MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đất nền lặng sóng ở các địa phương, dòng tiền nhà đầu tư đang đổ vào đâu?

18-07-2021 - 10:25 AM | Bất động sản

Đất nền lặng sóng ở các địa phương, dòng tiền nhà đầu tư đang đổ vào đâu?

Bị tác động bởi Covid-19, thị trường đất nền ở các địa phương đã giảm tốc về sức cầu, nhất là những nơi từng có sốt đất đầu năm. Hiện tại, dòng tiền của nhà đầu tư đang đổ vào đâu trước tình hình dịch Covid còn diễn biến khá phức tạp?

Báo cáo quý 2/2021 của Batdongsan.com.vn chỉ ra, sau khi đạt đỉnh trong tháng 3/2021, kể từ nửa cuối tháng 4, mức độ quan tâm đến thị trường BĐS đã có dấu hiệu sụt giảm cùng với sự hạ nhiệt của cơn sốt đất nền. Thống kê cho thấy, nhu cầu tìm kiếm của toàn thị trường BĐS tháng 4/2021 giảm gần 18% so với tháng 3/2021. Đất nền là phân khúc có lượt quan tâm giảm mạnh nhất, gần 21%.

Trong đó, các tỉnh/thành có mức giảm mạnh nhất là Hải Phòng (34%), Bắc Ninh (29%), Đà Nẵng (21%). Đây đều là những khu vực xảy ra sốt đất với lượt quan tâm đạt đỉnh trong quý 1/2021. Những điểm nóng BĐS ở khu vực phía Nam trong 3 tháng đầu năm như Bình Dương, Đồng Nai, Lâm Đồng, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đều suy giảm mức độ quan tâm vào tháng 4/2021. 

Bước sang tháng 5, dịch bệnh như một cú bồi khiến thị trường BĐS thêm trầm lắng. Dù đã trải qua nhiều đợt dịch trước đó và có kinh nghiệm thích nghi, thị trường BĐS vẫn không tránh khỏi ảnh hưởng tiêu cực của làn sóng Covid-19 lần thứ 4.

Dữ liệu của đơn vị này trong tháng 5/2021 cho thấy, mức độ quan tâm đến BĐS, đặc biệt là phân khúc đất nền tiếp tục sụt giảm mạnh. Các tỉnh,thành có mức độ quan tâm giảm sâu nhất là Bắc Giang (giảm 49%), Bắc Ninh và Hà Nam (giảm 46%), Vĩnh Phúc (giảm 38%), Đà Nẵng (giảm 36%), Quảng Nam (35%)…

Đất nền lặng sóng ở các địa phương, dòng tiền nhà đầu tư đang đổ vào đâu? - Ảnh 1.

Cũng theo Hội môi giới BĐS Việt Nam, do tác động của dịch Covid-19, giao dịch bất động sản quý 2/2021 giảm mạnh ở 3 tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc. Đây là những địa phương từng có sốt đất hồi đầu năm. Một số tỉnh còn lại, giao dịch phần lớn đạt được nhờ các dự án đấu giá đất.

Như tại Quảng Ninh, ngoài một tập đoàn lớn cung cấp sản phẩm mới, lượng hàng tồn của các dự án khác không còn nhiều, cùng với việc không có sản phẩm mới chào bán nên giao dịch chậm. Thị trường nhìn chung ổn định, không có biến động như quý 1.

Tại Nghệ An, trong 6 tháng đầu năm có 9 dự án đủ điều kiện bán hàng ra thị trường với 780 sản phẩm nhưng tỉ lệ hấp thụ không cao vì Covid-19. Giá bán không có biến động.

Ở Thanh Hóa, Hiệp hội cho biết số lượng giao dịch đến nay không nhiều dù từ đầu quý ghi nhận con số hàng trăm. Hoạt động đấu giá đất tại địa phương này bị chững lại do dịch bệnh.

Tại Đà Nẵng, không có dự án mới nào được chào bán, giao dịch chủ yếu ở thị trường thứ cấp. Đối với sản phẩm đất nền, giá đất hiện đã ổn định lại, giá bán tại các dự án bất động sản dao động từ 12 - 15 triệu đồng một m2.

Trong khi đó, tình trạng mua bán, giao dịch diễn ra chậm tại Quảng Nam, Quảng Ngãi. Tại Hội An, nhiều dự án mới chào hàng tạo nguồn cung mới hàng ngàn sản phẩm, nhưng tiêu thụ thấp.

Với khu vực Tây Nguyên, Hiệp hội cho biết, hồi tháng 4, thị trường rất sôi động ở cả các dự án phát triển nhà ở, đô thị, du lịch lẫn các hoạt động tự phát, gom đất ở với phân lô bán nền. Giao dịch trong tháng 4 đạt khoảng gần 1.000 giao dịch nhưng sau đó bị chững lại vì Covid-19 bùng phát, các nhà đầu tư từ vùng khác không đến được.

Theo Batdongsan.com.vn, dịch khiến phân khúc đất nền giảm sút giao dịch nhưng ở diễn biến khác, phân khúc đất nhà vườn, trang trại, nghỉ dưỡng ven đô, xuất phát từ làn sóng "bỏ phố về quê" khi dịch bệnh xuất hiện có xu hướng nóng trở lại. Các khu đất có lợi thế về cảnh quan, thiên nhiên khu vực đô vẫn được nhiều người quan tâm tìm mua, giao dịch đều, giá tiếp tục tăng nhẹ 2-7%.

Ngoài ra, trong khi hầu hết các loại hình BĐS khác đều có xu hướng suy giảm lượt quan tâm do ảnh hưởng của dịch bệnh, căn hộ chung cư là loại hình ghi nhận nhu cầu tìm mua gia tăng ở cả thị trường Hà Nội và Tp.HCM, với mức tăng lần lượt là 12% và 8% trong tháng 5/2021. Nhu cầu được chia đều cho các dòng sản phẩm ở cả 3 phân khúc cao cấp, trung cấp và bình dân. Lý do là bởi chung cư trước nay vốn vẫn luôn là loại hình nhận được nhiều sự quan tâm vì phục vụ phần lớn là nhu cầu thực. Giá chung cư có mức tăng ổn định, ở ngưỡng hợp lý, không bị "sốt" hay thổi giá theo hạ tầng như đất nền.

Theo các chuyên gia, BĐS vẫn là nơi trú ẩn tài sản vừa đảm bảo tính an toàn vừa sinh lời trong các thời kỳ khủng hoảng kinh tế. Điều này đã được minh chứng qua nhiều giai đoạn của thị trường trước đó.

Dự báo về thị trường các tháng cuối năm 2021, Hội môi giới BĐS Việt Nam cho rằng, thị trường tiếp xúc khó khăn vì Covid -19. Nửa cuối quý 3/2021, khả năng Việt Nam ngăn chặn thành công đợt dịch thứ 4. Theo đó, sau dịch Covid, lực cầu thị trường trở lại ở mức thấp trong quý 3 và tăng mạnh trở lại ở quý 4/2021.Tổng giao dịch có thể đạt tương đương 70 – 80% so với năm 2020.

Đồng thời, phân khúc căn hộ trung cấp tại Hà Nội và Tp.HCM nếu có hàng ra thị trường sẽ hấp thụ mạnh, đạt tỷ lệ trên 75%; Phân khúc cao cấp sẽ vẫn hấp thụ ở mức thấp; Phân khúc đất nền sẽ vẫn là sản phẩm được săn tìm của các nhà đầu tư; Những dự án có pháp lý tốt, chất lượng tốt, giá phù hợp sẽ được hấp thụ tốt…

Bảo Anh

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên