Dấu chấm hết cho sự nghiệp của ông Mahathir Mohamad?
Cựu Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đã mất ghế trong quốc hội sau cuộc tổng tuyển cử ngày 19-11. Đây có thể là dấu chấm hết cho sự nghiệp chính trị của một trong những chính trị gia lâu đời nhất châu Á.
- 19-09-2022Đồng Ringgit của Malaysia suy yếu nhất trong 24 năm qua
- 03-09-2022Nhận án khủng, vợ cựu thủ tướng Malaysia khóc giữa tòa: Không ai thấy tôi đếm tiền
- 03-08-2022"Cơn sốt" cà phê Việt Nam ở Malaysia: 1 thương hiệu có số cửa hàng tăng 40 lần sau 3 năm
- 17-06-2022Thời làm giàu của các ông trùm dầu cọ Malaysia
Ông Mahathir chỉ đứng thứ 4 trong cuộc bỏ phiếu tại đảo Langkawi, thất bại trước chính trị gia Datuk Suhaimi Abdullah từ Liên minh Dân tộc (PN), theo Ủy ban Bầu cử ngày 19-11. Chính trị gia Datuk giành được chiếc ghế quốc hội của ông Mahathir với tổng cộng 25.463 phiếu bầu.
Trong khi đó, ông Mahathir chỉ có được 4.566 phiếu, thấp hơn ngưỡng 12,5% phiếu bầu cần thiết để đảm bảo tư cách ứng cử viên. Trong cuộc bầu cử năm 2018, ông Mahathir đã giành được 54,9% trong số 34.527 phiếu bầu hợp lệ, vượt qua mức 29,1% của Liên minh Mặt trận quốc gia (BN).
Cựu thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đi bỏ phiếu ngày 19-11. Ảnh: Reuters
Đây là thất bại đầu tiên của chính trị gia 97 tuổi này trong cuộc bầu cử quốc hội Malaysia kể từ lần đầu tiên ông giành chiến thắng vào năm 1964. Phóng viên kênh truyền hình Al Jazeera đưa tin từ bên ngoài Kuala Lumpur nhận xét: "Thật ngạc nhiên khi ông Mahathir không chỉ thua mà còn thua quá xa".
Tuy ông Mahathir cao tuổi nhưng trông vẫn khỏe mạnh. Ông cười nhạo những lời gợi ý rằng ông nên nghỉ hưu và khẳng định có cơ hội giành chiến thắng trước khi bầu cử diễn ra.
Ông Mahathir giữ chức thủ tướng Malaysia trong 22 năm, từ 1981 đến 2003. Sau đó, ông được bổ nhiệm một lần nữa vào năm 2018, khi đã 92 tuổi. Chính trị gia 97 tuổi này nắm giữ kỷ lục Guinness thế giới "Thủ tướng cao tuổi nhất thế giới hiện tại", khi ông trở thành thủ tướng Malaysia lần thứ hai vào năm 2018, chỉ 2 tháng trước sinh nhật lần thứ 93.
Tuy từng bị chỉ trích vì lãnh đạo Malaysia bằng "nắm đấm sắt" nhưng ông cũng được ca ngợi vì đã giúp Malaysia trở thành một trong những nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về hàng công nghệ cao.
Việc ông Mahathir lãnh đạo lâu dài được cho là đã mang lại sự ổn định chính trị cho Malaysia. Ông được mệnh danh là "cha đẻ của Malaysia hiện đại", khi giám sát việc xây dựng đường cao tốc và khu công nghiệp trong những năm 1980 - 1990.
Lãnh đạo phe đối lập của Malaysia Anwar Ibrahim (giữa) cho biết liên minh của ông đã tập hợp đủ số ghế để thành lập chính phủ tiếp theo. Ảnh: EPA
Mới đây, vào ngày 10-10, Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob đã tuyên bố giải tán Hạ viện, mở đường cho cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn. Nếu không có bên chiến thắng rõ ràng, bất ổn chính trị có thể kéo dài trong bối cảnh Malaysia đối mặt với tăng trưởng kinh tế chậm lại và lạm phát gia tăng.
Theo hãng tin Reuters , Malaysia lần đầu tiên có "quốc hội treo", khi liên minh Hồi giáo bảo thủ đã ngăn cản các liên minh lớn giành được đa số trong cuộc tổng tuyển cử. Quốc hội treo là tình trạng không đảng nào giành đủ số ghế để tự thành lập một chính phủ với thế đa số. Khi có quốc hội treo, các đảng phải thành lập chính phủ liên minh.
Ngày 20-11, lãnh đạo phe đối lập của Malaysia Anwar Ibrahim cho biết liên minh của ông đã tập hợp đủ số ghế để thành lập chính phủ tiếp theo sau cuộc tổng tuyển cử, có khả năng mở đường cho ông trở thành thủ tướng.
Cùng lúc đó, cựu Thủ tướng Muhyiddin Yassin - người đứng đầu Liên minh Dân tộc (PN) - cho biết ông cũng đang đàm phán để thành lập chính phủ tiếp theo sau cuộc bầu cử ngày 19-11.
NLĐ