MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đất nền quay cuồng trong cơn sốt, vì sao?

16-03-2022 - 15:59 PM | Bất động sản

Đất nền quay cuồng trong cơn sốt, vì sao?

Theo chuyên gia, trong giai đoạn hiện nay sốt giá bất động sản là do hoàn cảnh thị trường tạo nên, đặc biệt là việc thiếu cung do hệ thống pháp luật không hợp lý.

Thời gian qua, dịch Covid – 19 xảy ra và kéo dài đã tác động không nhỏ đến mọi mặt đời sống, kinh tế- xã hội; trong đó có lĩnh vực bất động sản. Mặc dù vậy, từ đầu năm 2021 đến nay, liên tiếp các đợt sốt giá bất động sản, đặc biệt là đất nền xảy ra đã đẩy giá đất tại nhiều tỉnh, thành phố tăng cao.

Theo báo cáo thị trường của Batdongsan.com.vn, trong tháng 2/2022, nhu cầu tìm kiếm bất động sản tăng ở hầu hết các loại hình so với tháng 1/2021; trong đó, loại hình đất, đất nền chứng kiến cả mức độ quan tâm và lượng tin đăng bán tăng ở nhiều địa phương.

Cụ thể, mức độ quan tâm đến bất động sản bán tăng trung bình 23% so với tháng 1/2022; trong đó, tại Hà Nội và TP.HCM tăng lần lượt 22% và 29%. Đáng chú ý, trong khi lượng tin đăng bán nhà riêng giảm 6%, bán biệt thự, liền kề giảm 9% thì ở chiều ngược lại, lượng tin đăng bán đất tăng 8%, bán đất nền tăng 6%.

Theo báo cáo, không chỉ tại Hà Nội và TP.HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Lâm Đồng và Đồng Nai cũng là những thị trường có tăng trưởng nhu cầu tìm mua đất nền cao trong tháng 2.

Cụ thể, Lâm Đồng có lượt tìm kiếm đất nền tăng 41%, tiếp theo sau là Khánh Hòa và Đà Nẵng, lần lượt ghi nhận nhu cầu giao dịch đất nền tăng 32-34%, Đồng Nai cũng có số lượng tìm kiếm đất nền tăng 25% so với tháng trước.

Ngoài ra, các tỉnh thành liền kề TP.HCM như Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu và Long An cũng tiếp tục có nhu cầu giao dịch đất nền tăng 12-17% so với tháng trước.

Còn nhớ, cách đây đúng 1 năm, sau Tết Nguyên đán, giá đất tại nhiều địa phương tăng phi mã cho đến tận cuối tháng 4. “Phát súng” đầu tiên báo hiệu giá đất vào nhịp tăng nóng mới xảy ra hồi đầu tháng 2/2021, sau khi lãnh đạo Bình Phước đến huyện Hớn Quản để khảo sát vị trí lập dự án xây dựng sân bay lưỡng dụng với quy mô 500 ha.

Thông tin này ngay lập tức được các nhóm môi giới từ nhiều tỉnh thành nắm bắt và tập trung về hai xã An Khương, xã Tân Lợi để "thổi giá" những mảnh đất vốn đang được phủ kín bằng cây cao su, khiến giá đất tại đây tăng dựng đứng.

Cơn sốt đất sau đó nhanh chóng lan ra Hà Nội và các tỉnh thành phố khác. Đặc biệt, tại Hà Nội, sau thông tin thành phố chuẩn bị phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng vào tháng 6/2021, đất nền vùng ven sông đoạn chảy qua Hà Nội cũng tăng dựng đứng.

Sau đó, vào cuối năm 2021 lại xảy ra một đợt sốt đất khác tại các thị trường vệ tinh giáp ranh Hà Nội như Hà Nam, Bắc Giang và Hưng Yên và một số khu vực Tây Nam Bộ.

Theo số liệu thống kê, trong tháng 12/2021, lượt tìm kiếm đất nền và đất nền dự án tại các địa phương này đều tăng hơn 2 con số. Cụ thể, nhu cầu tìm mua đất nền ở Hà Nội tăng 19% so với cùng kỳ 2020 trong khi Hà Nam tăng đến hơn 36% so với tháng 11 trước đó. Tương tự, tại Hòa Bình, Hưng Yên và Bắc Giang cũng ghi nhận lượt quan tâm tìm mua đất nền tăng 18-22%.

Thị trường đất nền sẽ tiếp tục tăng nhiệt?

Liên quan đến việc giá đất liên tục sốt nóng trong thời gian vừa qua, chia sẻ với BizLIVE, GS.Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, nhìn vào thị trường năm 2020 có thể thấy, có 4 lý do gây ra sốt đất đang hiện hữu.

Thứ nhất, đây là năm đầu kỳ quy hoạch, rất nhiều ý tưởng đề xuất về các yếu tố mới trong kỳ quy hoạch tiếp theo. Mới là ý tưởng đề xuất nhưng một đồn mười, đất đai ở nơi quy hoạch mới cứ thế mà tăng.

Thứ hai, trong thời kỳ Covid, thu nhập không còn như trước, làm cho nhiều người phải tìm nơi đầu tư khác để kiếm lợi nhuận. Đầu tư vào thị trường bất động sản vẫn được coi là nơi quen nhất.

Thứ ba, khá nhiều dự án bất động sản đang chờ phê duyệt nhưng không thể vì không trái luật này thì trái luật khác. Quốc hội và Chính phủ đã rất tích cực sửa đổi Luật Đầu tư, Luật Xây dựng... nhưng hai luật cơ bản là Luật Đất đai và Luật Quy hoạch đô thị lại vẫn nằm yên. Ách tắc pháp luật coi như vẫn còn nguyên đó. Cầu thì cao mà cung thiếu nên giá tăng là tất yếu. Ngoài ra, còn phải kể đến vai trò "kích giá" của giới "cò đất" nhằm kiếm lợi.

“Như vậy, trong giai đoạn hiện nay sốt giá bất động sản là do hoàn cảnh thị trường tạo nên, đặc biệt là việc thiếu cung do hệ thống pháp luật không hợp lý”, Gs.Đặng Hùng Võ nhấn mạnh.

Trong khi đó, nhìn nhận về xu hướng gia tăng nhu cầu mua với loại hình đất nền, chuyên gia của Batdongsan.com.vn cho biết, do lo ngại về trượt giá khi tiền được bơm ra thị trường qua các gói kích thích kinh tế và giải ngân đầu tư công, nhu cầu tích lũy tài sản gắn liền với đất làm kênh trú ẩn an toàn sẽ tăng lên trong năm nay. Đối với nhóm bất động sản liền thổ, đất nền có giá vừa túi tiền hơn so với nhà phố, biệt thự hay shophouse nên sẽ hút các dòng vốn quy mô trung bình khá trở lên. Tuy vậy, theo các chuyên gia, hiện tượng nóng sốt trên diện rộng trên thị trường khó diễn ra, mà chỉ diễn ra cục bộ ở một số địa phương hưởng lợi từ quy hoạch, hạ tầng.

Các chuyên gia của Batdongsan.com.vn cũng dự báo, thị trường đất nền sẽ tiếp tục tăng nhiệt trong thời gian tới mà tâm điểm đất nền phía Nam sẽ là khu Đông, Nam TP.HCM và các đô thị vệ tinh tiếp giáp Sài Gòn.

Điểm nhấn mới của phân khúc này là các hạng mục hạ tầng giao thông sân bay Long Thành, cao tốc Dầu Giây - Liên Khương. Ở phía Nam TP.HCM, Long An tiếp tục là thủ phủ đất nền khá lớn trong năm 2022.

Theo Minh Quân

BizLive

Trở lên trên