Đất nền tỉnh lẻ đang bị đánh lên tạo sốt ảo, nhà đầu tư cần cảnh tỉnh
Đây là cảnh báo của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) trong báo cáo mới đây.
Cụ thể, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho biết một số khu vực của các địa phương như: Hà Đông- Hà Nội, Vĩnh Yên – Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Thành phố Đà Nẵng, Thành phố Nha Trang - Khánh Hòa... diễn ra sôi động.
Giá đất nền tăng cao tại các đô thị đang phát triển có các công trình hạ tầng đồng bộ; các khu vực đã hình thành hoặc có quy hoạch các khu đô thị mới, khu công nghiệp, khu du lịch nghỉ dưỡng... Tình trạng này do một số nhóm đầu cơ tạo ra cơn sốt ảo.
Phương thức đầu cơ cũng được Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cũng chỉ rõ. Cụ thể, giới đầu cơ thường là một nhóm các nhà đầu tư ở Hà Nội, TPHCM có tiềm lực tài chính mạnh sẽ đẩy giá đất tăng cao bằng cách mua một số lô đất với giá thấp lúc thị trường chưa sôi động.
Tiếp đó, nhóm này tìm cách mua tiếp các lô đất gần đó hoặc mua đi bán lại chính các ô đất đã mua trước đó với giá cao hơn rất nhiều so với thị trường, đồng thời tung thông tin thị trường khu vực đã bắt đầu sốt để lôi kéo các nhà đầu tư khác.
Lợi dụng tâm lý đầu tư theo hiệu ứng "đám đông", nhiều nhà đầu tư khác sẽ đổ xô vào mua đất chờ lên giá kiếm lời, nhóm này đã tạo lên những cơn sốt ảo đẩy giá lên cao để trục lợi.
Sau nhóm các nhà đầu cơ này sẽ rút đi, tạo nên làn sóng bán ra ồ ạt và hệ quả là nhiều nhà đầu tư sau mua đất với giá cao của nhà đầu tư trước phải bán đi để cắt lỗ, nhiều nhà đầu tư không bán kịp sẽ bị mắc kẹt.
Hậu quả để lại cho thị trường rất nặng nề, người có nhu cầu thực không thể có đủ tiền để mua do giá đất bị đẩy lên cao, người đầu cơ không có nhu cầu ở nhưng lại không bán được, vì nếu bán thì lỗ nặng. Dẫn đến tình trạng nhiều nhà, đất sẽ để hoang hóa không sử dụng, lãng phí tài nguyên và nguồn lực của xã hội.
Trước tình trạng này, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản đã soạn thảo công văn trình Bộ trưởng Bộ Xây dựng ký gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu các địa phương khẩn trương tiến hành: Tổ chức kiểm tra, nắm bắt tình hình, làm rõ nguyên nhân gây ra biến động của thị trường.
Tiến hành thanh tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai, về kinh doanh bất động sản và pháp luật có liên quan theo thẩm quyền. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân thổi giá, tạo nên các giao dịch ảo để kiếm lời.
Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cũng đề xuất các biện pháp để ổn định thị trường, phòng ngừa và ngăn chặn hiện tượng đầu cơ, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật; ngăn chặn việc phân lô bán nền trái quy định; chuyển nhượng quyền sử dụng đất rừng, đất nông nghiệp làm tăng giá bất động sản bất hợp lý tại những khu vực nêu trên, không để xảy ra tình trạng sốt nóng giá đất nền và dẫn đến hiện tượng "Bong bóng bất động sản"
Được biết, từ đầu năm 2018 đến nay, thị trường đất nền đã sốt nóng liên tục. Bắt đầu là TPHCM rồi lan sang các tỉnh lân cận như Bình Dương, Cần Thơ, Long An...Cơn sốt đất tiếp tục lan rộng sang các thị trường đất nền vệ tinh Hà Nội như Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Bắc Giang, Quảng Ninh.
Chinhphu
- Đất nền ven Sài Gòn: Điểm nóng hạ nhiệt, “sốt ngầm” cục bộ
- Đất nền Tp.HCM lên "cơn sốt", chuyên gia cảnh báo "thị trường đang rất nhạy cảm"
- Giá nhà đất TP.HCM tăng “chóng mặt”, do đâu?
- Sốt đất Quận 9 (Tp.HCM), môi giới “hét” loạn giá đất thổ cư
- “Chóng mặt” với giá đất Tp.HCM 1 năm qua, tăng gấp nhiều lần là thật hay ảo?