Dấu ấn 2021 của Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết: Đưa cổ phiếu về mệnh, lập đường bay thẳng đến Mỹ, muốn mua một đội bóng Ngoại Hạng Anh
Năm 2021 là năm khá bận rộn với Chủ tịch Trịnh Văn Quyết khi hãng hàng không Bamboo Airways của ông liên tục lập những đường bay mới, cả quốc tế lẫn nội địa, bất chấp đại dịch Covid-19 vẫn còn diễn ra phức tạp. Đáng chú ý, cổ phiếu FLC của ông Quyết tăng giá mạnh, góp phần nâng tài sản của ông Quyết tăng gấp đôi trên sàn chứng khoán.
- 03-12-2021Ông Trịnh Văn Quyết có thể đạt được giấc mơ mua đội bóng Ngoại hạng Anh bằng cách nào?
- 01-12-2021Ông Trịnh Văn Quyết: Chúng tôi muốn mua lại một đội bóng Ngoại Hạng Anh
- 27-11-2021Ông Đoàn Hiếu Minh kể chuyện tiếp cận và bán siêu xe Rolls-Royce Phantom Lửa Thiêng cho tỷ phú Trịnh Văn Quyết: Bài học quý cho người làm sale!
Tại Đại hội cổ đông thường niên tổ chức ngày 12/6/2018, Chủ tịch HĐQT Trịnh Văn Quyết đã tuyên bố: "Quý vị hãy tin tôi đi. Hãy kiểm chứng những lời tôi nói. Trong những năm tới FLC sẽ về mệnh. Người cầm cổ phiếu FLC sẽ có ngày hái quả".
Tại một sự kiện tổ chức ngày 18/11/2019, ông Quyết từng nói: "Tôi khẳng định sẽ không để cổ phiếu FLC dưới mệnh giá trong năm 2020. Giá cổ phiếu FLC sẽ gấp nhiều lần mức hiện tại. Không được 10 lần thì ít nhất phải gấp 5 lần, 7 lần, 8 lần".
Tới năm 2021, những người kiên định "vững niềm tin, bền ý chí" với FLC và lời hứa của ông Quyết đã có thể mỉm cười.
Trước năm 2021, lần gần nhất mà cổ phiếu FLC được giao dịch ở mệnh giá là từ tháng 5/2015. Tại các thời điểm ông Quyết tuyên bố ở các sự kiện của FLC, với thị giá chỉ vài ngàn đồng, cổ phiếu FLC từng được ví "cổ phiếu trà đá". Trải qua gần 6 năm, sau rất nhiều lần ông Trịnh Văn Quyết hứa hẹn với cổ đông về việc FLC sẽ về với con số 10.000 đồng/cổ phiếu, phải đến tháng 3/2021 lời hứa của ông Quyết mới trở thành hiện thực.
"Giá giao dịch bình quân của cổ phiếu FLC hiện là 11.000 VND – 13.000 VND/cổ phiếu, với khối lượng giao dịch mỗi phiên luôn đứng đầu sàn giao dịch của HOSE. Đây là tín hiệu tốt, thể hiện niềm tin của các nhà đầu tư cũng như thị trường vào sự phục hồi hoạt động kinh doanh của Tập đoàn", Chủ tịch Tập đoàn FLC tự hào trả lời chất vấn của cổ đông tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2021 hồi tháng 4.
Thậm chí tại đại hội năm nay, ông Quyết còn khẳng định với cổ đông: "Giá trị thực tại của FLC đang rất tốt và thực tế cổ phiếu của FLC lúc này (khoảng 11.000 đồng/cổ phiếu) vẫn chưa xứng đáng với tầm vóc cũng như tiềm lực của Tập đoàn FLC".
Sau nhiều năm "lặn ngụp", cổ phiếu FLC cuối cùng cũng về được mệnh giá
Diễn biến giá cổ phiếu FLC sau đó đã diễn ra đúng như kỳ vọng của ông Quyết. Thậm chí, không chỉ "về mệnh" thành công, FLC trong năm 2021 còn vượt xa so với mốc 10.000 đồng/cổ phiếu, lập đỉnh 16.500 đồng/cổ phiếu vào giữa tháng 11/2021 và hiện đang giao dịch trong khoảng 15.000 đồng/cổ phiếu.
Đà tăng giá mạnh mẽ của FLC đã nâng tài sản của ông Quyết lên gấp 2 lần trong năm qua. Tại thời điểm cuối năm 2020, tài sản của ông Quyết trên sàn chứng khoán là 2.352 tỷ đồng, thì đến thời điểm hiện tại, con số này đã tăng lên thành 4.800 tỷ đồng.
Trong năm 2021, hãng hàng không Bamboo Airways của ông Trịnh Văn Quyết đã có tới 4 lần tăng vốn, từ 7.000 tỷ đồng lên 18.500 tỷ đồng. Đã có thời điểm, vốn điều lệ Bamboo Airways đứng số 1 trong số các hãng hàng không nội địa, xếp trên cả Vietnam Airlines và lớn gấp nhiều lần Vietjet Air.
Đáng chú ý, trong đợt tăng vốn đầu tiên, từ 7.000 tỷ đồng lên 10.500 tỷ đồng, ông Trịnh Văn Quyết chính là người góp vốn nhiều nhất, tới 1.738 tỷ đồng trong khi phía Tập đoàn FLC chỉ góp 550 tỷ đồng. Do đó, tỷ lệ sở hữu trực tiếp của FLC tại Bamboo Airways giảm xuống dưới 50% và hãng hàng không này không còn là công ty con của FLC nữa, mà chuyển thành công ty liên kết. Vì thế, kết quả kinh doanh của Bamboo Airways, cũng như các chỉ tiêu tài chính cũng không còn được hợp nhất vào báo cáo tài chính của FLC.
Động thái này đã giúp "giảm tải" đáng kể cho FLC. Còn nhớ trong năm 2020, lợi nhuận gộp của FLC đã âm trong cả 4 quý, mà nguyên nhân chính là do thua lỗ từ hoạt động dịch vụ, trong đó có mảng hàng không của Bamboo Airways. Đây là năm đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát, và kéo dài đến tận năm 2021 vẫn chưa chấm dứt.
Tái cơ cấu Bamboo Airways, lợi nhuận gộp của của FLC dương trở lại trong quý 1 và quý 3 năm 2021. Trong quý 2, lợi nhuận gộp âm nhưng con số cũng được hạn chế ở mức thấp so với năm 2020.
Mặc dù Bamboo Airways không còn là công ty con của FLC, nhưng có thể nói hoạt động của công ty này vẫn bị chi phối bởi FLC và Chủ tịch Trịnh Văn Quyết, bởi ông Quyết là người góp phần lớn số vốn tăng thêm của Bamboo Airways, qua đó tổng tỷ lệ sở hữu của FLC, ông Trịnh Văn Quyết tại Bamboo Airways vẫn trên 80%.
Từ tháng 5/2021, Bamboo Airways của ông Quyết đã gây chú ý khi chính thức được cấp slot bay thẳng tới sân bay quốc tế San Francisco và sân bay quốc tế Los Angeles, bang California Mỹ.
Và đến tháng 9, Bamboo Airways đã chính thức có chuyến bay đầu tiên tới Mỹ. Như vậy, chỉ sau chưa đầy 3 năm tham gia lĩnh vực hàng không, Bamboo Airways dù là tay chơi mới trên thị trường, nhưng đã làm được điều mà các đàn anh đi trước chưa làm được.
Mỹ được đánh giá là thị trường hàng không khó tính bậc nhất thế giới. Theo quy định của luật Hàng không Dân dụng Liên bang Mỹ, để có thể khai thác các chuyến bay thương mại thường lệ tới Mỹ, các giấy phép của Bộ GTVT Mỹ (DOT), Cục An ninh Vận tải Mỹ (TSA) và Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) được coi là 3 điều kiện quan trọng nhất.
Trong đó, công tác xin cấp phép TSA được ví như "hàng rào thủ tục" mang tính quyết định vì sự khắt khe và kỹ lưỡng đặc biệt của công đoạn này. Sự phê duyệt để cấp phép bay của TSA sẽ là bước đệm quan trọng tạo điều kiện cho FAA hoàn thiện các quy trình cuối cùng mang tính chất thủ tục.
Sở dĩ việc bay thẳng tới Mỹ suốt một thời gian dài không ai triển khai, là do yếu tố kinh tế. Cách đây 10 năm, United Airlines và Delta Air Lines (hai hãng bay của Mỹ) đã từng mở đường bay thẳng từ Mỹ tới Việt Nam nhưng sau đó phải rút lui. Các chuyên gia kinh tế nhận định, bay thẳng Việt - Mỹ có thể làm các hãng hàng không lỗ tới 100 triệu USD/năm và càng bay nhiều mức lỗ càng lớn, thậm chí có thể dẫn tới phá sản.
Tuy nhiên, Bamboo Airways của ông Quyết lại rất tự tin đây sẽ là đường bay có hiệu quả, bởi lưu lượng khách hiện nay đã khác xưa rất nhiều, đồng thời hãng có chiến lược để các đường bay bù đắp chi phí cho nhau.
Hơn 1 tháng sau khi bay thẳng Mỹ, Bamboo Airways tiếp tục mở đường bay thẳng Việt - Anh. Theo kế hoạch, từ tháng 1/2022, Bamboo Airways sẽ triển khai các đường bay thẳng thường lệ kết nối Thủ đô Hà Nội và TPHCM (Việt Nam) với Thủ đô London (Anh), với tổng tần suất dự kiến 6 chuyến khứ hồi/tuần; tần suất chung sẽ được nâng dần lên theo nhu cầu thị trường.
Đường bay thẳng của Bamboo Airways sẽ giúp rút ngắn thời gian di chuyển giữa Việt Nam và Anh xuống chỉ còn khoảng hơn 12-13 giờ, tiết kiệm đến xấp xỉ 7 giờ so với các chuyến bay quá cảnh hiện nay.
Trong một cuộc phỏng vấn với báo giới, ông Trịnh Văn Quyết bất ngờ chia sẻ ý định mua một đội bóng tại Ngoại Hạng Anh để làm thương hiệu cho Bamboo Airways: "Tôi mong muốn Bamboo sẽ là thương hiệu quốc tế, toàn cầu để khi người ta nhắc đến Bamboo Airways sẽ biết ngay là hãng hàng không của Việt Nam. Việc mua một đội bóng Anh là một phần trong kế hoạch này. Chúng tôi đã bắt đầu quá trình xem xét, tiếp xúc để đặt vấn đề, với mục tiêu cụ thể là sở hữu đa số cổ phần của một câu lạc bộ bóng đá tại giải Ngoại hạng Anh, thông qua một số kênh liên lạc."
Ông Quyết cho biết thêm, tập đoàn của ông đã thiết kế các gói combo vé máy bay, nghỉ dưỡng, chơi golf, sắp tới rất có thể sẽ là những sản phẩm đặc biệt kết hợp bóng đá với hàng không, cụ thể là những tour kết hợp thăm nước Anh và xem các trận đấu hấp dẫn tại giải Ngoại Hạng Anh dành cho hành khách.
Doanh nghiệp và tiếp thị