Đấu giá biển số ô tô đẹp: Biển Hà Nội, TP.HCM khởi điểm 40 triệu đồng
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long nói đã xin rút lại đề nghị phân chia nguồn thu đấu giá biển số xe ô tô đẹp theo tỉ lệ 70% vào ngân sách trung ương, 30% phân bổ cho ngân sách địa phương. Thay vào đó toàn bộ sẽ nộp vào ngân sách trung ương.
- 04-05-2022Việt Nam vừa đề xuất đấu giá biển số xe sau 29 năm thí điểm rồi tạm dừng - Các quốc gia khác đang mua bán, định giá biển số như thế nào?
- 26-04-2022Chuyên gia: "Biển số xe đẹp có thể đến vài tỉ, thậm chí cả chục tỉ đồng"
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long - Ảnh: PHẠM THẮNG
Chiều 22-9, tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt đã đồng ý bổ sung dự thảo nghị quyết của Quốc hội thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.
Trước đó, trình bày tờ trình dự thảo nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho hay việc ban hành nghị quyết này nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân trong lựa chọn, sử dụng “biển số đẹp” theo quan niệm.
Đồng thời ngăn chặn hành vi trục lợi, tạo sự bình đẳng, công khai, minh bạch trong cấp, sử dụng biển số ô tô, tăng nguồn thu cho ngân sách từ đấu giá biển số xe.
Theo ông Long, dự thảo nghị quyết xây dựng 5 chính sách. Trong đó, biển số đưa ra đấu giá là biển số ô tô nền màu trắng, số màu đen trong kho biển số chưa được đăng ký.
Giá khởi điểm vùng 1 (Hà Nội, TP HCM) là 40 triệu đồng; vùng 2 gồm các địa phương còn lại có giá khởi điểm 20 triệu đồng.
Người trúng đấu giá được quyền giữ lại biển số trúng đấu giá để đăng ký cho xe khác nhưng không được phép chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá.
Trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày trúng đấu giá, biển số phải được gắn với phương tiện, nếu không sẽ bị thu hồi. Người trúng đấu giá biển số được quyền chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế xe có gắn biển số.
Người được chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế xe có gắn biển số trúng đấu giá không được quyền giữ lại biển số để đăng ký cho xe khác hoặc chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá cho người khác.
Tờ trình cũng nêu quy định sử dụng nguồn thu từ đấu giá, cụ thể, số tiền thu được từ đấu giá biển số sau khi trừ các khoản chi phí tổ chức đấu giá theo quy định, sẽ phân chia nguồn thu theo tỉ lệ 70% nộp vào ngân sách trung ương, 30% phân bổ cho ngân sách địa phương.
Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.
Trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp 4 theo quy trình một kỳ họp.
Thẩm tra của Ủy ban Pháp luật tán thành với đề nghị của Chính phủ. Tuy nhiên, cơ quan này đề nghị Chính phủ giải trình rõ hơn lý do đề xuất ban hành nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn và căn cứ để áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Để bảo đảm chất lượng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ hoàn thiện hồ sơ dự thảo nghị quyết để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại phiên họp thứ 16 (tháng 10-2022) trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4.
Giải trình thêm tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long cho biết theo dự kiến ban đầu của Bộ Công an là dự định đấu giá biển số ô tô ở công an tỉnh, nhưng qua nghiên cứu, đánh giá thấy rằng đấu giá phân tán như vậy sẽ không đảm bảo, tính thống nhất không cao.
“Do đó chúng tôi tính toán các điểm đấu giá biển số xe ô tô sẽ tập trung ở Bộ Công an”, ông Long nói.
Thứ trưởng Bộ Công an nói thêm tại phiên họp của Ủy ban Pháp luật vừa qua cơ quan soạn thảo xin rút lại đề nghị phân chia nguồn thu từ đấu giá theo tỉ lệ 70% nộp vào ngân sách trung ương, 30% phân bổ cho ngân sách địa phương. Thay vào đó, toàn bộ kinh phí này sẽ được nộp lại ngân sách trung ương.
Lãnh đạo Bộ Công an cũng nêu rõ một trong những nguyên tắc xuyên suốt khi xây dựng dự thảo nghị quyết là công dân có quyền đấu giá biển số xe ô tô của bất cứ tỉnh, thành nào trên lãnh thổ Việt Nam.
Hiện nay với cơ sở dữ liệu công dân, hạ tầng của Bộ Công an có thể thực hiện tốt việc này.
Tuổi trẻ