MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đặt máy bán áo tự động ở sân bay, Uniqlo định bán quần áo như bán 1 lon nước ngọt

03-08-2017 - 13:37 PM | Tài chính quốc tế

Trong sự thay đổi thói quen mua sắm của khách hàng, các hãng thời trang phải không ngừng cải tiến cách bán hàng của mình và Uniqlo không phải là ngoại lệ.

Giả sử bạn vừa đáp máy bay đến Mỹ đúng vào ngày thời tiết lạnh mà lại không kịp chuẩn bị áo khoác, vậy phải làm sao?

Hãng Uniqlo mới đây vừa đưa ra một chương trình bán áo từ máy bán tự động.

Fast Retailing - công ty sở hữu hãng thời trang Uniqlo dự kiến sẽ đặt 10 máy bán áo tự động trong tháng này và tháng sau tại các sân bay và trung tâm thương mại gần New York, Houston, Oakland, California và một số thành phố khác của Mỹ.

Những chiếc máy này là một phần trong kế hoạch mở rộng của công ty sau một nỗ lực tăng cường sự hiện diện của Uniqlo tại Mỹ không thành công như mong đợi.

"Các máy bán áo tự động có ưu điểm là chi phí vận hành thấp hơn cửa hàng truyền thống và là một cách tiện lợi để bán những đồ cơ bản, thích hợp cho việc đi lại và cho những khách hàng không thích bị quấy rầy", bà Marisol Tamaro - giám đốc marketing Uniqlo Mỹ cho biết.

"Ở sân bay, bạn không có nhiều thời gian để đứng xếp hàng hay thăm thú một cửa hàng truyền thống".

Máy bán hàng tự động khá phổ biến ở Mỹ. Best Buy đã mở ra 183 máy bán hàng tự động trên khắp nước Mỹ và hầu hết được được tại các sân bay. Báo cáo gửi cơ quan quản lý của phía này cho biết máy bán hàng giúp họ thu về hàng triệu USD doanh thu. Một vài hãng khác như Benefit Cosmetics cũng cố gắng đưa máy bán hàng của mình đến các sân bay để thu hút lượng khách hàng chờ đến giờ lên máy bay.

Ngoài Mỹ, Uniqlo cũng sử dụng máy bán hàng như một công cụ marketing ở một số quốc gia khác như Singapore.

Sau khi mở ra 45 cửa hiệu ở Mỹ, Uniqlo đang sử dụng máy bán hàng, cửa hàng tạm thời và một vài vị trí nóng để tăng cường lượt khách ghé thăm. Sắp tới, Uniqlo dự kiến mở thêm một cửa hàng ở Union Station và một cửa hàng nhỏ ở Washington.


Những chiếc áo bán ở máy tự động được đóng gói thành hộp hoặc can giấy như thế này. Nếu không ưng ý, khách hàng có thể trả lại ở cửa hàng.

Những chiếc áo bán ở máy tự động được đóng gói thành hộp hoặc can giấy như thế này. Nếu không ưng ý, khách hàng có thể trả lại ở cửa hàng.

Tuy nhiên máy bán hàng cũng có nhược điểm. Sam Cinquegrani - sáng lập viên ObjectWave - một công ty dịch vụ số hóa cho biết: "Mua hàng ở cửa hàng càng đem lại cảm xúc thì máy bán hàng ít làm được điều đó".

Fast Retailing có hơn 1.700 cửa hàng ở châu Á và từng dự kiến mở ra vài trăm cửa hàng ở Mỹ. Nhưng kế hoạch này đã bị ỉu đi vào năm 2015, sau khi doanh thu ở các cửa hàng đầu tiên được mở ra ở Mỹ không đạt dự kiến, đặc biệt ở vùng ngoại ô. Công ty đã xem xét mua lại J. Crew Group trong năm 2014 nhưng thương vụ cuối cùng bị đổ bể.

Không chỉ có Uniqlo, vài năm gần đây, nhiều chuỗi thời trang ở Mỹ đang phải vật lộn với sự thay đổi thói quen mua sắm của khách hàng.

Tập trung của Uniqlo cũng đang đánh vào thương mại điện tử và các cửa hàng ở thành phố lớn - nơi mà ban giám đốc tin rằng khách hàng quan tâm nhiều đến dòng thời trang chức năng của hãng.

Các máy bán quần áo tự động của Uniqlo cũng chỉ bán áo giữ nhiệt và áo khoác siêu nhẹ. Sự giới hạn chọn lựa cho phép Uniqlo cung cấp được nhiều size và màu sắc cho khách hàng.

Trong khi hoạt động mua sắm qua mạng đang ngày càng nhiều, những trải nghiệm mua sắm thỏa mái như Uniqlo dự kiến sẽ thu hút được nhiều khách hàng, Marshal Cohen - chuyên gia phân tích bán lẻ tại NPD Group nhận định.

Anh Sa

WSJ

Trở lên trên