MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đấu giá đất “trên trời” rồi bỏ cọc

02-11-2021 - 08:25 AM | Bất động sản

Phiên đấu giá đất tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) với giá trúng lên đến gần 400 triệu đồng/m2, cao gấp đôi giá thị trường đang đặt ra câu hỏi liệu nhà đầu tư có “bỏ cọc" như một số địa phương khác.

Chốt giá gấp đôi thị trường

Tại phiên đấu giá 25 lô đất thuộc khu X4 phường Mai Dịch (quận Cầu Giấy, Hà Nội), mức giá trúng cao nhất gần 400 triệu đồng/m2, cao gấp đôi so với giá thị trường. Trước đó, phiên đấu giá này cũng từng khiến nhiều người bất ngờ vì có giá khởi điểm gần 200 triệu đồng/m2.

Mặc dù mức giá khởi điểm được cho là đã cao nhưng những người có mặt trong phiên đấu giá lại phải bất ngờ thêm lần nữa vì nhiều lô đất có mức giá trúng cao hơn giá khởi điểm từ 2 - 2,5 lần.

Cụ thể, 25 lô đất được đem ra đấu giá có diện tích từ 38,1 - 84,8 m2; mức giá khởi điểm từ 104,7 - 182,3 triệu đồng/m2. Tổng giá khởi điểm của mỗi lô đất từ 4,1 - 9,2 tỷ đồng. Số tiền cọc trước tham gia đấu giá là 800 triệu đồng/lô đất. Trong đó, mật độ xây dựng trên khu đất là 100%, cao tối đa 4 tầng.

Đấu giá đất “trên trời” rồi bỏ cọc - Ảnh 1.

Mặc dù chỉ có 25 ô đất được mang ra đấu giá nhưng phiên “chợ đất” có khoảng 800 - 900 hồ sơ nộp tham dự. Nhiều nhà đầu tư nộp từ 5 - 10 bộ hồ sơ nhưng vẫn ra về trắng tay.

Kết quả đấu giá chủ yếu trên 200 triệu đồng/m2. Trong đó, giá trúng thấp nhất là 162,7 triệu đồng/m2 của lô E23, nằm ở mặt ngách rộng 5m, có diện tích 59,9 m2, mức giá khởi điểm là 104,7 triệu đồng/m2. So sánh, mức giá trúng cao hơn 55% so với giá khởi điểm.

Đáng chú ý, lô B12 diện tích 44,5 m2, với vị trí lô góc ở mặt phố Dương Khuê (Mai Dịch, Cầu Giấy) có mức giá khởi điểm cao nhất là 182,3 triệu đồng/m2 nhưng mức giá trúng lên tới 364,3 triệu đồng/m2, gần gấp 2 lần so với giá khởi điểm. Đây cũng là mức giá cao nhất của phiên đấu giá.

Sau khi kết quả đấu giá được công bố, một số nhà đầu tư tham gia nhưng không đấu trúng thừa nhận trong phiên đấu giá dường như ai cũng “say đòn” nên xuống giá rất “bạo tay”, khi kết thúc mới giật mình không ngờ số tiền lại cao đến thế.

Thực tế khu vực lân cận các lô đất tại khu vực X4 phường Mai Dịch vừa được đấu giá giao dịch nhà đất vẫn tương đối bình ổn ở mức xấp xỉ hoặc cao hơn giá khởi điểm đấu giá chút ít.

Theo chia sẻ của anh Thắng, chủ cửa hàng ăn uống đối diện khu đất đấu giá thì đất ở quanh khu vực này nhiều năm nay chỉ dao động ở mức 150 triệu đồng/m2 vì quanh khu này hầu hết là nhà dân, đất trong ngõ, không có hoạt động kinh doanh, buôn bán sầm uất cũng không gần trung tâm thương mại hay công viên.

“Việc bỏ ra hơn 364 triệu đồng để mua 1m2 đất ở đây thì hơi “ngáo”, với mức giá đó có thể mua nhà đất bên ngoài lại rẻ hơn, cần gì phải đấu giá”, anh Thắng nói.

Đấu giá đất “trên trời” rồi bỏ cọc - Ảnh 2.

Giá nhà đất khu vực phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy trên các trang rao bán bất động sản

Bên cạnh đó, theo khảo sát trên các trang rao bán bất động sản trực tuyến, khu vực phường Mai Dịch, giá nhà đất hiện đang được rao bán cũng không cao như các giá trúng tại phiên đấu giá vừa qua.

Giá “trên trời” để rồi bỏ cọc

Theo một số người tham gia phiên đấu giá vừa qua, có người sau khi trúng đấu giá đã rao bán suất mua ngay với giá chênh không lớn nhưng vẫn chưa thể “chuyền tay” ngay được do giá trúng đã ở mức “trên trời”.

Anh Long, một môi giới nhà đất tại khu vực này cho biết, với mức giá trúng của mỗi lô đất cao hơn hẳn so với thị trường người mua với giá này rất khó “thoát hàng”, thậm chí có thể bỏ cọc.

Đấu giá đất “trên trời” rồi bỏ cọc - Ảnh 3.

Tại một số thửa đất vừa đấu giá, thông tin rao bán đã xuất hiện nhưng vẫn chưa "chốt" được

Thực tế cho thấy, việc nhà đầu tư bỏ cọc sau khi đấu giá trúng thời gian qua không phải là chuyện hiếm. Vừa qua, dư luận tỉnh Thanh Hóa cũng một phen xôn xao khi UBND huyện Quảng Xương hủy kết quả trúng đấu giá hàng chục lô đất do khách hàng không nộp đủ số tiền trúng đấu giá QSDĐ theo quy định.

Tương tự, tại Bắc Giang, theo kết quả rà soát của huyện Lạng Giang và TP Bắc Giang trong các phiên đấu giá đất từ đầu năm đến hết tháng 9/2021 đã có đến 29 lô đất trúng đấu giá nhưng khách hàng bỏ cọc.

Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp về vấn đề này, TS Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hiệp hội Môi giới BĐS Việt Nam cảnh báo ở thời điểm hiện tại trước khi đầu tư đất nền cần hết sức lưu ý vì trong mấy tháng đầu năm có xảy ra tình trạng “sốt đất”.

"Bởi khi “sốt đất” giá đất không thực, là “giá ảo”, “giá bong bóng” nên nếu đầu tư lúc này chỉ có thua thiệt và thực tế là chưa đầu tư đã thấy lỗ, nhất là khi tham gia các phiên đấu giá đất với tâm lý “ganh đua” nên bị “say đòn” trả giá cao hơn nhiều mức mục tiêu để rồi bị bước hụt" - ông Đính cảnh báo.

Theo Lê Sáng

Diễn đàn doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên