Đấu giá biển số xe trên thế giới: Biển đắt hơn cả xe, càng độc lạ càng hút khách mua
Đối với hầu hết chúng ta, biển số xe chỉ là miếng kim loại gắn kèm những con số định dạng, nhưng đối với một số người, chúng thể hiện sự giàu có, quyền lực và đẳng cấp.
- 13-10-2023Siêu xe độc bản McLaren Elva của Minh Nhựa về Việt Nam: Giá khoảng 143 tỷ đồng
- 13-10-2023Toyota chứng minh cho cả thế giới thấy 'không vội làm xe điện' là đúng: 1 startup làm 9 năm vẫn lỗ, càng bán càng không có lãi
- 13-10-2023Xe Volvo, Gạo Ông Cua đều là biểu tượng của sự an toàn
Nhiều nhà sưu tầm giàu có luôn muốn sở hữu những thứ tốt đẹp nhất. Sau khi sở hữu dàn xe cổ hoành tráng hoặc xe đua tốc độ hàng đầu, họ chẳng ngại tìm kiếm những chiếc biển số nổi bật nhất để lắp cho chúng. Biển số xe hiếm có cũng giúp họ thể hiện đẳng cấp xã hội.
Trong xã hội Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), biển số xe chỉ có một chữ số hoặc một chữ cái duy nhất có thể nói lên nhiều điều về địa vị xã hội của người chủ nhân. Điểm chung của biển số xe ở UAE là đều gồm một chữ cái và không quá 5 chữ số, in màu đen trên nền biển màu trắng. Biển số càng ít chữ số, nó càng đắt.
Theo báo The National, là trung tâm toàn cầu dành cho các nhà đầu tư, doanh nhân và tỷ phú, xứ sở dầu mỏ UAE từ lâu đã nổi tiếng là nơi trả giá cao nhất cho những chiếc biển số xe đẹp, dễ nhớ. 9/10 biển số xe đắt nhất thế giới là ở UAE. Trên thực tế, có rất nhiều biển số đã được bán với giá hàng triệu USD và thường vì mục đích từ thiện.
Tháng 4/2023, một khách hàng giàu có đã trả 15 triệu USD để làm chủ biển số đẹp: P7. Nó chính thức trở thành biển số xe đắt nhất thế giới. Xếp sau đó là biển số 1, trị giá 14,2 triệu USD. Năm 2008, doanh nhân Saeed Al Khouri đã quyết tâm trả giá gấp 50 giá mời thầu để sở hữu biển số chỉ có duy nhất số 1 trên đó.
Hay phải kể đến biển số AA9 cũng được bán đấu giá cao kỷ lục ở UAE. Tháng 5/2021, Cơ quan Vận tải và Đường bộ ở Dubai đã tổ chức bán đấu giá từ thiện biển số AA9 và thu được 10,3 triệu USD cho chiến dịch “100 triệu bữa ăn” cho người nghèo.
Tháng 3/2023, Bộ Nội vụ Ai Cập đã bán được biển số xe đắt kỷ lục ở nước này thông qua một phiên đấu giá trực tuyến. Theo hãng thông tấn MENA, hai người đấu giá đã cạnh tranh gay gắt để giành lấy biển số 555 M E R trong tiếng Arab. Cuối cùng, biển số siêu đẹp này đã được bán với giá 1,6 triệu USD.
Ngay sau đó, sự việc đã trở thành chủ đề bàn tán hàng đầu trên các trang mạng xã hội ở Ai Cập trong bối cảnh quốc gia này đang đối mặt với cuộc khủng hoảng lạm phát dai dẳng. Kể từ khi Bộ Nội vụ lập trang web đấu giá, hoạt động này đã đem về tổng cộng 971 triệu USD. Biển số xe đắt nhất ở Ai Cập trước đây được bán với giá 130.000 USD vào tháng 4/2022.
Tại Trung Quốc, nơi từng nhiều năm giữ vị trí đông dân nhất thế giới, giá biển số có thể đắt hơn cả giá trị của chiếc ô tô vì nhiều yếu tố.
Trang Nikkei Asia cho rằng cuộc chiến đấu thầu đã đẩy giá biển số xe ở Trung Quốc lên mức khó chấp nhận. Trên thực tế, việc sở hữu một chiếc ô tô là ngày càng khó khăn và đắt đỏ hơn ở các thành phố lớn của Trung Quốc.
Ở Bắc Kinh, thành phố này kiểm soát chặt chẽ việc cấp biển số xe mới để chống ô nhiễm và tắc nghẽn đường phố. Theo tờ The Economist, có những người đã phải chờ đợi nhiều năm để mua ô tô. Không phải họ không có tiền mà vì họ không gặp may mắn trong cuộc rút thăm cấp biển số xe mới. Hệ thống cấp biển số chỉ hoạt động hai tháng một lần. Và muốn mua xe thì phải giành được một suất cấp biển số trước. Tuy nhiên, tỷ lệ thắng rút thăm cấp biển số là rất thấp, thậm chí giảm còn 0,2% vào cuối năm 2019.
Tháng 1/2011, khi bắt đầu chính sách “xổ số” này, khoảng 180.000 công dân đã đăng ký tham gia rút thăm, nhưng số lượng biển số chỉ có vài nghìn chiếc. Con số này đã tăng lên 1,34 triệu vào cuối năm 2012 và đạt gần 3,34 triệu vào cuối năm 2019. Mặt khác, hình thức bốc biển ngẫu nhiên này đã dẫn đến những vụ gian lận và tham nhũng gây rúng động.
Ở Thượng Hải, vấn đề cấp biển số xe cũng có những hạn ngạch nghiêm ngặt. Nhưng giới chức thành phố này lại đưa biển số xe ra bán đấu giá trực tuyến. Hàng trăm ngàn người cạnh tranh nhau để mua lấy một trong số vài ngàn biển số. Giá trúng thầu trung bình còn cao hơn giá của nhiều mẫu ô tô sản xuất trong nước và không ngừng tăng lên theo thời gian. Số tiền đấu giá được chính quyền thành phố dùng để phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông.
Thành phố Quảng Châu lại áp dụng phương pháp cấp biển số xe hỗn hợp. Theo hệ thống này, một số biển được cấp ngẫu nhiên và phần còn lại được bán đấu giá. Kể từ khi Quảng Châu áp dụng cách tiếp cận này vào năm 2012, ba thành phố lớn khác là Thâm Quyến, Hàng Châu và Thiên Tân cũng làm theo.
Mô hình bán đấu giá ở Thượng Hải giúp tránh tham nhũng hoặc hoạt động mua bán bất hợp pháp. Tuy nhiên, nó lại không công bằng với những người kém khá giả hơn. Người dân than phiền rằng việc sở hữu một chiếc ô tô đã trở thành sở thích của giới siêu giàu.
Quảng Châu cho rằng hình thức của họ là đúng đắn nhất. Bằng cách kết hợp hệ thống bốc ngẫu nhiên và đấu giá, mọi người đều được hài lòng.
Trong khi đó ở Hong Kong, biển số xe cá nhân hóa đang được ưa chuộng. Theo hãng CNN, tại một cuộc bán đấu giá vào đầu năm nay, biển số “EL0NMUSK” lấy ý tưởng từ tên của tỷ phú công nghệ Mỹ Elon Musk đã được bán với giá gần 1.400 USD. Một số biển số “độc, lạ” giá cao khác phải kể đến “BAD G1RL”, “LATTE” và “SHADYB1Z”. Đặc biệt, giá thầu cao nhất của phiên đó thuộc về biển số “1HH” với giá 14.684 USD.
Thị trường biển số cá nhân hóa đang nóng lên ở Hong Kong. Người dân sẵn sàng chi hàng triệu USD để mua biển số “độc”. Năm 2008, đã có người trả 2,1 triệu USD để mua biển số 18 - được coi là con số may mắn trong tiếng Quảng Đông. 8 năm sau, biển số 28 lại được bán với giá 2,3 triệu USD. Tấm biển chỉ có mỗi chữ R cũng vừa thu về 3,2 triệu USD vào đầu năm nay. Nhưng kỷ lục biển số đắt nhất chỉ có một chữ cái đơn lẻ đã thuộc về chữ W vào năm 2021 với giá 3,3 triệu USD.
Kể từ năm 2006, Sở Giao thông Vận tải Hong Kong đã bán đấu giá hơn 40.000 biển đăng ký xe cá nhân hóa với giá khởi điểm từ 640 USD. Trước tiên, các bên quan tâm cần kiểm tra xem biển số do họ đề xuất có đáp ứng yêu cầu của Bộ Giao thông Vận tải hay không. Chủ xe có thể tạo biển số có tối đa 8 ký tự (bao gồm cả khoảng trắng) nhưng không được bao gồm các chữ cái “I”, “O” và “Q”. Sau khi được thông qua, những biển số đó sẽ được đem ra bán đấu giá công khai.
Ở nhiều quốc gia phương Tây, chủ phương tiện có thể trả thêm tiền để chọn biển số xe mang dấu ấn cá nhân. Đây là loại biển có sự lựa chọn riêng về số hoặc chữ cái, thường khắc một cụm từ, khẩu hiệu hoặc chữ viết tắt dễ nhận biết. Quy tắc duy nhất là thông điệp trên biển số này không kích động thù địch, khiêu dâm hoặc bạo lực. Bán biển cá nhân hóa thường là nguồn doanh thu đáng kể cho các cơ quan cấp phép cấp tỉnh và bang ở Bắc Mỹ.
Tất cả các bang của Mỹ và các tỉnh của Canada đều có danh sách những biển số chứa các từ, cụm từ hoặc tổ hợp chữ cái/số bị cấm. Ví dụ, bang Florida của Mỹ đã cấm các biển số như "PIMPALA", trong khi bang New York cấm bất kỳ biển số nào có các chữ cái "FDNY", "NYPD" hoặc "GOD".
Việc đấu giá biển số xe theo sở thích nhu cầu cá nhân cũng phổ biến ở nhiều nước châu Á, như Singapore, Malaysia. Singapore cũng cho phép người dân chọn biển số dù chưa có xe hay đã có xe, đồng thời cho phép đổi biển xe khác nếu không ưng ý.
Tại Nhật Bản, việc chọn biển số theo nhu cầu bắt đầu từ năm 1998. Nếu có nhiều người đăng ký cùng một biển số xe tại một khu vực nhất định, nhà chức trách sẽ chọn người chiến thắng bằng hình thức rút thăm và thu phí cao hơn.
Báo Tin tức