Đất ngoại thành nhiều quận, huyện Hà Nội tăng giá
Giá đất nền dự án, đất thổ cư ở một số khu vực thuộc quận, huyện ven trung tâm Hà Nội có xu hướng tăng giá thời gian gần đây, đặc biệt là Đông Anh, Hà Đông, Hoài Đức, Hòa Lạc…
Đất ngoại thành tăng giá
Với chủ trương đưa một số huyện vùng ven lên quận trong thời gian tới, một số huyện ngoại thành của Hà Nội đang có giá nhà đất tăng cao trong những năm gần đây, tỉ lệ tìm kiếm đất nền và đất thổ cư ở các khu vực này cũng gia tăng gấp nhiều lần.
Đây cũng là điều dễ hiểu bởi những khu vực này đang được đầu tư hạ tầng đô thị như cầu, đường, các dự án khu đô thị mới quy mô lớn một cách mạnh mẽ. Có thể kể tới như đường trục Tây Nam Hà Nội thuộc khu vực Hà Đông (kết nối khu Văn Phú đến huyện Phú Xuyên) và đoạn Xa La đến Nguyễn Xiển; đường trên cao Phạm Văn Đồng; Dự án đường nối từ đê Ngọc Thụy đến khu đô thị Thượng Thanh (Long Biên); Dự án Nguyễn Văn Huyên kéo dài; đường sắt Cát Linh – Hà Đông sắp vận hành; Khu đô thị Vinhomes Ocean Park (Gia Lâm); Khu đô thị Vinhomes Sportia Tây Mỗ Đại Mỗ, Khu đô thị Thanh Hà,…
Đầy đều là những công trình lớn, trọng điểm của Thành phố Hà Nội có sức lan tỏa và kết nối hạ tầng đô thị rất quan trọng của Thủ đô. Cùng với đó là việc khởi động xây dựng nhiều công trình hạ tầng giao thông lớn khác như đường vành đai 3,5 ở phía Tây, 4 cây cầu kết nối phía Đông với khu trung tâm…
Vì thế, giá đất thổ cư, đất nền dự án ở nhiều quận, huyện ngoại thành có xu hướng tăng giá, một số khu vực có hiện tượng "sốt nóng" cục bộ. Một khảo sát của trang Batdongsan.com.vn vào quý 2/2019 cho thấy nhà đất thổ cư ở các quận Đông Anh, Hà Đông, Long Biên, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm và Hoài Đức đang có mức độ quan tâm lớn trên thị trường.
Nửa đầu năm 2019, số người tìm kiếm bất động sản tại Đông Anh tăng mạnh, gấp từ 1,5 đến 2 lần so với những tháng cuối năm ngoái. Đông Anh cũng nằm trong top những địa phương có số người tìm kiếm bất động sản lớn của cả nước.
Số liệu từ trang tin rao bán bất động sản này cũng cho thấy xu hướng giá đất ở các quận ngoại thành tăng cao hơn.
Nguồn: batdongsan.com.vn
Cụ thể, từ 2015 đến năm 2018, giá nhà phố tại 5 quận trung tâm gồm Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Cầu Giấy tăng 7-17%. Trong khi đó ở quận, huyện ngoài trung tâm gồm Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh giá nhà phố tăng từ 19% đến 64%.
Xét theo mặt bằng giá trung bình, quận Hà Đông có mức giá nhà đất cao nhất (khoảng 105 triệu đồng mỗi m2). Tại Gia Lâm, con số này hiện cũng đạt ngưỡng xấp xỉ 60 triệu đồng mỗi m2, so với mức 35 triệu đồng của năm 2015.
Thống kê của đơn vị này cũng cho thấy nhà đất trong ngõ ở các quận trung tâm gần như đứng im trong 3 năm qua, tại quận Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Đống Đa, Ba Đình, Tây Hồ có giá tăng chỉ 1-7%. Trong khi đó, nhà đất trong ngõ, ngách ở các quận, huyện ngoại thành lại tăng giá mạnh gồm Nam Từ Liêm, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm, Long Biên, Hà Đông, giá tăng từ 13% đến 16%. Những khu vực này, giá bán hiện dao động từ 55 đến 73 triệu đồng mỗi m2.
Nhà đầu tư tìm đến Hòa Lạc, giá đất bị "thổi" lên cao
Kể từ khi thị trường bất động sản khủng hoảng (2012) đến nay, đất Hòa Lạc, Ba Vì gần như "đóng băng" sau cơn sốt hồi 2008 – 2010. Tuy nhiên, giới đầu tư địa ốc lại đang xôn xao với câu chuyện giao dịch nhà đất ở khu vực này kể từ đầu năm đến nay.
Một số sàn giao dịch bất động sản, cho rằng những tháng gần đây thị trường nhà đất khu vực này bỗng dưng có giao dịch trở lại, thậm chí một số khu vực gần khu công nghệ cao Hòa Lạc, trường Đại học Quốc gia Hà Nội, dọc trục QL 21 và Đại lộ Thăng Long còn diễn ra khá sôi động.
Theo lý giải của môi giới nhà đất nơi đây, do gần đây có nhiều nhà đầu tư tìm đến khu vực xung quanh khu công nghệ cao Hòa Lạc để "săn" đất đón đầu tiềm năng phát triển của khu vực này. Bởi họ kỳ vọng vào sự phát triển hạ tầng, đô thị vệ tinh ở khu vực này đang được đẩy mạnh đầu tư.
Trong đó, đáng chú ý là việc xây dựng các nhà máy tại khu công nghệ cao, chẳng hạn như nhà máy smartphone của VinGroup đã được động thổ xây dựng vào tháng 6 vừa qua trên khu đất hơn 15ha tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, dự án nhà máy động cơ máy bay Hanwha Aero Engines trị giá 200 triệu USD của một tập đoàn Hàn Quốc cũng mới được khánh thành cuối 2018, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đang được trình cơ quan quản lý về việc điều chỉnh quy hoạch theo hướng: không chỉ gồm các đơn vị thành viên hiện tại của ĐHQGHN, mà còn có quỹ đất dự phòng để một số trường đại học có uy tín có thể có cơ sở trong khu đô thị đại học…
Việc các nhà đầu tư tìm đến giao dịch mua bán nhà đất tại Hòa Lạc đã khiến giá chào bán nền đất ở khu vực này có chiều hướng tăng, thậm chí đối tượng đầu cơ có thể lợi dụng điều này nhằm "thổi giá" đất tăng cao.
Khảo sát cho thấy, một số khu vực tại Hòa Lạc, hiện giá đất chào bán đã tăng 20% đến 30% so với cuối 2018 và đầu năm 2019. Đơn cử như khu vực gần khu công nghệ cao trên trục đường nối Đại lộ Thăng Long với QL 21 có giá dao động từ 23- 25 triệu đồng/m2 tăng 3-5 triệu đồng/m2 so với hồi đầu năm; Khu Phù Cát (Quốc Oai) giá đất dao động khoảng 8-9 triệu đồng/m2 đối với các loại nền đất đấu giá và tái định cư; Khu gần Đại học Quốc gia có giá khoảng từ 9 triệu đồng/m2; Một số dự án tái định cư gần tỉnh lộ 420 và Quốc lộ 21 thuộc Thạch Thất dao động 15-17 triệu đồng/m2…
Mặt bằng giá đất ở khu vực này tăng từ 2 đến 7 triệu đồng mỗi m2 tùy vào khu vực. Điều này đã tạo nên một mặt bằng giá nhà đất mới tại Hòa Lạc.
Theo một môi giới tại đây, lượng nhà đầu tư, đầu cơ đất Hòa Lạc có dấu hiệu gia tăng trong thời gian gần đây. Họ thường phải "xuống" một lượng tiền khá lớn tầm 1 đến 2 tỷ đồng để có thể sở hữu những lô đất tại đây bởi đa số là nhà đầu tư giao dịch các nền đất đã có sổ đỏ. Tuy nhiên, họ thường "lướt" nhanh sau 1 đến 2 tháng đầu tư, mỗi giao dịch có thể kiếm lời từ 150-200 triệu đồng. Lượng người mua thực để ở tại khu vực này chiếm phần nhỏ, chỉ khoảng 15-20%, đa phần là các nhà đầu tư từ nơi khác đến.