MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đặt mục tiêu tham vọng năm 2024, Trung Quốc có thể "tái sử dụng" chiến thuật từng tạo đà cho tăng trưởng ngoạn mục của nền kinh tế tỷ dân

06-03-2024 - 14:26 PM | Tài chính quốc tế

Đặt mục tiêu tham vọng năm 2024, Trung Quốc có thể "tái sử dụng" chiến thuật từng tạo đà cho tăng trưởng ngoạn mục của nền kinh tế tỷ dân

Trung Quốc có thể sẽ áp dụng lại chiến thuật “đã thành công” của mình để tạo ra sức mạnh cho “bước tiến mới” trong tương lai.

Khi khai mạc kỳ họp thứ hai Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (tức Quốc hội Trung Quốc) khóa XIV, Trung Quốc đã đặt mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khoảng 5% cho năm 2024. Nền kinh tế thứ 2 thế giới cũng đặt mức thâm hụt ngân sách tài chính ở mức 3% GDP cho năm nay. Con số này thấp hơn mức thâm hụt điều chỉnh là 3,8% vào năm 2023, nhưng vẫn bằng mục tiêu 3% được công bố ban đầu hồi năm ngoái.

Dẫu vậy Chính phủ Trung Quốc cũng thừa nhận việc đạt được mục tiêu như vậy sẽ không dễ dàng. Đặc biệt khi quốc gia này đang đối mặt với nhiều vấn đề như tình trạng dư thừa công suất, giảm phát đến khủng hoảng nợ và tình hình bất động sản có nhiều biến động.

Mục tiêu GDP 5% là thách thức lớn, ngay cả năm ngoái, Trung Quốc đạt mức tăng trưởng 5,2% chủ yếu là nhờ tiêu dùng phục hồi, theo lời Wang Dan - nhà kinh tế trưởng tại Hang Seng Bank.

Vị chuyên gia này cho hay: “Năm nay, chúng tôi sẽ không mở cửa trở lại và điều đó có nghĩa trừ khi có một số dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn, Trung Quốc sẽ rất khó đạt được mục tiêu 5%”.

Mặc dù không có nhiều thông tin cụ thể nhưng báo cáo dường như cho thấy Trung Quốc đang kiềm chế các biện pháp kích thích mạnh mẽ giống như “bazooka” mà một số nhà quan sát thị trường đang mong đợi. (Chính sách bazooka là chính phủ sẽ cung cấp một số tiền khổng lồ vào thời điểm khủng hoảng).

Wang nói thêm: “Tôi nghĩ phải có một loại dự án nào đó có quy mô và chất lượng tương tự như đập Tam Hiệp để thực sự thúc đẩy nhu cầu trong nước”. Đập Tam Hiệp là dự án thủy điện bắc qua sông Dương Tử, được phê duyệt lần đầu vào những năm 1990 và đi vào hoạt động đầy đủ hồi năm 2015.

Trung Quốc từ lâu đã áp dụng việc xây dựng cơ sở hạ tầng như một giải pháp ngắn hạn để thúc đẩy tăng trưởng, đặc biệt là sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009. Cơ sở hạ tầng của đất nước tỷ dân luôn được đánh giá là có trình độ tiên tiến hàng đầu thế giới.

Trái phiếu chính phủ đặc biệt kỳ hạn siêu dài

CNBC đưa tin, bắt đầu từ năm nay và trong vài năm tới, Trung Quốc có kế hoạch phát hành 1.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương khoảng 138,9 tỷ USD) trái phiếu chính phủ đặc biệt kỳ hạn siêu dài trong năm 2024 nhằm tài trợ cho các dự án lớn phù hợp với chiến lược quốc gia. Trong 26 năm qua, nước này mới chỉ ba lần phát hành loại trái phiếu đặc biệt như vậy.

Ngoài ra 3.900 tỷ nhân dân tệ trái phiếu có mục đích đặc biệt cho chính quyền địa phương sẽ được phát hành trong năm nay - nhiều hơn 100 tỷ nhân dân tệ so với năm ngoái.

Những rắc rối về bất động sản của Trung Quốc có mối liên hệ chặt chẽ với nguồn tài chính của chính quyền địa phương, vì trước đây họ dựa vào việc bán đất cho các nhà phát triển để có được một phần doanh thu đáng kể.

Thị trường bất động sản sụt giảm, một số công ty bất động sản lớn hàng đầu phá sản đã đè nặng lên niềm tin của người tiêu dùng cũng như tăng trưởng kinh tế nói chung.

Chuyên gia kinh tế Wang của Hang Seng Bank cho biết thị trường nhà đất vẫn đang suy thoái và kỳ vọng về sự phục hồi rất mong manh, do đó “chúng tôi chỉ còn lại hoạt động sản xuất và cơ sở hạ tầng”.

Phát triển cơ sở hạ tầng là trọng tâm của một trong 10 nhiệm vụ công tác trọng điểm của Chính phủ trong báo cáo năm nay, cam kết thúc đẩy phát triển gắn kết giữa nông thôn và thành thị.

“Bước nhảy vọt mới”

Mục tiêu hàng đầu của Trung Quốc là cam kết “hiện đại hóa hệ thống công nghiệp và phát triển lực lượng sản xuất mới có chất lượng với tốc độ nhanh hơn” - nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường sức mạnh công nghiệp như một động lực tăng trưởng dài hạn.

Thủ tướng Lý Cường cũng cho rằng Trung Quốc nên thúc đẩy đổi mới công nghiệp bằng cách tạo ra những cải tiến trong khoa học-công nghệ và phát triển công nghiệp hóa mới. Điều này phù hợp với nỗ lực thúc đẩy “lực lượng sản xuất mới”. "Lực lượng sản xuất mới" là khái niệm được Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra lần đầu tiên vào tháng 9/2023, mô tả các biện pháp thúc đẩy các ngành công nghiệp chiến lược.

Một số ngành cụ thể được đề cập bao gồm trí tuệ nhân tạo, phương tiện sử dụng năng lượng mới, năng lượng hydro, sản xuất sinh học, vũ trụ thương mại, vật liệu mới và dược phẩm cải tiến.

Mặc dù các chiến lược được thúc đẩy với mong muốn phát triển nền kinh tế nhưng động thái này cũng sẽ được các quốc gia theo dõi sát sao vì lo ngại sức cạnh tranh xuất khẩu mạnh mẽ từ các sản phẩm giá rẻ hơn từ Trung Quốc.

Tham khảo CNBC, Reuters

Bạch Linh

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên