MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"So găng" mảng thẻ ngân hàng, dịch vụ thanh toán của Vietcombank, Techcombank và VPBank

15-08-2019 - 10:45 AM | Tài chính - ngân hàng

"Cuộc chơi" trên thị trường thẻ và lĩnh vực thanh toán đang có sự thay đổi mạnh mẽ...Đến lúc Vietcombank phải chấp nhận lùi sau ở nhiều phân khúc hấp dẫn?

Thị phần của Vietcombank trên thị trường thẻ và dịch vụ thanh toán lớn như thế nào?

Theo số liệu của Vietcombank, cuối năm 2018, nhà băng này tiếp tục dẫn đầu trong lĩnh vực thẻ và thanh toán. Trong đó, ngân hàng có thị phần 13% trong số lượng thẻ quốc tế được phát hành tại Việt Nam, đồng thời Vietcombank chiếm 19% thị phần số lượng thẻ ghi nợ nội địa.

Lượng thẻ nội địa do Vietcombank phát hành đến cuối năm 2018 là 13,5 triệu thẻ; số thẻ quốc tế là 1,278 triệu thẻ. Lượng người dùng e-banking của nhà băng này cũng tăng "vùn vụt". Trong đó, số người dùng dịch vụ SMS Banking cuối năm 2018 là 10,56 triệu người, số người dùng dịch vụ Online Banking (bao gồm Internet Banking và Mobile Banking) là hơn 6,16 triệu người.

Năm 2018, khối lượng thanh toán thẻ của Vietcombank là 114,2 nghìn tỷ đồng, tăng 31% so với năm 2017. Chi tiêu thẻ quốc tế là 38,6 nghìn tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2017.

So găng mảng thẻ ngân hàng, dịch vụ thanh toán của Vietcombank, Techcombank và VPBank - Ảnh 1.

Khối lượng thanh toán thẻ và số lượng thẻ của Vietcombank. Nguồn: Vietcombank

Vietcombank chiếm lĩnh và áp đảo thị phần thẻ và thanh toán trên thị trường là việc dễ thấy từ cách đây nhiều năm và chưa cần đến các con số mà bằng trực quan cũng có thể nhìn thấy.

Nhìn lại lịch sử, Vietcombank là ngân hàng triển khai dịch vụ thanh toán thẻ ghi nợ nội địa đầu tiên đại Việt Nam (từ năm 1993). Những chiếc thẻ tín dụng quốc tế đầu tiên tại Việt Nam cũng là do Vietcombank và ACB phát hành vào những năm 1996. Vietcombank cũng là ngân hàng có nhiều đối tác phát hành thẻ bậc nhất, bao gồm Visa, Master, JCB, Diner’s Club, China Union Pay, American Express.

Nhiều doanh nghiệp lớn nhỏ trong nước đang trả lương cho nhân viên thông qua tài khoản ở Vietcombank. Cộng thêm lợi thế của một ngân hàng dẫn đầu trong kinh doanh ngoại tệ, thanh toán quốc tế, ngoại hối,…. , tất cả giúp ngân hàng này giữ vững thị phần và trở nên "vô đối" trên lĩnh vực thanh toán.

Tuy nhiên đến nay, trước cuộc đua phát hành thẻ, cuộc đua về dịch vụ thanh toán giữa các ngân hàng, khách hàng đã có nhiều sự lựa chọn hơn so với trước đây. Thị phần của Vietcombank trong bối cảnh đó liệu có còn được giữ vững?

Sự trỗi dậy và dẫn đầu của một số ngân hàng tư nhân

Trong cuộc gặp gỡ nhà đầu tư mới đây của Techcombank, lãnh đạo nhà băng này đã cung cấp nhiều con số cho thấy sự tăng trưởng ngoạn mục trong lĩnh vực thanh toán. Theo đó, Techcombank tự hào việc đang trở thành ngân hàng giao dịch chính của khách hàng bán lẻ khi vươn lên vị trí số 1 về mobile payments (thanh toán điện thoại). Tính đến cuối tháng 6/2019, ngân hàng này chiếm tới 33% thị phần về mobile banking.

Techcombank cũng đang đứng số 1, chiếm tới 20% thị phần khối lượng thanh toán thẻ Visa tại Việt Nam, cả thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng, tăng trưởng 96% so với cùng kỳ năm trước.

Số lượng thẻ ghi nợ Visa của Techcombank cuối quý 2/2019 là 619 nghìn thẻ, tăng 28% so với cùng kỳ. Tổng giá trị giao dịch ghi nợ Visa nửa đầu năm 2019 đạt 23 nghìn tỷ đồng.

Về thẻ tín dụng Visa, số lượng thẻ cuối quý 2/2019 của Techcombank là 223 nghìn thẻ, tăng 43% so với cùng kỳ. Tổng giá trị giao dịch đạt 13 nghìn tỷ đồng trong nửa đầu năm.

So găng mảng thẻ ngân hàng, dịch vụ thanh toán của Vietcombank, Techcombank và VPBank - Ảnh 2.

Số thẻ và khối lượng giao dịch thẻ Visa của Techcombank. Nguồn: Techcombank

Số lượng khách hàng e-banking cuối quý 2/2019 của Techcombank là hơn 2 triệu người, tăng gần gấp đôi so với cùng thời điểm trong năm 2018. Tổng giá trị giao dịch e-banking 6 tháng đầu năm là hơn 1 triệu tỷ đồng, tăng tới hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2018.

Techcombank cho rằng, giải pháp số hóa cùng các chương trình Zero fee và 1% cash back của nhà băng này đã có tác động mạnh mẽ tới số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán, dẫn đến sự tăng trưởng ấn tượng CASA ở mảng bán lẻ. Trong khi tỷ lệ CASA trung bình ngành chỉ ở mức 9% thì của Techcombank đã đạt trên 30%.

Cùng với Techcombank, VPBank cũng có sự tăng trưởng nhanh chóng trên thị trường thẻ, đặc biệt là thẻ tín dụng trong thời gian qua.

Trong số liệu mới cập nhật gần đây, VPBank cho biết, cuối quý 2/2019, tổng số lượng thẻ do VPBank phát hành đạt 4,725 triệu thẻ. Trong đó, số lượng thẻ tín dụng là hơn 2,6 triệu thẻ, tỷ lệ kích hoạt thẻ của khách hàng cá nhân lên tới 71,1%.

Về thị phần, cuối quý 1/2019, số thẻ tín dụng khách hàng cá nhân đang lưu hành của VPBank là gần 443 nghìn thẻ, chiếm 10% thị phần cả nước. Tổng giá trị giao dịch là 521 triệu USD, chiếm 20% toàn thị trường.

So găng mảng thẻ ngân hàng, dịch vụ thanh toán của Vietcombank, Techcombank và VPBank - Ảnh 3.

Số lượng thẻ phát hành của VPBank. Nguồn: VPBank

Ai sẽ "vô địch" trên mảng thanh toán và phát hành thẻ?

Từ những con số trên có thể thấy, xét về tổng thể thị trường thẻ, Vietcombank vẫn đang còn cách biệt về số lượng lẫn khối lượng giao dịch so với những ngân hàng khác ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, sự phát triển vũ bão của những ngân hàng tư nhân thời gian qua đang khiến Vietcombank phải nhường vị trí trong một số khía cạnh cụ thể.

Chẳng hạn, về khối lượng thanh toán thẻ Visa, Techcombank đứng số 1. VPBank cho biết có hơn 400.000 thẻ tín dụng của ngân hàng mẹ và hơn 1 triệu thẻ của FE Credit cuối năm 2018, là ngân hàng có số thẻ tín dụng hoạt động lớn nhất thị trường thời điểm đó.

Điều đáng nói, các ngân hàng tư nhân cũng tỏ ra "chịu chi" hơn trong việc thu hút khách hàng sử dụng dịch vụ thẻ, dịch vụ thanh toán của mình. Các chương trình miễn phí phí thường niên, miễn phí chuyển khoản,...tặng quà, hoàn tiền,...vẫn thường được thấy ở các ngân hàng tư nhân lớn trong thời gian qua.

Và có lẽ, những ngân hàng đi sau cũng không cần phải đứng đầu toàn thị trường để làm gì mà sẽ chọn những phân khúc đem lại nhiều lợi ích nhất để chú trọng cạnh tranh. Thực tế trào lưu phát hành thẻ cách đây mấy năm là ví dụ, chi nhiều tiền để phát hành thẻ nhưng không quan tâm khách hàng có kích hoạt và sử dụng hay không đã dẫn đến lãng phí tiền bạc và nguồn lực.

Hải Vân

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên