MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dấu hỏi về khoản nợ vay 15.880 tỷ của Hoa Sen

17-08-2018 - 18:45 PM | Doanh nghiệp

Tính từ đầu năm tài chính 2017-2018, Hoa Sen đã tăng nợ vay thêm 4.000 tỷ đồng, tăng 34%.

Nợ vay ngày càng phình to, gần cán mốc 16.000 tỷ đồng

Theo BCTC hợp nhất quý III niên độ 2017-2018, Hoa Sen đã tăng thêm hơn 4.000 tỷ đồng nợ vay so với đầu niên độ, trong đó tăng 3.400 tỷ nợ vay ngắn hạn và 619 tỷ nợ vay dài hạn, nâng tổng số nợ vay lên 15.880 tỷ đồng, tăng 34%; nợ vay gấp 3 lần vốn chủ sở hữu trong khi thời điểm đầu niên độ chỉ gấp 2,2 lần.

Nhìn lại quá khứ, giai đoạn 2014-2016, Hoa Sen đã sử dụng một tỷ lệ đòn bẩy cao, nợ vay gấp khoảng 2 lần vốn chủ sở hữu, riêng 2016 tỷ lệ này giảm nhờ doanh nghiệp tăng vốn. Nợ vay bắt đầu nhảy vọt năm 2017 với chi phí lãi vay 482,3 tỷ trong khi các năm trước khoảng 200 tỷ đồng. 3 quý đầu niên độ năm nay, chi phí lãi vay chạm mức 577 tỷ đồng, tăng 75% so với cùng kỳ năm trước tương đương 18% lợi nhuận gộp.

Dấu hỏi về khoản nợ vay 15.880 tỷ của Hoa Sen - Ảnh 1.

Kết quả kinh doanh của Hoa Sen 9 tháng đầu niên độ ghi nhận doanh thu vẫn tăng khá tốt nhưng giá vốn tăng mạnh hơn khiến lãi gộp không tăng mà sụt giảm nhẹ. Các chi phí bán hàng và chi phí lãi vay lại tăng vọt trở thành nguyên nhân chính làm lợi nhuận ròng suy giảm mạnh so cùng kỳ năm trước.Biên lợi nhuận gộp Q3/NĐTC 2017-2018 củaHSGchỉ đạt 10%, giảm mạnh từ 15% của cùng kỳ năm trước, nguyên nhân chủ yếu do giá nguyên vật liệu HRC tăng 28% so với cùng kỳ năm trước trong khi giá bán thành phẩm củaHSGchưa thể tăng tương ứng.

Dấu hỏi về khoản nợ vay 15.880 tỷ của Hoa Sen - Ảnh 2.

Kết quả kinh doanh 9 tháng đầu niêm độ 2018-2019 của Hoa Sen

Đi cùng với việc tăng mạnh nợ vay thì Hoa Sen cũng tăng mạnh khoản phải thu khách hàng ngắn hạn, hàng tồn kho và tài sản cố định hữu hình, chiếm 80% tổng tài sản công ty.

Dấu hỏi về khoản nợ vay 15.880 tỷ của Hoa Sen - Ảnh 3.

Cụ thể, tại thời điểm 30/6, phải thu khách hàng ngắn hạn của HSG tăng gấp đôi lên 2.359 tỷ đồng bao gồm các bên khác 1.578,7 tỷ đồng và 780 tỷ đồng các bên liên quan. Xét từ 2016 đến nay, các khoản phải thu khách hàng của Hoa Sen đã tăng chóng mặt, gấp hơn 4 lần.

Việc tăng mạnh các khoản phải thu khách hàng ngắn hạn một phần do doanh nghiệp đang nới lỏng chính sách bán hàng để mở rộng thị phần, gia tăng khả năng cạnh tranh. Trong 3 quý đầu niên độ, doanh thu của Hoa Sen đạt 25.875 tỷ đồng, tăng 34,7% so với cùng kỳ năm trước.

Dấu hỏi về khoản nợ vay 15.880 tỷ của Hoa Sen - Ảnh 4.

Hàng tồn kho và tài sản cố định cùng tăng gần gấp đôi giai đoạn 2016 đến tháng 6/2018 lên mức trên 8.000 tỷ đồng. Hàng tồn kho chủ yếu nằm ở nguyên liệu, vật liệu và thành phẩm; tài sản cố định tập trung ở máy móc thiết bị.

Mải miết đầu tư, tăng kênh phân phối đẩy mạnh thị trường nội địa

Từ những diễn biến trong niên độ 2016-2017 như kênh tiêu thụ trong nước đối mặt với áp lực cạnh tranh khốc liệt, kênh xuất khẩu bị cản trở bởi rào cản thương mại từ các thị trường lớn trên thế giới, ban lãnh đạo HSG đã đề ra chiến lược chú trọng vào thị trường nội địa với việc phát triển nhanh hệ thống chi nhánh/cửa hàng bán lẻ trên cả nước. Công ty đặt mục tiêu nâng số chi nhánh/cửa hàng từ 371 lên 500 vào cuối năm 2018 và đạt 1.000-1.200 vào năm 2020.

Đồng thời, Hoa Sen cũng có chủ trương đang dạng hóa sản phẩm, đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm nhựa đến 2020 đạt sản lượng tiêu thụ 5.000 tấn/tháng.

Tính đến cuối niên độ 2016-2017, Hoa Sen sở hữu hệ thống sản xuất gồm 11 nhà máy, tổng công suất hơn 2.000.000 tấn/năm và đang tiếp tục được đầu tư gia tăng. Các Nhà máy được phân bổ đều tại 3 miền Bắc – Trung – Nam.

Mục tiêu thời gian tới của Hoa Sen là tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án như Nhà máy Hoa Sen Nghệ An, Nhà máy Hoa Sen Hà Nam, Nhà máy Hoa Sen Nhơn Hội – Bình Định, Nhà máy ống thép mạ kẽm nhúng nóng Hoa Sen Phú Mỹ,...; tiếp tục nghiên cứu, xúc tiến đầu tư, chuẩn bị nguồn lực đối với các dự án dự kiến triển khai tại tỉnh Ninh Thuận gồm đầu tư và kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp Du Long và dự án khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná.

Không chỉ vậy, công ty cũng có chủ trương mở rộng đầu tư sang các lĩnh vực khác như trung tâm thương mại, khách sạn, nhà hàng và tổ chức sự kiện Hoa Sen Yên Bái; trung tâm dịch vụ, khách sạn và căn hộ cao cấp Hoa Sen Tower Quy Nhơn, các hoạt động mở rộng đầu tư tại Australia, Indonesia,...

Một điều cũng cần đề cập là 1/4 doanh thu của Hoa Sen là giao dịch với công ty TNHH Tập đoàn đầu tư Hoa Sen, công ty riêng của Chủ tịch Lê Phước Vũ. Trong quý vừa qua, doanh thu của Hoa Sen khoảng hơn 10.300 tỷ thì giao dịch bán hàng hóa và dịch vụ cho Tập đoàn đầu tư Hoa Sen hơn 2.567 tỷ đồng. Đã có nhiều dấu hỏi của cổ đông trong hoạt động của Tập đoàn đầu tư Hoa Sen khi công ty này phát triển hệ thống phân phối song song với HSG.

Dấu hỏi về khoản nợ vay 15.880 tỷ của Hoa Sen - Ảnh 5.

Có thể thấy rằng Hoa Sen đang mải miết với kế hoạch bành trướng, tăng năng lực sản xuất, tăng độ phủ và thị phần. Song, với số nợ gần 16.000 tỷ đồng (tỷ lệ nợ vay gấp 3 lần vốn chủ sở hữu), đã đến lúc Hoa Sen cần nhìn nhận lại sức khỏe tài chính của mình. Đòn bẩy tài chính vốn là con dao hai lưỡi, bối cảnh tích cực sẽ gia tăng lợi nhuận nhưng khi thị trường xấu áp lực nợ vay sẽ đè nặng lên vai doanh nghiệp.

Chia sẻ tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2018, lãnh đạo HSG từng nhận định thị trường tôn thép năm nay dự báo đối diện với áp lực cạnh tranh lớn. Doanh nghiệp trong ngành đang gia tăng sản xuất, chưa kể doanh nghiệp ngoài ngành cũng đang định nhảy vào là những rủi ro đối với sản lượng của HSG. Bên cạnh đó, việc giá nguyên liệu tăng cao cùng áp lực tăng lượng hàng tồn kho để đáp ứng việc tăng doanh thu, mở rộng hệ thống phân phối khiến công ty phải tăng mạnh nợ vay ngắn hạn. Đồng thời, công ty cũng cần đầu tư mở rộng dự án mới, dây chuyền sản xuất mới để đáp ứng định hướng mở rộng hệ thống phân phối khiến dư nợ dài hạn cũng tăng đáng kể.

Theo Ngọc Điểm

NDH

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên