Đất nước vỡ nợ, thị trường chứng khoán ở quốc gia 22 triệu dân ra sao?
Nhà chức trách Sri Lanka vừa tuyên bố đóng cửa thị trường chứng khoán nước này trong 5 ngày, kể từ 18/4, để "các nhà đầu tư có thời gian tìm hiểu các điều kiện kinh tế của đất nước".
- 16-04-2022Hình ảnh "đu cột câu cá" quen mắt với các chứng sĩ Việt và câu chuyện buồn phía sau của một quốc gia đang vỡ nợ
- 14-04-2022Chủ nợ lớn nhất của quốc gia 22 triệu dân vừa tuyên bố vỡ nợ có phải là Trung Quốc không?
- 14-04-2022Quốc đảo 22 triệu dân vỡ nợ: Thiên đường du lịch hóa "địa ngục trần gian"
- 13-04-2022Cuộc sống "tuyệt vọng" ở quốc gia 22 triệu dân vừa vỡ nợ: Tồi tệ ngoài sức tưởng tượng
- 13-04-2022Thảm cảnh ở 'đất nước vỡ nợ' Sri Lanka : Người dân không dám đi vệ sinh vì phí quá đắt, đến bệnh viện hay mua thuốc giảm đau cũng là điều xa xỉ
Thị trường bị tạm ngừng giao dịch
Hôm 16/4, Ủy ban Chứng khoán Sri Lanka vừa yêu cầu Sở giao dịch chứng khoán Colombo tạm dừng giao dịch trong tuần tới để các nhà đầu tư đánh giá lại tình hình. "Ủy ban Chứng khoán đã xem xét cẩn thận cũng như đánh giá những tác động của tình hình hiện tại đối với thị trường chứng khoán, đặc biệt là khả năng duy trì một thị trường trật tự và công bằng", tuyên bố của nhà chức trách Sri Lanka cho biết.
Quốc gia 22 triệu dân đã chính thức vỡ nợ vài ngày trước sau khi không thể đáp ứng các nghĩa vụ thanh toán với nợ của mình. Hiện tại, nước này đang hướng tới Washington D.C nhằm đàm phán cho các gói viện trợ tiềm năng.
Theo đó, một phái đoàn của Sri Lanka đã tới Mỹ, tìm cách có được số tiền 4 tỷ USD từ Quỹ tiền tệ Quốc tế và các tổ chức cho vay khác nhằm thanh toán các khoản nhập khẩu nhiên liệu và thực phẩm cũng như hạn chế tình trạng vỡ nợ của đất nước.
Trong khi đó, Sri Lanka đang rơi vào tình trạng hỗn loạn chính trị. Hàng trăm cuộc biểu tình yêu cầu Tổng thống Gotabaya Rajapaksa từ chức nổ ra trên khắp các thành phố. Nền kinh tế 81 tỷ USD này đang phải đối mặt với khoản nợ phải trả 8,6 tỷ USD trong năm nay. Tuy nhiên, Sri Lanka đã tuyên bố sẽ ngừng trả nợ để dành tiền cho nhập khẩu thực phẩm, nhiên liệu và các hàng hóa thiết yếu.
"Sẽ có lợi nhất cho nhà đầu tư cũng như những người tham gia thị trường chứng khoán nếu họ có cơ hội hiểu rõ hơn về các điều kiện kinh tế hiện nay, thông qua đó có những quyết định đầu tư sáng suốt", Ủy ban Chứng khoán Sri Lanka giải thích cho quyết định của mình.
Mất hơn 40% giá trị kể từ đầu năm
Thực tế, thị trường chứng khoán Sri Lanka đã trải qua những tháng sóng gió kể từ đầu năm 2022. Vào ngày 19/1, chỉ số chứng khoán chính của nước này là CSE All Stock đạt 13.484 điểm. Tuy nhiên, kết thúc phiên giao dịch ngày 8/4, nó chỉ còn 8.135 điểm. Như vậy, khoảng 40% giá trị vốn hóa của chứng khoán Sri Lanka đã bị thổi bay trong đầu năm 2022.
Chuỗi giảm liên tiếp tồi tệ nhất của thị trường này được ghi nhận từ ngày 25/3 tới 4/4 khi rơi thẳng đứng từ 10.440 điểm xuống còn 8.268 điểm, tương đương mức giảm hơn 20%. Tuy nhiên, Investing không có số liệu về CSE All Stock kể từ ngày 8/4 tới nay.
Ngày 12/4, thống đốc Ngân hàng Trung ương Sri Lanka, ông P. Nandalal Weerasinghe, thông báo nước này đã tạm ngừng việc thanh toán nợ nước ngoài và tiền lãi (vỡ nợ mềm), đồng thời tránh vỡ nợ cứng (tức không còn khả năng chi trả). Cùng với đó, Sri Lanka cũng tuyên bố tái cấu trúc nợ.
Sri Lanka đang nợ nước ngoài khoảng 51 tỷ USD và cần thanh toán 4 tỷ USD trong năm nay, bao gồm 1 tỷ USD trái phiếu quốc tế sẽ đáo hạn vào tháng 7 năm nay. Trong khi đó, tính đến tháng 3/2022, dự trữ ngoại hối của nước này còn chưa đến 2 tỷ USD.
Tình trạng khủng hoảng đã bao trùm Sri Lanka suốt nhiều tháng qua. Thậm chí, các bệnh viện ở nước này cũng hoạt động kém hiệu quả khi mất điện và thiếu thuốc men. Lạm phát tăng phi mã lên tới gần 20%, khiến phần lớn cuộc sống của người dân lâm vào khốn đốn. Sri Lanka nhập khẩu phần lớn mọi thứ từ nước ngoài và sẽ không có hàng nếu họ không thể trả tiền.