt qua mức 850 triệu đồng/tháng.

Trong cơ cấu tổng doanh thu Bách Hoá Xanh, 35% đến từ các sản phẩm tươi sống, 50% đến từ thực phẩm khô và 15% đến từ hoá mỹ phẩm.

Với kết quả doanh thu khả quan từ các mô hình mới triển khai gần đây như mô hình shop Bách Hoá Xanh lớn 300m2 hay các mô hình thí điểm ở tỉnh Long An, Bình Dương, Bách Hoá Xanh tự tin rằng đang đi đúng để hướng đến kỳ vọng hoà vốn EBITDA tại cửa hàng vào cuối năm nay và sẽ mở rộng phủ khắp Việt Nam trong một tương lai không xa.

Như vậy, sau kết quả tích cực của mảng bán lẻ điện thoại và điện máy, mảng bán lẻ thực phẩm và hàng tiêu dùng với chuỗi Bách Hoá Xanh vẫn đang trong quá trình hoàn thiện công thức chiến thắng nhưng hứa hẹn sẽ là nhân tố tăng trưởng chính của tập đoàn trong tương lai, giới phân tích cho biết.

Về MWG nói chung, theo phân tích dựa trên số liệu thống kê của GFK, trong 6 tháng đầu năm 2018, giá trị bán lẻ toàn thị trường mảng điện thoại và máy tính bảng tăng 4% so với cùng kỳ. Riêng doanh thu bán lẻ nhóm sản phẩm này của MWG tăng đến 20%, tương đương với 5 lần mức tăng chung của thị trường. Hiệu quả kinh doanh của mảng bán lẻ này được phản ánh ngay trong sự tăng trưởng thị phần với thị phần điện thoại, máy tính bảng 6 tháng đầu năm 2018 của MWG đạt 45%, tăng 5% so với 6 tháng đầu năm 2017. Đối với ngành hàng điện thoại và máy tính bảng, MWG hướng đến mục tiêu 50% thị phần từ 2020 trở đi.

Đáng chú ý, hầu hết số lượng cửa hàng Thế giới Di động (TGDĐ) giảm đi so với đầu năm đến từ việc chuyển đổi sang mô hình Điện Máy Xanh mini để khai thác tối đa tiềm năng doanh thu. Cụ thể, 1 cửa hàng ĐMX mini cần diện tích từ 350-500m2, nếu có cơ hội chuyển đổi từ 1 cửa hàng TGDĐ với 150m2 sẵn có, thì chỉ cần thuê thêm từ 200-350m2 và có thể ghi nhận doanh thu tăng gấp đôi ngay trong thời gian ngắn. Các cửa hàng này sẽ duy trì 2 bảng hiệu TGDĐ và ĐMX để người tiêu dùng nhận biết có thể đến mua sắm cả sản phẩm điện thoại và điện máy. Ngoài chi phí thuê mặt bằng, các chi phí khác sẽ tăng không đáng kể so với tốc độ tăng của doanh thu. Do đó, MWG sẽ tiếp tục ưu tiên việc chuyển đổi khi có cơ hội.

Mặt khác, cứ trong 100 sản phẩm bán ra trên toàn Việt Nam, có 84 sản phẩm bán ra tại cửa hàng và 16 sản phẩm bán thông qua các kênh online. Trong 84 sản phẩm bán ra tại cửa hàng, có 36 sản phẩm bán ra tại các cửa hàng của MWG, không chỉ bao gồm các cửa hàng của chuỗi TGDĐ, tương đương với 43% thị phần tại cửa hàng. Trong 16 sản phẩm bán online, có 9 sản phẩm bán ra tại các website của MWG, tương đương với 55% thị phần online.

Tính chung nửa đầu năm, MWG ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 44.5 ngàn tỷ đồng, tăng 13.3 ngàn tỷ đồng, tương đương với 43% so với cùng kỳ 2017; lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 1.5 ngàn tỷ đồng, tăng 500 tỷ đồng, tương đương với 44% so với cùng kỳ. Doanh thu online 5.5 ngàn tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ. Các chỉ tiêu doanh thu thuần, lợi nhuận sau thuế và doanh thu online đều đang đi đúng hướng trong việc hoàn thành kế hoạch cả năm 2018.

Trong cơ cấu tổng doanh thu, ngành hàng điện thoại, máy tính bảng, máy tính xách tay và phụ kiện đóng góp khoảng 55%, 40% doanh thu thuộc về ngành hàng điện tử, điện lạnh và gia dụng. 3% doanh thu đóng góp bởi ngành thực phẩm và hàng tiêu dùng. 2% còn lại đến từ các dịch vụ khác.

Về thị phần online/offline của mảng điện tử và điện lạnh, cứ 100 sản phẩm bán ra trên toàn thị trường Việt Nam, có tới 95 sản phẩm bán tại cửa hàng và chỉ có 5 sản phẩm bán thông qua kênh online. Thực tế này là do mặt hàng điện tử, điện lạnh là sản phẩm có giá trị cao nên người tiêu dùng vẫn thích ra cửa hàng để trải nghiệm, được tư vấn về sản phẩm và chọn mua hơn là chỉ đặt mua qua hình ảnh online. Ngoài ra, sản phẩm này còn đỏi hỏi dịch vụ vận chuyển và lắp đặt phức tạp hơn nhiều so với điện thoại hoặc các hàng tiêu dùng khác. Trong 95 sản phẩm bán tại cửa hàng, có 33 sản phẩm bán ra tại các cửa hàng của MWG, tương đương với 34% thị phần offline. Trong 5 sản phẩm bán qua kênh online, có hơn 2 sản phẩm bán ra từ các website của MWG, tương đương với 45% thị phần online.

Tri Túc

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên