Đấu giá đất từ Bắc tới Nam: Hệ lụy từ giá cao bất thường
2 năm nay, những cuộc đấu giá đất tại các thành phố lớn từ Bắc tới Nam cho đến đô thị vùng ven luôn thu hút được đông đảo nhà đầu tư tham gia. Trước những phiên đấu giá đất kiểu trên trời mà điển hình là vụ nhà đầu tư bất động sản Tân Hoàng Minh bỏ cọc đất Thủ Thiêm, nhiều chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo, đấu giá đất liên tục đạt mức giá mới đã ảnh hưởng tới thị trường bất động sản (BĐS), gây nhiều hệ lụy như giá đền bù, giá BĐS tăng…
- 21-01-20225 chỉ đạo quyết liệt của Bộ Tài Nguyên và môi trường về công tác đấu giá quyền sử đụng đất
- 21-01-2022Hết thời lợi dụng đấu giá đất ‘hét’ giá cao gây nhiễu loạn thị trường
- 19-01-2022Bí thư Thành ủy TPHCM: Bỏ cọc đấu giá đất Thủ Thiêm là 'hiện tượng lạ'
Sốc với những phiên đấu giá trên trời
Chỉ trong thời gian ngắn, tại nhiều địa phương, các phiên đấu giá đất diễn ra khá sôi động, giá các nhà đầu tư bỏ và trúng đấu giá thường cao hơn nhiều so với giá khởi điểm. Có thể kể đến những phiên đấu giá điển hình như vậy là: Phiên đấu giá 25 lô đất tại khu X4, phường Mai Dịch (Cầu Giấy, Hà Nội) vừa qua khiến giới đầu tư “sốc” vì giá khởi điểm lên tới gần 200 triệu đồng/m2. Phiên đấu giá càng trở nên sôi động khi có tới 800-900 hồ sơ nộp tham dự. Sức “nóng” càng được đẩy cao hơn khi kết quả được công bố. Giá trúng cao hơn giá khởi điểm từ 2 đến 2,6 lần, khiến nhiều nhà đầu tư nộp 5 -10 bộ hồ sơ mà vẫn ra về trắng tay.
Lô B12 diện tích 44,5m2, với vị trí lô góc ở mặt phố Dương Khuê, phường Mai Dịch (quận Cầu Giấy) có mức giá khởi điểm cao nhất là 182,3 triệu đồng/m2, nhưng mức giá trúng lên tới 364,3 triệu đồng/m2, gấp gần 2 lần so với giá khởi điểm - cao nhất phiên đấu giá.
Lô đất tại Cầu Giấy được đấu giá lên tới 400 triệu đồng/m2. Ảnh: Lộc Liên
Cuối tháng 11/2021, Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Quốc Oai cũng tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đối với 32 thửa đất tại lô S2 thuộc khu đấu giá ĐG06/2019. Các lô đất có diện tích từ 105 đến 134,5m2, giá khởi điểm từ 25,7 đến 47,7 triệu đồng/m2, tương đương 2,7 đến 6,5 tỷ đồng/lô.
Kết quả phiên đấu giá, các thửa đất có giá khởi điểm 47,7 triệu đồng/m2, giá trúng dao động từ 63,9 đến 76,9 triệu đồng/m2. Đáng chú ý, lô góc S2-16 có diện tích 134,3 m2 có giá khởi điểm 47,7 triệu đồng/m2 nhưng giá trúng lên đến 99,3 triệu đồng/m2, tương đương 13,3 tỷ đồng, cao gấp hơn 2 lần giá khởi điểm. Bên cạnh đó, nhà đầu tư này còn trúng đấu giá lô đất rộng 105m2, với mức giá 76,9 triệu đồng/m2, tương đương hơn 8 tỷ đồng. Tại thôn Yên Bình, xã Quang Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh), cơ quan chức năng tổ chức đấu giá 18 lô đất, thu hút hơn 100 nhà đầu tư tham gia. Kết quả đấu giá thành công 100% lô đất với tổng số tiền thu về gần 17,5 tỷ đồng, vượt giá khởi điểm 7 tỷ đồng. Đặc biệt, có những lô đất giá khởi điểm 685 triệu đồng được đấu lên tới gần 1,3 tỷ đồng, gấp đôi giá khởi điểm.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho rằng, khi đấu giá đất tăng cao, thiết lập mặt bằng giá mới, việc Nhà nước bồi thường khi thu hồi đất cho người dân sau này sẽ gặp nhiều rào cản, khiến quá trình giải phóng mặt bằng, triển khai dự án gặp khó khăn. Nhà nước cần đưa ra chính sách, quan điểm rõ ràng về trường hợp này.
Trong khi đó, tại Bắc Giang mới đây cũng đã diễn ra nhiều phiên đấu giá đất. Đơn cử, tại dãy LK11, khu dân cư Yên Ninh, thị trấn Nếnh ghi nhận lô trúng cao nhất trị giá hơn 8,3 tỷ đồng với diện tích hơn 150m2, tương đương 55 triệu đồng/m2. Hầu hết các lô đất đều chênh lệch hơn 1 tỷ đồng/lô so với giá khởi điểm.
Hệ lụy
Trước diễn biến bất thường của nhiều cuộc đấu giá đất trên cả nước, mà điển hình là vụ bỏ cọc giá đất 2,4 tỷ đồng/ mét vuông tại Thủ Thiêm gây xôn xao dư luận, mới đây, Bộ Xây dựng có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc kiểm soát nguy cơ xảy ra bong bóng BĐS và tăng cường quản lý tình hình thị trường BĐS.
Đánh giá về thị trường BĐS thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương đã phải thực hiện giãn cách xã hội trong thời gian dài, gây ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, trong đó có thị trường BĐS. Sau khi có quy định về nới lỏng giãn cách xã hội, thị trường BĐS đã có những dấu hiệu phục hồi đáng kể, lượng giao dịch, giá BĐS có xu hướng tăng cao.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Sinh, sự phát triển của thị trường BĐS thời gian qua còn tiềm ẩn rủi ro; tình trạng các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp vi phạm quy định pháp luật còn xảy ra tại một số địa phương; công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm chưa đáp ứng yêu cầu, quy định; một số trường hợp giá trúng đấu giá cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm. Thậm chí, có trường hợp giá cao bất thường có thể tác động tiêu cực đối với thị trường nhà ở, BĐS…
Với lý do đó, Bộ Xây dựng đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố: Thực hiện rà soát, kiểm tra hoạt động của các tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường; Đánh giá tình hình, kết quả đấu giá quyền sử dụng đất, đặc biệt là ảnh hưởng từ các trường hợp có kết quả đấu giá với giá đấu và trúng tăng bất thường, cao gấp nhiều lần giá khởi điểm đến mặt bằng giá đất, nhà ở, giá BĐS trên địa bàn. “Bộ đang yêu cầu tổng hợp thông tin để đánh giá, nhận định về khả năng tiềm ẩn nguy cơ xảy ra "bong bóng" hoặc các diễn biến bất thường khác, dự báo tình hình thị trường BĐS trong thời gian tới tại các địa phương”, Thứ trưởng Sinh nói.
Tiền phong