MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đất Đông Anh "nổi sóng", chủ nhà tự tin rao bán gần 200 triệu/m2, khẳng định chắc nịch "giá như thế vẫn còn rẻ"

20-09-2024 - 08:44 AM | Bất động sản

Đất Đông Anh "nổi sóng", chủ nhà tự tin rao bán gần 200 triệu/m2, khẳng định chắc nịch "giá như thế vẫn còn rẻ"

Thị trường bất động sản Đông Anh đang trở nên sôi động trở lại sau thông tin Vingroup khởi công dự án Trung tâm hội chợ triển lãm quốc gia và dự án cầu Tứ Liên nối quận Tây Hồ với huyện Đông Anh có động thái mới khi TP.Hà Nội muốn khởi công trong năm nay.

Được biết, tại 2 phân khu liền kề có tên gọi Thịnh vượng và Tinh hoa nằm trong dự án Vinhomes Global Gate Đông Anh đang trở thành tâm điểm trên thị trường bất động sản phía Bắc khi có mức giá từ 300 triệu đồng/m2. Sức nóng của Vinhomes Global Gate cũng nhanh chóng lan sang các bất động sản lân cận.

Điển hình, bất động sản tại xã Xuân Canh ghi nhận mức giá tăng mạnh nhất. Khảo sát, giá đất mặt đường Xuân Canh hiện tại 120-140 triệu đồng/m2; đất trong ngõ 80-97 triệu đồng/m2 trong khi cách đây vài tháng giá chỉ 60-65 triệu đồng/m2.

Đáng chú ý, một lô góc diện tích gần 130 m2 mặt tiền 8m tại xã Xuân Canh đang được chủ nhà rao bán 197 triệu đồng/m2. Chủ nhà cho biết, lô đất này sát vách dự án, view nhìn ra cầu Tứ Liên trong tương lai và gần sông Hồng.

“So với giá dự án đang rao dự kiến 300 triệu đồng/m2 thì giá mảnh đất này chưa đến 200 triệu đồng/m2 là rẻ”, chủ này nói.

Thông tin từ một người dân cho biết thêm, giá đất Xuân Canh đã từng tăng mạnh nhất từ năm 2021 - 2022 vào thời điểm Hà Nội thông tin quy hoạch Đông Anh lên quận, quy hoạch sông Hồng, xây dựng cầu Tứ Liên. Thời điểm đó, rất nhiều người đã đổ về mua và kỳ vọng cầu hoàn thiện sẽ dễ dàng đi sang Hồ Tây. Tuy nhiên, sau đó lại trầm lắng, cho đến nửa đầu năm 2024, giới đầu tư mới có động thái quay trở lại tìm mua.

Tương tự, tại các xã Đông Hội, Mai Lâm sát dự án Vingroup vừa khởi công, giá nhà đất cũng tăng nhanh. Cụ thể, giá đất 2 mặt tiền đường Đông Hội (thôn Trung Thôn) sát vách dự án Vinhomes Cổ Loa hiện tại đã lên 230-240 triệu đồng/m2, trong khi cuối năm ngoái chỉ khoảng 130-150 triệu đồng/m2. Còn tại xã Mai Lâm, giá đất thôn Lê Xá - nơi có khu đất đấu giá, có mức giá cao nhất. Một số khu đất dịch vụ Lê Xá tăng cao lên 135-150 triệu đồng/m2.

Không chỉ đất xung quanh dự án Vinhomes Cổ Loa tăng giá, mà tại các xã sát dự án Thành phố thông minh của BRG cũng ghi nhận tăng cao. Như tại xã Vĩnh Ngọc, đầu năm 2024, giá đất trong ngõ sâu chỉ 60 triệu đồng/m2 thì nay lên 80 triệu đồng/m2. Đối với đất mặt tiền rộng ở Phương Trạch, mức giá hiện tại khoảng 190-210 triệu đồng/m2, đất mặt tiền 4m khoảng 140-160 triệu đồng/m2.

Hiện tượng hàng loạt môi giới và nhà đầu tư ồ ạt đổ về khảo sát và tìm hiểu khiến tâm lý nhiều người dân tại đây "giữ đất", không dám bán vì sợ bán hớ, môi giới cho biết.

Đất Đông Anh "nổi sóng", chủ nhà tự tin rao bán gần 200 triệu/m2, khẳng định chắc nịch "giá như thế vẫn còn rẻ"- Ảnh 1.

Nhà đất Đông Anh thiết lập giá mới.

Trước diễn biến tăng giá này, ông Nguyễn Thế Điệp, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cho rằng: "Nếu như Đông Anh xong cầu Tứ Liên kết nối sang Tây Hồ thì rõ ràng sẽ rất thuận lợi cho các khu vực xung quanh. Khi hạ tầng hoàn chỉnh, giá lên cao là hợp lý chứ không phải tự nhiên tăng".

Theo dữ liệu Batdongsan.com.vn, trong 6 tháng đầu năm 2024, giá bán đất nền tại Đông Anh ghi nhận tăng mạnh nhất với tỷ lệ 24%. Huyện Quốc Oai tăng 20%, huyện Hoài Đức tăng 19%, huyện Thạch Thất tăng 13%, huyện Gia Lâm tăng 4%. Mức độ quan tâm đất nền tại Đông Anh cũng ghi tăng mạnh nhất với 104%, huyện Quốc Oai 101%, huyện Gia Lâm 95%, huyện Hoài Đức 79%, huyện Thạch Thất 48%.

Có thể thấy, dù chưa lên quận nhưng thời gian gần đây, trước các thông tin quy hoạch, xuất hiện các đại dự án đã khiến giá đất nền một số vị trí tại huyện Đông Anh tiếp tục bị đẩy giá lên rất cao. Nhiều chuyên gia khuyến cáo, với mặt bằng giá ảo như hiện tại, người mua cần thận trọng tìm hiểu kỹ, tránh gặp phải rủi ro chôn vốn nhiều năm.

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, thị trường bất động sản Việt Nam đặc biệt nhạy cảm với thông tin quy hoạch do dữ liệu thông tin chưa được công khai, minh bạch. Hầu hết các thông tin quy hoạch quan trọng đều được “rỉ tai" theo hình thức "kín". Chính vì thể xảy ra không ít vụ người dân nháo nhào đổ xô đi "thu mua gom" bất động sản trước các thông tin quy hoạch.

"Ngay cả khi thông tin chưa xác thực tình trạng chung của thị trường bất động sản thời điểm"sốt" là có hiện tượng giao dịch mua bán, chuyển nhượng diễn ra sôi động khiến giá bán bất động sản không ngừng tăng. Nhà đầu tư rất dễ bị hiệu ứng dây chuyền, sẵn sàng "lao” vào thị trường một cách thiếu cân nhắc và tính toán. Khi giá đã vượt xa giá trị thực, rất dễ bị chôn vốn. Hệ lụy là, giá nhà, đất chưa đến tay người có nhu cầu thực đã bị "thổi" lên nhiều lần", ông Đính cảnh báo.

Ông Đính cũng khuyến cáo nhà đầu tư là mỗi đợt “sốt” qua đi, thị trường bất động sản tại khu vực đó sẽ cần nhiều thời gian để vượt qua giai đoạn đóng băng. Nếu nhà đầu tư sử dụng vốn vay sẽ rất áp lực, thậm chí có khả năng “mất trắng” khi là người đến muộn hoặc là sau cuối của “con sóng”.

Nhật Anh

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên