Đất hóa lỏng, cả một khu dân cư bị nuốt chửng sau thảm họa kép ở Indonesia
Hiện tượng đất hóa lỏng, nuốt chửng những ngôi nhà đang khiến cho tình hình động đất, sóng thần ở Indonesia trở nên tồi tệ hơn.
- 01-10-2018Thảm cảnh máy xúc đào mồ chôn tập thể cho các nạn nhân động đất, sóng thần Indonesia
- 01-10-2018Thảm họa kép ở Indonesia: Số nạn nhân thiệt mạng tăng vọt lên 1.200 người
- 30-09-2018Indonesia: Cứu hộ gặp khó sau động đất
- 29-09-2018Động đất, sóng thần ở Indonesia: Số người chết tăng vọt lên gần 400
- 29-09-2018Động đất, sóng thần ở Indonesia: Nhân viên không lưu hy sinh để máy bay cất cánh an toàn
Sau 3 ngày, lực lượng cứu hộ Indonesia mới tiếp cận được những khu vực bị cô lập, quy mô của thảm họa dần hiện rõ. Hy vọng tìm thấy người còn sống ngày càng mong manh theo thời gian trong khi số người chết không ngừng tăng lên.
Trong khi đó, mặt đất ở Palu đang phải chịu sự hóa lỏng, hậu quả đặc trưng của các trận động đất kèm theo sóng thần. Hiện tại, 1.700 ngôi nhà trong một khu phố ở Palu đã bị nuốt chửng, với hàng trăm người có thể đã bị vùi lấp. Hình ảnh vệ tinh trước và sau cho thấy một khu dân cư rộng lớn nằm ở phía nam sân bay Palu đã bị xóa sạch mọi dấu hiệu của sự sống.
Mức độ tàn phá của thảm họa kép động đất kèm theo sóng thần trên đảo Sulawesi của Indonesia đang dần hiện rõ khi lực lượng cứu hộ tiếp cận được những khu vực xa xôi hẻo lánh, vốn bị cô lập hoàn toàn trong suốt mấy ngày qua. Nhà chức trách lo ngại số người chết có thể tăng lên tới hàng nghìn.
Thảm cảnh buộc nhà chức trách Indonesia phải chấp thuận sự hỗ trợ của công đồng quốc tế, điều họ chưa cần tới trong thảm họa động dất ở đảo Lombok hồi đầu năm. Con số thương vong trong thảm họa kép vẫn chưa được xác nhận nhưng tính tới ngày 1/10, hơn 1.200 trường hợp được xác nhận đã chết, với khoảng 800 người thiệt mạng được ghi nhận ở Palu, thành phố chính của vùng thảm họa.
Lực lượng cứu hộ và người dân đang nỗ lực đào bới những đống đổ nát để tìm kiếm người sống sót hoặc thi thể những người thiệt mạng. "Chúng tôi nghi ngờ vẫn còn một số người mắc kẹt bên trong", Agus Haryono, đội trưởng đội cứu hộ, nói với Reuters khi nỗ lực đào bới đống đổ nát của khách sạn 7 tầng Roa Roa.
Đây là một khách sạn hạng sang trong thành phố Palu. Người ta tin rằng có 50 người mắc kẹt bên trong khi tòa nhà đổ xuống trong trận động đất mạnh 7,5 độ hôm 28/9. Trận động đất tạo ra những con sóng thần cao tới 6m, ập vào khu vực ven biển của thành phố. Khách sạn Roa Roa gánh chịu nhiều thiệt hại khi nằm cách bãi biển 2km. Hiện tại, người ta mới tìm thấy 12 người trong đống đổ nát của khách sạn và một thi thể trong ngày 2/10. Chỉ 3 trong số đó còn sống.
Hiện tại, lực lượng cứu hộ đang phải tìm sơ đồ thiết kế của công trình, từ đó tìm ra những nơi có thể tạo thành hốc khi tòa nhà sập xuống cùng hy vọng tìm thấy người sống sót. Việc đào mới cũng được tiến hành cần trọng nhằm bảo đảm mạng sống cho những người mắc kẹt phía dưới. Hoạt động cứu hộ diễn ra khẩn trương trong bầu không khí nồng nặc mùi tử khí.
Ở ngoại ô Palu, những chiếc xe tải đang chở thi thể các nạn nhân tới chôn cấp trong ngôi mộ tập thể được đào trên đất sỏi. Chiếc hố dài 50 m với độ sâu khoảng 1m sẽ trở thành nơi an táng của hàng nghìn thi thể. Từng phần của chiếc hố đang được lấp dần với những thi thể được tìm thấy.
Jan Gelfand, người đứng đầu văn phòng Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm quốc tế ở Jakarta, Indonesia, cho biết: "Khu vực này giống như một cơn ác mộng. Thành phố Palu bị tàn phá nặng nề trong khi báo cáo từ khu vực Donggala, vốn bị cô lập sau thảm họa, cũng cho thấy một cảnh tượng tương tự. Gần 60.000 người đã phải sơ tán và đang cầm sự hỗ trợ khẩn cấp.
Trước tình thế khó khăn, Bộ trưởng An ninh Wiranto cho biết Indonesia đang nỗ lực giải quyết những khó khăn trước mắt và sẵn sàng chấp nhận đề nghị hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế. Các đoàn viện trợ khẩn cấp nước ngoài sẽ được đưa tới Palu, cách thủ đô Jakarta 1.500 km, bằng đường hàng không. Các hãng hàng không thương mại cũng đang phải vật lộn để hoạt động trở lại sau khi sân bay Palu bị hư hại.
Tình trạng tệ hại sau thảm họa đã thổi bùng lên những vụ cướp bóc ở Palu. Điện và hệ thống thông tin liên lạc cũng chưa được phục hồi. Cảnh tượng ở những vùng thảm họa của Indonesia đang vô cùng tồi tệ và có thể sẽ tiếp tục trở nên tệ hại hơn trong vài ngày tới.