MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dấu hiệu cảnh báo trẻ bị ung thư nhiều cha mẹ lại tưởng bị suy dinh dưỡng

09-02-2019 - 20:10 PM | Sống

Gan, lách to ra khiến bụng bé căng như cái trống đây cũng là một dấu hiệu cảnh báo bệnh ung thư máu ở các bệnh nhi.

Bụng to dấu hiệu ung thư

Bé Nguyễn T. T (4,5 tuổi quê Đông Hưng, Thái Bình) đang điều trị tại Viện Huyết học và truyền máu trung ương. Bố bé T chăm sóc con gái vì vợ anh đang có cháu nhỏ tâm sự anh lập gia đình muộn. Khi bé T ra đời khỏe mạnh, cả gia đình đều vui mừng vì gần 40 tuổi anh cũng được làm cha trẻ con.

Đến năm 3 tuổi, bé T bỗng dưng bụng to, xanh xao. Mọi người còn nghĩ cháu bụng ỏng, đít beo và làm ruốc cóc cho ăn với hi vọng bé sẽ hết to bụng. Tuy nhiên, bụng càng ngày càng to hơn và không có dấu hiệu giảm. Gia đình đưa bé đến Bệnh viện Nhi Thái Bình kiểm tra.

Bác sĩ xét nghiệm và chẩn đoán bé bị Lơ xê mi cấp – một bệnh ung thư máu trẻ em. Nghe đến đây, bố mẹ của bé bàng hoàng không biết phải bước tiếp như thế nào bởi họ không bao giờ nghĩ con mình bị ung thư.

 Dấu hiệu cảnh báo trẻ bị ung thư nhiều cha mẹ lại tưởng bị suy dinh dưỡng - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Bé trai Hoàng A.T (5 tuổi, quê Quảng Ninh) cũng bị ung thư máu. Mẹ của A.T tâm sự hai vợ chồng chị cùng con chiến đấu với bệnh ung thư máu đã hơn 1 năm nay. Mỗi đợt điều trị hóa chất 15 – 20 ngày.

Trước đó, bé A.T sinh ra khỏe mạnh. Bé vẫn đi học đều ở trường mầm non để bố mẹ đi làm. Tuy nhiên, một thời gian bé bị sốt và uống thuốc hạ sốt không đỡ kèm theo bụng to.

Khi cho bé đi khám tại Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh bác sĩ cho biết cháu bị phù lách – một triệu chứng của bệnh ung thư máu. Mẹ của bé vừa khóc vừa kể: "tôi chỉ nghĩ ung thư máu ở trong phim chứ đâu nghĩ nó có thể xảy ra với con mình. Tôi cứ thấy như một giấc mơ. Dù thương con nhưng vẫn phải cô nuốt nước mắt vào lòng cùng con chiến đấu với bệnh".

Ở khoa Bệnh máu trẻ em, nhưng đứa trẻ đầu trọc lóc vì phải truyền hóa chất do điều trị ung thư máu. Hầu như bé nào cũng có triệu chứng bầm tím, sốt cao đặc biệt là dấu hiệu lá lách to, bụng to nhưng bố mẹ các cháu ít để ý đến. Các cháu đều nhập viện khi bệnh nặng.

Ung thư máu chiếm 88 % ung thư ở trẻ

Theo nghiên cứu về mô hình bệnh ung thư ở trẻ em tại Bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP HCM, ung thư máu đang là nhóm đứng đầu trong các bệnh ung thư ở trẻ em.

Nghiên cứu tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương từ năm 2015 đến 2017 cũng cho thấy trong số bệnh nhi điều trị bệnh máu ác tính ở đây thì đến 88% thuộc nhóm ung thư máu. Độ tuổi mắc bệnh nhiều nhất là 1-5, chiếm gần 50%. Bé trai mắc bệnh nhiều hơn bé gái (tỷ lệ 64% nam so với 36% nữ).

 Dấu hiệu cảnh báo trẻ bị ung thư nhiều cha mẹ lại tưởng bị suy dinh dưỡng - Ảnh 2.

Ung thư máu chiếm 88 % số ca ung thư ở trẻ em

Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng, Phó trưởng Khoa bệnh Máu và trẻ em, Viện Huyết học và truyền máu Trung ương cho biết bệnh ung thư máu ở trẻ em chiếm tỷ lệ cao trong các bệnh ung thư ở trẻ. Tuy nhiên, bệnh nhi thường vào viện ở giai đoạn nặng và bệnh lại dễ tái phát.

Bác sĩ Hồng cho biết dấu hiệu đặc trưng của bệnh là trẻ thường trong tình trạng thiếu máu, da xanh, xuất huyết với các vết bầm trên da, sốt không tìm được nguyên nhân hoặc điều trị không đỡ, nổi hạch; có trẻ lại có dấu hiệu đau xương, thậm chí không đi lại, hạn chế vận động. Có trẻ bị gan to, lách to gây chướng bụng.

Bác sĩ Hồng cho biết với ung thư máu dòng lê xơ mi cấp, khi tế bào ung thư xuất hiện trong tủy xương sẽ lấn át các dòng tế bào máu khác tạo ra thiếu hồng cầu (gây thiếu máu), thiếu tiểu cầu (gây xuất huyết), thiếu bạch cầu (gây nhiễm trùng, sốt)… và dấu hiệu thâm nhiễm của ung thư như gây đau xương, đau đầu, thậm chí gây liệt, lồi mắt ở bệnh nhân.

Hiện nay, nguyên nhân chính xác gây ung thư máu ở trẻ em chưa được kết luận chính xác nhưng một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Tuy nhiên, một số nghiên cứu chỉ ra các yếu tố như hội chứng rối loạn di truyền Li-Fraumeni, hội chứng Down hoặc hội chứng Klinefelter, bệnh nhi gặp vấn đề với hệ miễn dịch, chẳng hạn như suy giảm hệ miễn dịch

Bệnh nhi từng tiếp xúc với nồng độ cao của bức xạ, hóa trị liệu, hoặc các hóa chất như Benzene (dung môi).

Theo Tiểu Nhã

Trí thức trẻ

Trở lên trên