Đâu dễ mua bán điện mặt trời mái nhà trực tiếp
Đầu tư đường dây riêng để mua bán điện mặt trời mái nhà trực tiếp đòi hỏi nhà đầu tư tốn thêm chi phí nên không chắc sẽ có lợi.
- 28-06-2024Mở lối cho điện mặt trời mái nhà
- 19-06-2024Nghiên cứu hỗ trợ người dân lắp đặt điện mặt trời mái nhà để bán lại cho EVN
- 19-06-2024Đơn giản hóa thủ tục lắp đặt điện mặt trời mái nhà
Theo Nghị định 80/2024 của Chính phủ về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn, các dự án điện mặt trời mái nhà được mua bán trực tiếp thông qua đường dây riêng hoặc lưới điện quốc gia.
Chờ hướng dẫn cụ thể
Với phương án mua bán điện mặt trời mái nhà qua đường dây riêng, dự án không bị giới hạn công suất song phải đáp ứng quy định về giấy phép hoạt động. Người bán và khách hàng được thỏa thuận giá, phần điện dư thừa có thể bán lại cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Đối với phương án mua bán trực tiếp qua lưới điện quốc gia, dự án phải có quy mô công suất trên 10 MW; giá được xác định bằng tổng của giá điện năng, công suất thị trường trên thị trường bán buôn và phải thông qua tổng công ty điện lực.
Đáng chú ý, cả 2 trường hợp đều đấu nối từ cấp điện áp 22 KV trở lên, lượng tiêu thụ bình quân 200.000 KWh/tháng.
Quy định mới được đánh giá là đáp ứng kỳ vọng của một số nhà đầu tư điện mặt trời có khả năng đáp ứng nhu cầu của khách hàng lớn. Doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài cũng từng nhiều lần đề nghị Việt Nam sớm thí điểm cơ chế này nhằm hình thành hệ thống năng lượng đa dạng, cạnh tranh và chi phí hợp lý. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề về vận hành cần được hướng dẫn cụ thể.
Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean, cho biết công ty đã lắp đặt điện mặt trời mái nhà từ mấy năm nay, trung bình mỗi tháng dư 35% công suất điện, tương đương 600 - 700 KWh. "Chúng tôi có công cụ kiểm đếm lượng điện dư nên rất muốn bán phần này cho các khách hàng thông qua lưới điện hoặc đường truyền tải riêng để tránh lãng phí. Tuy nhiên, cần có hướng dẫn, quy trình cụ thể để DN thực hiện" - ông Việt bày tỏ.
TS Ngô Đức Lâm, nguyên Cục trưởng Cục An toàn Kỹ thuật và Môi trường - Bộ Công Thương, nhìn nhận quy định cho phép mua bán điện trực tiếp đem lại lợi ích cho nhà nước khi không phải đầu tư thêm nguồn điện mới. Song, điện mặt trời có tính chất không ổn định nên cần có phương án đấu nối phù hợp để không gây áp lực cho lưới điện quốc gia. "Một giải pháp có thể thực hiện là sử dụng bộ lưu trữ điện năng để phát vào lưới trong thời điểm không có nắng. Một điểm khó là thiết bị trữ điện không rẻ nên DN cần thêm chính sách hỗ trợ từ phía nhà nước" - TS Ngô Đức Lâm gợi ý.
Cân nhắc thiệt hơn
Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, cho rằng nhà đầu tư điện mặt trời mái nhà sẽ tính toán kỹ lưỡng trước khi quyết định bán điện thông qua đường dây riêng hay thông qua lưới điện quốc gia. "Nếu thỏa thuận được giá bán ở mức cao, ít nhất có thể bù đắp chi phí đầu tư đường dây nhánh để truyền tải điện, nhà đầu tư mới chọn phương án này. Còn nếu không thỏa thuận được giá tốt thì bán điện thông qua lưới điện quốc gia sẽ có lợi hơn. Điều này cũng có nghĩa là giá mua điện thông qua đường dây riêng có thể cao hơn mua qua EVN, người mua thấy không có lợi thì sẽ không tham gia" - ông Trần Viết Ngãi phân tích.
Cũng theo chuyên gia này, dù nhà bán điện đầu tư đường dây nhánh thì cũng phải đấu nối vào hệ thống điện quốc gia. Trong khi đó, việc đấu nối khá phức tạp và bắt buộc phải bảo đảm an toàn hệ thống. "Khách hàng lớn luôn muốn mua điện rẻ trong giờ cao điểm nên có thể chọn mua trực tiếp vào thời điểm này nhưng cũng phải tính đến lúc thời tiết không bảo đảm thì bù đắp bằng nguồn nào và chi phí ra sao? Nếu trở lại mua điện của nhà nước khi thị trường mua bán trực tiếp bị nghẽn thì sẽ đặt lưới điện quốc gia vào trạng thái luôn phải "chờ sẵn" để kịp thời cung ứng. Hệ quả là không chỉ gây khó khăn cho khâu phân phối mà còn phải giải thêm bài toán về giá "chờ" của hệ thống điện" - ông Ngãi chỉ rõ.
Ở góc nhìn khác, PGS-TS Trần Văn Bình, Viện Kinh tế và Quản lý - ĐH Bách khoa Hà Nội, tính toán việc phát triển điện mặt trời mái nhà có thể giúp ngành điện tiết kiệm hàng chục tỉ USD, trong khi chỉ cần bỏ ra 1 tỉ USD để nâng cao hiệu quả quản lý, cải tiến thiết bị, công cụ đo đếm...
Thiếu cơ chế giao dịch tín chỉ carbon
Theo ông Phạm Văn Việt, các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu... đều có quy định liên quan sử dụng năng lượng sạch trong sản xuất. Trong khi đó, DN sản xuất của Việt Nam đang loay hoay với việc chứng minh có sử dụng điện sạch để góp phần giảm phát thải nên cần có giải pháp phân định rõ nguồn điện sử dụng.
Một chuyên gia ngành điện cho rằng vì Việt Nam chưa có sàn giao dịch tín chỉ carbon và chứng chỉ năng lượng tái tạo nên nhà bán điện sạch không cung cấp được chứng chỉ/tín chỉ cho bên mua, dẫn đến khó khuyến khích người mua tham gia thị trường mua bán điện tái tạo trực tiếp.
Cả nước hiện có hơn 103 dự án điện mặt trời mái nhà với tổng công suất đặt 9.500 MW. Theo Quy hoạch điện VIII, quy mô loại nguồn này đến năm 2030 sẽ tăng thêm 2.600 MW hoặc đạt 50% các tòa nhà công sở, nhà dân.
Người lao động