Đất nền tỉnh lân cận Sài Gòn sẽ tăng giá mạnh vào năm 2022?
Năm 2021, thị trường đất nền Tp.HCM tiếp tục thiếu vắng nguồn cung mới. Các tỉnh giáp ranh tiếp tục là thị trường chủ đạo.
Báo cáo thị trường đất nền năm 2021, DKRA Vietnam chỉ ra, ở phân khúc đất nền trong năm 2021 tại thị trường Tp.HCM và các tỉnh giáp ranh ghi nhận 46 dự án mở bán với nguồn cung khoảng 6,220 sản phẩm. Lượng tiêu thụ đạt khoảng 4,697 nền, tương đương 76% nguồn cung mới. Thị trường đất nền vùng phụ cận tiếp tục chiếm giữ vị thế chủ lực trong tổng nguồn cung mới do quỹ đất tại Tp.HCM ngày càng khan hiếm. Đơn cử, Long An và Đồng Nai là 2 tỉnh dẫn đầu nguồn cung toàn thị trường với khoảng 68% tổng nguồn cung mới.
Theo đơn vị này, nguồn cung mới và sức cầu của phân khúc đất nền trong năm 2022 có thể phục hồi và tăng so với năm 2021, tập trung chủ yếu ở các tỉnh giáp ranh như Long An, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu trong khi Tp.HCM tiếp tục duy trì sự khan hiếm. Đất nền tiếp tục được lựa chọn là kênh đầu tư hàng đầu của nhà đầu tư.
Tổng kết năm 2021, ghi nhận toàn thị trường có khoảng 46 dự án đất nền mở bán (24 dự án mở bán mới và 22 dự án thuộc giai đoạn mở bán tiếp theo). Nguồn cung ra thị trường đạt khoảng 6,220 sản phẩm, chỉ bằng 47% so với năm 2020 (khoảng 13,179 sản phẩm). Tỷ lệ tiêu thụ chung của toàn thị trường đạt khoảng 76% tương đương 4,697 sản phẩm, bằng 55% so với lượng tiêu thụ của năm 2020 (khoảng 8,519 sản phẩm).
Theo DKRA, nguồn cung mới trong năm 2021 sụt giảm mạnh khi chỉ đạt 47% so với năm 2020. Với việc thực hiện giãn cách xã hội do dịch bệnh đã ảnh hưởng đến kế hoạch giới thiệu sản phẩm và hoạt động bán hàng của các dự án.
Cũng theo đơn vị này, các dự án quy mô lớn, quy hoạch tiện ích nội khu đa dạng, vị trí thuận lợi trong việc kết nối với các khu vực xung quanh và pháp lý rõ ràng có tỷ lệ giao dịch thành công cao.
Riêng đối với đất nền khu vực Tp.HCM, đất nền tiếp tục khan hiếm nguồn cung mới.Tổng kết năm toàn thị trường có 2 dự án mở bán mới, cung cấp ra thị trường khoảng 98 sản phẩm, bằng 17% so với năm 2020.Tỷ lệ tiêu thụ khoảng 52% (tương đương 51 sản phẩm), bằng 15% so với năm trước.
Như vậy, thị trường đất nền Tp.HCM dự báo tiếp tục thiếu vắng nguồn cung mới. Các tỉnh giáp ranh tiếp tục là thị trường chủ đạo. Các dự án tại TP. HCM chủ yếu có quy mô nhỏ lẻ, tập trung chủ yếu ở các quận/huyện vùng ven như: Bình Chánh, Củ Chi,... Phân khúc đất nền tại Tp.HCM chiếm chủ đạo ở thị trường thứ cấp với các dự án đã có từ những năm trước.
Ghi nhận cho thấy, thời điểm cận Tết, đất nền có dấu hiệu rục rịch cả về giao dịch lẫn giá bán. Những hiệu ứng từ các dự án đã đầu tư hoặc chuẩn bị triển khai khiến phân khúc đất nền nóng hơn. Việc "ăn theo" thông tin đồ án quy hoạch, hạ tầng đang khiến đất nền các địa phương lân cận Sài Gòn tăng giá.
Theo ông Lê Quốc Kiên, một NĐT kì cựu tại Tp.HCM, từ tháng 10 đến nay, sau khi mở cửa cho đi lại thì chỉ có nhà phố thành phố giữ giá, còn thị trường vùng ven và đất tỉnh đã lập mặt bằng giá mới so với thời điểm Quý 2/2021 trước bùng dịch. Vùng ven như Q.9, Hóc Môn, Củ Chi tăng 10- 20%. Chẳng hạn, nền đất 106m2 tại Q.9 (nay là Tp.Thủ Đức) trước dịch giao dịch 4,8 tỷ thì nay rao 5,5 tỷ; đất Củ Chi 220m2 trước dịch 2,8 tỷ nay rao 3,6 tỷ, 500m2 từ 3,4 tỷ lên 4,4 tỷ, 222m2 đất Hóc Môn trước 3,5 tỷ nay rao 4,2 tỷ. Thị trường đất tỉnh như Phú Mỹ, Định Quán, Bình Phước, Long An, Đăk Nông tăng trên 30%, so với thời điểm này hồi giữa năm 2020 thì đất tỉnh đã tăng hơn gấp đôi.
Chia sẻ trên báo chí, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết thị trường đất nền vẫn đang có dư địa phát triển lớn, nhất là tại những khu vực, địa phương có sự phát triển mạnh của hạ tầng và tốc độ đô thị hóa cao. Ông Đính cho rằng trong 2 quý đầu năm 2022, nhu cầu mua đất nền làm tài sản vẫn được nhà đầu tư ưa chuộng và tiếp tục là phân khúc được lựa chọn hàng đầu. Sở dĩ đất nền vẫn là lựa chọn của nhiều nhà đầu tư bởi trong bối cảnh dịch bệnh, nguồn cung trên thị trường bất động sản sụt giảm mạnh.
Theo vị chuyên gia này, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn phức tạp, nhà đầu tư không thể bỏ tiền để kinh doanh các loại hình khác, đất nền vẫn có khả năng sinh lợi nhuận tốt. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần cân nhắc đầu tư vốn thật, hạn chế sử dụng các nguồn vay vốn tín dụng, để hạn chế rủi ro.