Đau đầu, chóng mặt: Dấu hiệu cảnh báo căn bệnh nguy hiểm không nên bỏ qua
Theo BS Bùi Long, Trưởng khoa Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Hữu Nghị, tuổi tác, thói quen lười vận động, ăn nhiều chất béo khiến các bệnh lý về mạch máu ngày càng phổ biến.
- 22-09-20185 dấu hiệu cảnh báo bạn đang bị mất cân bằng dinh dưỡng
- 22-09-20187 biểu hiện ở đôi tay tiết lộ các bệnh mà cơ thể đang mắc, dấu hiệu đầu tiên cảnh báo bạn đang bị bệnh gan đấy
Chóng mặt do động mạch cảnh tắc hoàn toàn
Bệnh nhân Nguyễn Văn T. sinh năm 1964, quê Bắc Giang, vừa được các bác sĩ Bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô tiến hành can thiệp động mạch cảnh do tắc nghẽn.
Ông T. kể ông thường xuyên bị đau đầu, chóng mặt. Lúc đầu, ông tưởng bị rối loạn tiền đình điều trị không đỡ. Sau đó ông đi khám và bác sĩ chẩn đoán tắc động mạch cảnh và rất khó có thể can thiệp.
Ông T đã đi đến nhiều bệnh viện ở Hà Nội nhưng nơi nào bác sĩ cũng "lắc đầu" vì khó can thiệp. Những cơn đau đầu thường xuyên hành hạ nên ông T. cảm thấy mệt mỏi. Cuộc sống bế tắc vì biết bệnh mà không chữa được.
Tình cờ, con gái ông T đọc trên mạng thấy các bác sĩ ở Bệnh viện Hữu Nghị từng can thiệp cho bệnh nhân bị tắc động mạch cảnh nên ông T đã tìm đến bệnh viện.
TS BS Bùi Long – Trưởng khoa tim mạch can thiệp, Bệnh viện Hữu Nghị cho biết khi đến với bệnh viện, bệnh nhân T. cho biết đã khám nhiều nơi và không thể can thiệp, đặc biệt không can thiệp thì bệnh nhân sẽ rơi vào nguy hiểm.
Khi bệnh nhân đưa phim chụp cho bác sĩ xem, TS Long đã quyết định can thiệp để mở thông động mạch cảnh cho bệnh nhân. Nếu không mở thông động mạch cảnh trái bị tắc hoàn toàn sẽ không tưới máu đủ cho não.
Vì tổn thương tắc động mạch cảnh bên trái của bệnh nhân là bít tắc hoàn toàn, rất khó can thiệp nhưng bản thân bệnh nhân và gia đình mong muốn được chữa, được thông động mạch cảnh nên các bác sĩ đã tiến hành đặt stent động mạch cảnh cho bệnh nhân. Ngay sau khi động mạch cảnh được khai thông, bệnh nhân đã không còn đau đầu, chóng mặt.
Mảng xơ vữa rất lớn này có thể bị bong ra bất kỳ lúc nào khi bệnh nhân có cơn huyết áp tăng cao, làm nghẽn hoàn toàn dòng máu lên não gây nên cơn nhồi máu não cấp có thể khiến bệnh nhân hôn mê, liệt hoàn toàn nửa người và thậm chí tử vong.
Bác sĩ quyết định can thiệp đặt stent khai thông dòng chảy động mạch cảnh. Bệnh nhân đã được can thiệp thành công và xuất viện sau 10 ngày. Bệnh nhân phải được uống thuốc chống đông máu lâu dài để đề phòng nguy cơ tắc mạch tái phát.
Trường hợp của bệnh nhân T. đi rất nhiều bệnh viện và chỉ nhận được cái lắc đầu bởi theo bác sĩ Long can thiệp tắc hoàn toàn mãn tính động mạch cảnh rất khó khăn và hiệu quả mang lại không rõ ràng nên không áp dụng thường quy cho các bệnh nhân mà cần có chỉ định của bác sĩ với từng trường hợp cụ thể.
Can thiệp tắc hoàn toàn mãn tính động mạch cảnh cũng là thủ thuật khó, phức tạp mà rất ít bệnh viện có thể tiến hành.
Các bác sĩ khoa Tim mạch can thiệp bệnh viện Hữu nghị Việt Xô đã phối hợp với khoa Tim mạch can thiệp bệnh viện Trung ương Quân đội 108 điều trị can thiệp thành công ca bệnh nhân tắc hoàn toàn mãn tính động mạch cảnh và đem lại hiệu quả ngoạn mục cho bệnh nhân. Đến nay, đã có một số bệnh nhân tương tự được can thiệp thành công.
Hình ảnh tắc mãn tính hoàn toàn động mạch cảnh trái của bệnh nhân T.
Trước đó, bệnh nhân Nguyễn Thanh P. (74 tuổi, Hà Nội) có tiền sử bị cao huyết áp và tai biến mạch máu não nhưng không để lại di chứng yếu liệt nửa người. Bệnh nhân vào Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô khám vì đau đầu, chóng mặt và thoáng ngất.
Sau khi chụp chụp phim cắt lớp vi tính đa dãy đầu dò, bác sĩ phát hiện hình ảnh xơ vữa gây hẹp rất nặng động mạch cảnh bên trái làm hạn chế tưới máu lên não.
Phòng ngừa mảng xơ vữa động mạch cảnh
Bác sĩ Long cho biết, mọi người nên cảnh giác với hẹp tắc động mạch não, nhất là động mạch cảnh là động mạch chính đưa máu lên não. Việc phát hiện rất đơn giản, chỉ cần siêu âm có thể thấy hẹp, tắc hay không.
Khi người bệnh có các dấu hiệu đau đầu, chóng măt, đầu nặng khó chịu, uống thuốc không cải thiện bệnh nhân nên đến các cơ sở y tế để kiểm tra có bất thường như hẹp động mạch hay dị dạng mạch máu não.
Với động mạch cảnh, bác sĩ Long cho biết, có khoảng 30% bệnh nhân có xơ vữa hẹp động mạch cảnh tuỳ mức độ nhiều hay ít. Người bình thường từ ngoài 40 đã bắt đầu hình thành mảnh xơ vữa ở động mạch cảnh, động mạch vành tim, động mạch trong não nhưng tuỳ mức độ.
Nếu hẹp trên 50 % đường kính lòng mạch mới có chỉ định điều trị can thiệp, dưới 50 % có thể điều trị thuốc.
Nguyên nhân dẫn đến xơ vữa động mạch thường là do tuổi tác, tuổi càng cao đồng nghĩa với càng dễ bị xơ vữa, chế độ ăn nhiều mỡ, các bệnh chuyển hoá, rối loạn mỡ máu, tuổi động mạch, thoái hoá thành động mạch gây tích tụ các mảng xơ vữa, cộng thêm các nguy cơ kèm theo như tăng huyết áp, bệnh tiểu đường, suy tim...
Để phòng bệnh xơ vữa động mạch nói chung, bác sĩ Long khuyến cáo người dân nên có chế độ ăn uống sinh hoạt hợp lý, tránh các đồ ăn dầu mỡ, thói quen có hại như hút thuốc. Nên ăn nhiều chất xơ, rau xanh, vitamin để hạn chế quá trình oxy hoá, thể dục đều đặn để giảm các ứ trệ tuần hoàn mạch máu dễ gây ứ đọng mảng xơ vữa động mạch.
Trí thức trẻ