Dầu có chuỗi tăng giá dài nhất trong 7 năm, lên đỉnh 4 tuần
Dầu thô Mỹ tăng giá phiên thứ tám liên tiếp đến hôm thứ Hai (3/7), đánh dấu chuỗi tăng giá dài nhất trong vòng hơn 7 năm, trong bối cảnh số giàn khoan ở Mỹ giảm lần đầu tiên kể từ đầu năm nay.
- 30-06-2017Giá dầu diễn biến trái chiều
- 29-06-2017Giá dầu thô quay đầu tăng
- 28-06-2017Giá dầu thế giới có thể sắp ngừng giảm
Giá dầu thô Mỹ WTI giao tháng Tám tăng 1,03 USD, tương đương 2,2%, lên 47,07 USD/thùng tại thị trường New York, trước khi thị trường đóng cửa nhân dịp Quốc khánh Mỹ.
Giá loại dầu này đã tăng 8 phiên liên tục, là chuỗi tăng dài nhất kể từ đợt tăng 10 phiên liên tiếp kéo dài đến 6/1/2010.
Diễn biến giá dầu WTI. Biểu đồ: Finviz
Tương tự, giá dầu Brent giao tháng Chín tăng 91 cent, tương đương 1,9%, lên mức 49,68 USD/thùng. Giá cả hai loại dầu này đạt đỉnh cao nhất trong vòng gần 4 tuần.
Diễn biến giá dầu WTI. Biểu đồ: Finviz
Giá dầu thô đã giảm hơn 14% trong 6 tháng đầu năm 2017, do thị trương lo ngại mức cắt giảm của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) không đủ sức cần bằng cung cầu thị trường. Một số nước sản xuất dầu lớn, trong đó có Mỹ, tiếp tục tăng khai thác.
Số liệu của Baker Hughes thứ Sáu tuần trước cho thấy số giàn khoan ở Mỹ giảm lần đầu tiên sau 23 tuần tăng liên tục, khiến thị trường nhận định các công ty khai thác dầu đá phiến ở Mỹ đã tới ngưỡng chịu đựng sau khi giá dầu liên tục giảm.
Số liệu của Cơ quan Thông tin năng lượng (EIA) tuần trước cho thấy sản lượng khai thác dầu ở Mỹ đã giảm 100 nghìn thùng xuống còn 9,25 triệu thùng/ngày.
Theo Phil Flynn, chuyên gia phân tích cao cấp tại Price Futures Group, số giàn khoan và sản lượng dầu Mỹ cùng giảm là tín hiệu cho thấy đà giảm sản lượng sẽ còn kéo dài.
Tuy vậy, một số nhà phân tích cho rằng sự sụt giảm sản lượng ở Mỹ trong tuần trước chỉ là tạm thời do ảnh hưởng của cơn bão Cindy ở Vịnh Mexico.
Trong khi đó, số liệu cho thấy ngành sản xuất của Mỹ trong tháng Sáu tăng mạnh nhất trong vòng gần 3 năm, khiến nhu cầu tiêu thụ dầu có triển vọng tăng.
Thị trường vẫn đang theo dõi diễn biến cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Qatar và các quốc gia Ả Rập khác. Hôm thứ Hai, hãng thông tấn của Saudi Arabia đưa tin khối các nước Ả Rập đã gia hạn cho Qatar thêm hai ngày nữa đến thứ Tư để đáp ứng các yêu cầu của nhóm nước này. Tuy nhiên, Qatar vẫn khẳng định nước này không hẫu thuẫn phong trào khủng bố ở Iran như các nước Ả Rập quy kết.
Stuart Ive tại OM Financial cho rằng dù căng thẳng chính trị tại các nước Ả Rập tiếp diễn, thỏa thuận cắt giảm sản lượng của các nước OPEC vẫn chưa bị ảnh hưởng. Khối OPEC hồi cuối tháng Năm đã nhất trí kéo dài thỏa thuận đóng băng nguồn cung đến hết quý I năm sau.
BizLive