Đất dự án để cỏ mọc 10 năm, dân không có đất sản xuất
Trong khi đất nông nghiệp thiếu, người dân phải giao đất cho dự án mà không có đất sản xuất. Thế mà dự án để cỏ mọc quá lâu...
- 17-02-2017TP. HCM: Điều chỉnh giá đất dự án mở rộng đường số 7, quận Bình Tân
- 16-02-2017Hà Nội: Thêm 61ha đất trồng lúa chuyển đổi thành đất dự án
- 15-02-2017Đà Nẵng cấm bán nhà, đất dự án chưa đủ pháp lý
Dự án Nhà máy xi măng nằm trên diện tích 21 ha đất nông nghiệp nhưng chỉ để chăn bò từ hơn chục năm nay, trong khi người nông dân thì “ngồi chờ” đất sản xuất là thực trạng có thật đang xảy ra ở tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Dự án Nhà máy xi măng bị chết yểu
Năm 2005, UBND tỉnh này ra quyết định thu hồi 21 ha đất sản xuất của hàng chục hộ dân tại phường Hương Vân, TX Hương Trà để phục vụ dự án Nhà máy Xi măng Long Thọ II, tổng mức đầu tư hơn 700 tỷ đồng, với công suất 1.200 tấn clinker/ngày, khi đó ai cũng nghĩ chỉ nay mai sẽ mọc lên một nhà máy hiện đại ở nơi đây.
Nhưng sau đó, các chủ đầu tư gồm Tổng Cty Xây dựng Bạch Đằng và Tổng Cty Sông Hồng (Bộ Xây dựng) do chậm tiến độ triển khai dự án nên bị chính quyền địa phương thu hồi giấy chứng nhận đầu tư sau hai lần cấp. Đến cuối năm 2013, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế ra quyết định chấm dứt hẳn hoạt động đầu tư dự án Nhà máy Xi măng Long Thọ II, chính thức dự án bị khai tử.
Từ đó cho đến nay, nơi này bỏ hoang. Trong khi người dân địa phương thì thiếu đất sản xuất. Ghi nhận tại khu vực dự án dang dở, nhiều công trình xây dựng kiên cố như khu nhà điều hành, nhà bảo vệ, hàng rào, hệ thống cấp thoát nước,…. do lâu ngày không được sử dụng nên đã xuống cấp trầm trọng. Cùng với đó, hàng chục héc ta đất cỏ mọc um tùm, từ lâu đã trở thành cánh đồng cỏ phục vụ việc chăn thả gia súc của người dân.
Hàng chục héc ta đất thành đồng cỏ chăn nuôi gia súc
Về vấn đề này, ông Châu Văn An, Chủ tịch UBND phường Hương Vân, TX Hương Trà cho biết: “Trong khi đất nông nghiệp thiếu, người dân phải giao đất cho dự án mà không có đất sản xuất. Thế mà dự án để cỏ mọc quá lâu, bà con đã nhiều lần gửi đơn lên UBND phường mong muốn được giao lại đất sản xuất. Phường cũng đã kiến nghị lên thị xã và tỉnh nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy được giao đất trở lại cho dân”.
Thiết nghĩ, tỉnh Thừa Thiên- Huế nên sớm có giải pháp cho vấn đề này.
Nông nghiệp Việt Nam