MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đất Đồng Nai đang sốt trở lại?

24-05-2019 - 09:02 AM | Bất động sản

Người mua đất thường ở ngoại tỉnh với mục đích đầu cơ nên chỉ lướt sóng nhanh, không quan tâm giá trị thực, thậm chí pháp lý của đất.

Từ cuối tháng 4, khi lãnh đạo tỉnh Đồng Nai và TP.HCM họp bàn về việc triển khai dự án cầu Cát Lái, khởi động sân bay Long Thành và xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu thì thị trường nhà, đất tỉnh này bắt đầu nóng trở lại. Bất động sản (BĐS) tại các huyện Nhơn Trạch, Long Thành, TP Biên Hòa một lần nữa được giới đầu tư rốt ráo săn lùng.

Nhiều khu vực ở xã Phú Hữu, Đại Phước, Phú Đông, Phú Hội (huyện Nhơn Trạch), xã Tam Phước, Phước Tân (TP Biên Hòa), Long An, Long Đức, Lộc An... giá đất tăng từng ngày.

Giá đất lại bị thổi lên đến 50%

Sau một thời gian im ắng, đất Nhơn Trạch, Long Thành, Biên Hòa lại bị giới cò mồi thổi lên 30%-50% giá so với trước đó. Đây là lần thứ ba đất ở các khu vực này sốt trở lại vì các thông tin phát triển hạ tầng tác động.

Đây vốn là những thông tin người dân quan tâm, mong đợi lâu nay. Chính vì vậy, để đón gió ăn theo dự án lớn, nhiều công ty BĐS đã vẽ ra hình ảnh hoàn mỹ về những khu trung tâm thương mại, khu dân cư cao cấp tại các khu vực. Nhiều nhà đầu tư ở TP.HCM, Bình Dương, kể cả tận Đà Nẵng, Hà Nội cũng đổ về tìm mua đất, đầu tư kiếm lời. Giá đất khu vực này đang được đẩy lên cao dần, đặc biệt là những khu đất gần phà Cát Lái và dự án sân bay Long Thành.

Dọc các con đường lớn xã Đại Phước, Phú Đông có hàng trăm “trung tâm” môi giới BĐS, tờ rơi dán kín cột đèn, gốc cây, tường rào với nội dung hấp dẫn như đất thổ cư 100 m2 giá chưa tới 700 triệu đồng, đường rộng 10 m, sang quận 2 chỉ năm phút… Đến khi chúng tôi liên lạc thì người đăng tin nói đó là giá gốc, giá bây giờ là khoảng 15 triệu đồng/m2 đất thổ cư, 8 triệu đồng/m2 đất nông nghiệp.

Tuy nhiên, người dân địa phương lại cho rằng giá có tăng nhưng không cao như cò đất nói. “Người hỏi mua đất đều ở nơi khác đến nên không biết giá thực. Ví dụ trên đường chính xã Đại Phước giá khoảng 20 triệu/m2 nhưng người môi giới đã chào đến 30 triệu/m2” - ông Tư, người dân xã Đại Phước, khẳng định.

Các nhà đầu tư ngoại tỉnh với tâm lý mua nhanh kẻo lỡ đôi khi quyết định vội vã và chấp nhận giá cao. “Đầu năm tôi bán năm sào đất giá 8 tỉ, bây giờ chủ đất mới chào giá tới 12 tỉ” - bà Lê Thị Thanh nói.

Tại huyện Long Thành, năm 2015 khi dự án sân bay chưa được duyệt, đất chỉ khoảng 300.000 đồng/m2. Ngay sau khi có thông tin quy hoạch, giá đã tăng 10 lần, lên 3 triệu đồng/m2. Bây giờ thì giới đầu cơ đã thổi lên mức 8-10 triệu đồng/m2. Trong khi đó, giá đất dự án khu dân cư ở xã Phước Tân, Tam Phước (TP Biên Hòa) năm 2017 khoảng 400-500 triệu đồng/nền thì bây giờ rao tới hơn 1 tỉ đồng/nền.

Đất Đồng Nai đang sốt trở lại? - Ảnh 1.

Giá đất nhiều khu vực tỉnh Đồng Nai đang sốt trở lại. Ảnh: VŨ HỘI

Ôm đất như “ôm bom”

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, thị trường BĐS luôn tuân theo chu kỳ tăng rồi giảm nhiệt. Năm 2019-2020 sẽ là giai đoạn đất đai giảm giá, trở về gần với giá trị thực. Bên cạnh đó, tỉnh Đồng Nai mới quyết định điều chỉnh giá nên giá đất tương đối ổn định.

Thực tế, người mua đất ở các dự án khu dân cư trong tỉnh phần lớn là đầu cơ, mua đi bán lại kiếm lời, ăn theo các dự án lớn nên cò đất càng mạnh tay đẩy giá. Chỉ một thời gian sau, nhận thấy các dự án chưa có chuyển biến thì nhà đầu tư sẽ bán tháo để thu hồi vốn. Có người lướt sóng thành công nhưng cũng không ít kẻ phải “ôm bom” vì ôm đất.

Tại huyện Nhơn Trạch, năm 2019 sẽ thực hiện 167 dự án, phải thu hồi gần 4.100 ha đất. Chủ tịch UBND xã Đại Phước, ông Trần Thanh Hoàng, cho hay: “Diện tích của xã gần 1.700 ha thì có gần 1.000 ha được quy hoạch làm các dự án. Nếu nhà đầu tư mua đất nông nghiệp với giá trên 1 tỉ đồng/sào, sau này dự án triển khai, đất bị thu hồi sẽ chỉ được bồi thường 100-200 triệu đồng/sào. Như vậy người đầu cơ sau sẽ lỗ nặng”.

Lãnh đạo xã Phú Đông Dương, huyện Nhơn Trạch thì khẳng định xã đã công khai quy hoạch đất đai trên địa bàn để mọi người dân được rõ. Trước khi mua đất nông nghiệp, nhà đầu tư nên đến trụ sở xã tìm hiểu rõ để tránh rủi ro.

Trên thực tế, các địa phương cũng rất ngại sốt đất vì khi thực hiện các dự án, công tác thu hồi đất sẽ rất khó khăn do giá bồi thường theo quy định thường thấp hơn nhiều so với giá thị trường.

Ông Trương Văn Phương, Trưởng phòng TN&MT huyện Long Thành, xác nhận giới đầu cơ đang thổi giá đất quá cao khiến nhiều người dân bị xoáy vào việc đầu tư, sang nhượng. Thực tế, số người thật sự có nhu cầu mua đất để ở không nhiều nên nguy cơ xảy ra bong bóng BĐS như các năm trước là có thật.

Một cán bộ Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai cho biết BĐS ở Đồng Nai sôi động nên nhiều nhà đầu tư đã đồng loạt triển khai các dự án rồi nhanh chóng bán ra khi chưa hoàn thiện hạ tầng. Người mua chủ yếu để đầu cơ nên cũng không quan tâm đến các tiện ích đi kèm. Nhiều khu dân cư đã thành hình nhưng hoang vắng không người ở, trở thành những khu đất bỏ hoang, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của địa phương.

Theo Vũ Hội

Pháp Luật TPHCM

Trở lên trên