MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đấu giá đất ngoại thành: Nơi bỏ cuộc, nơi giá “trên trời”

02-12-2024 - 07:39 AM | Bất động sản

Sau những phiên đấu giá đất hàng nghìn hồ sơ tham dự, giá được “thổi lên” gấp 5-14 lần giá khởi điểm, các phiên đấu giá đất gần đây lại tiếp tục bất ổn với các hiện tượng, trả giá vòng trước lên 30 tỷ đồng/m2 vòng sau trả giá 0 đồng hay đồng loạt bỏ về khi đang đấu giá.

Huyện Thanh Oai, Hà Nội tiếp tục tổ chức đấu giá đất đợt 3 tại thôn Văn Quán, xã Đỗ Động ngày 30/11. Các lô đất lên sàn đấu giá có diện tích nhỏ nhất hơn 85 m2 và lớn nhất hơn 135 m2. Giá khởi điểm từ 5,3 triệu đồng/m2, tương ứng tiền cọc 90,89 - 143,84 triệu đồng/ thửa. 22 lô đất trong phiên đấu giá có số hiệu từ 118 - 139 tại xã Đỗ Động, tổng diện tích là 2.209,06 m2.

Đến vòng thứ 8, khách hàng đồng loạt bỏ cuộc nên các lô đất đấu giá đều không thành công. Lúc này, giá cao nhất khoảng 70 triệu đồng/m2. Ban tổ chức phải hủy bỏ cuộc đấu giá này. Nhiều nhà đầu tư khác cũng cho biết, giá đấu trong phiên đấu giá sẽ khó có đột biến vì thị trường đất đấu giá hiện nay không sôi động như hồi tháng 8.

Đấu giá đất ngoại thành: Nơi bỏ cuộc, nơi giá “trên trời”- Ảnh 1.

Danh sách các thửa đất đấu giá tại Thanh Oai ngày 30/11 (Ảnh: KT)

Trước đó, phiên đấu giá 58 thửa đất tại thôn Đông Lai, xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn diễn ra vào ngày 29/11. Các thửa đất có diện tích từ 90 – 224 m². Mức giá khởi điểm thấp chỉ 2.448.000/m². Cuộc đấu giá có 285 khách hàng với khoảng 1.000 hồ sơ tham gia, được tổ chức theo hình thức đấu tối đa 6 vòng bắt buộc, mỗi bước giá là 3 triệu đồng/m2.

Việc đấu giá đất diễn ra bình thường nhưng đến vòng đấu thứ 5, hơn 40 lô đất đã được một nhóm khách hàng trả tới mức giá rất cao, trong đó có ba lô được trả tới trên 30 tỷ đồng/m². Với diễn biến trên, phiên đấu giá này được cho là có dấu hiệu bị một nhóm khách hàng có hành vi "phá hoại".

Hiện tượng bất ổn trong các phiên đấu giá đất gần đây đang phản ánh thực trạng những cuộc đấu giá đất đang bị méo mó bởi một bộ phận đầu cơ thực hiện các hành vi bỏ cọc, thổi giá, khống giá…

Theo ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội, những hành vi trả giá cao rồi bỏ cuộc là dấu hiệu của việc đầu cơ, thổi giá. Dù việc công khai thông tin là biện pháp hữu hiệu song để ngăn chặn thì cần mạnh tay hơn.

"Việc công bố thông tin nếu như không có biện pháp nào đó mạnh hơn thì có lẽ chưa giải quyết được vấn đề. Trước mỗi cuộc đấu giá đất phải xem xét năng lực tài chính của các bên tham gia đấu giá, phải chứng minh nếu trúng đấu giá thì nguồn tiền ở đâu. Ngoài ra cần tính đến các công cụ thuế để ngăn chặn tình trạng bỏ cọc đấu giá đất” - ông Nguyễn Thế Điệp nêu ý kiến.

Đấu giá đất ngoại thành: Nơi bỏ cuộc, nơi giá “trên trời”- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho rằng: Trong Luật Đấu giá tài sản trước đây chưa sửa đổi thì phạt và bồi thường trách nhiệm chỉ gói gọn trong tiền cọc không có một chế tài kèm theo. Nếu làm đúng, xác định giá khởi điểm đúng thì điều này là chuẩn, đây cũng là chuẩn theo nguyên tắc quốc tế.

Tuy nhiên, ở Việt Nam có quá nhiều những biến số, ẩn số, bất thường cho nên vừa qua Quốc hội đã sửa Luật Đấu giá tài sản là ngoài việc mất tiền cọc còn có thể áp dụng một số chế tài khác như một thời gian sẽ ko được tham gia đấu thầu, đấu giá và một số hoạt động sẽ bị hạn chế.

“Những chế tài này thực sự chỉ có ý nghĩa với nhà đầu tư, tổ chức, doanh nghiệp khi thường xuyên tham gia hoạt động đấu thầu, đấu giá sẽ giảm uy tín, thương hiệu còn đối với người dân, cá nhân tham gia đấu giá đất như vừa được tổ chức ở Thanh Oai, Hoài Đức… gần như không có giá trị. Người dân tham gia đấu giá không nhiều, thậm chí muốn tham gia có thể nhờ một cá nhân khác đứng tên để tham gia các cuộc đấu giá khác” - luật sư Trương Thanh Đức nói.

Theo Phương Hoài

VOV.VN

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên