Đâu là những vấn đề “đau đầu” nhất của nền kinh tế đang đợi 2017?
Dưới góc nhìn của TS. Nguyễn Đức Thành, cải cách doanh nghiệp nhà nước, xử lý nợ xấu, thâm hụt ngân sách chưa được xử lý một cách triệt để trong năm 2016 và cần được ưu tiên giải quyết sớm trong năm 2016.
- 01-01-2017[Infographic] Toàn cảnh nền kinh tế Việt Nam 2016 qua các con số
- 28-12-2016Cuộc cách mạng nhà vệ sinh ở nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới
- 22-12-2016Nền kinh tế số là bước phát triển tất yếu
Trong cuộc trò chuyện cuối năm với BizLIVE , TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng năm 2016 kết thúc với nhiều kết quả đáng ghi nhận năm 2016, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều vấn đề “đau đầu” đòi hỏi Chính phủ ưu tiên giải quyết trong năm tới.
TS. Nguyễn Đức Thành nói:
Cần phải thẳng thắn nhìn nhận nền kinh tế 2016 vẫn còn rất nhiều lực cản chưa được giải quyết một cách triệt để như cải cách doanh nghiệp nhà nước , xử lý nợ xấu , thâm hụt ngân sách.
Những vấn đề trên không phải mới, đã bàn nhiều rồi, làm nhiều rồi nhưng chưa có nhiều tiến bộ và tôi cho rằng sang năm tới, Chính phủ cần đặc biệt quan tâm giải quyết những vấn đề này một cách thực chất.
Về cải cách doanh nghiệp, năm vừa rồi chúng ta cũng thấy, biện pháp xử lý hàng loạt các dự án nghìn tỷ “đắp chiếu” chưa rõ ràng. Đây là những việc cần phải đẩy mạnh làm, không thể cứ để tình trạng thua lỗ rồi lại cấp vốn rồi đắp chiếu, gây thất thoát lớn cho ngân sách.
Vấn đề tiếp theo đó chính là giải quyết nợ xấu. Tôi nhấn mạnh ở đây là nợ xấu của nền kinh tế. Bởi các ngân hàng đã đẩy nợ xấu sang VAMC nên họ không còn hoặc còn rất ít. Điều đáng nói là cục nợ xấu ở VAMC chưa xử lý dứt điểm được.
Tiếp đến đó là tình trạng thâm hụt ngân sách, nợ công ngày càng tăng cao. Chúng ta đã chi tiêu quá nhiều so với khả năng ngân sách thu được. Khi thâm hụt lớn thì phải vay nợ để cân đối ngân sách. Ngoài ra còn phải duy trì vay vốn để tiếp tục đầu tư, kích thích hoặc ít nhất là cũng giữ nhịp cho tăng trưởng kinh tế. Vì thế, nợ công đã tăng lên nhanh như là kết quả của việc suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế gắn liền với việc gia tăng chi tiêu công.
Ngoài ra, việc Mỹ có Tổng thống mới cũng là một trong những vấn đề cần được lưu ý. Chính sách của Mỹ có thể sẽ đổi chiều và nhiều bất trắc. Tình hình đó đòi hỏi Chính phủ cần có những chính sách ứng xủ phù hợp, cải cách trong nước nên đặt ra như thế nào.
Tôi cho rằng 3 vấn đề đề cập ở trên quan trọng hơn. Anh phải làm cho anh khoẻ lên đã, nội lực của anh mạnh lên đã. Có như thế anh mới có thể ứng phó được khi “thời tiết” thay đổi.
Như ông vừa có đề cập, thâm hụt ngân sách chính là một trong những vấn đề của nền kinh tế hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh nợ công tăng cao, đầu tư công dàn trải. Vậy theo ông, việc tiết kiệm chi tiêu nên như thế nào để có hiệu quả?
Nợ công to và tăng nhanh. Chỉ tính từ năm 2011 đến năm 2015, tức là trong 4 năm, con số nợ công đã tăng lên gấp đôi, tới 2,6 triệu tỷ đồng (117 tỷ USD). Trong khi GDP mỗi năm của nước ta chỉ vào khoảng 200 tỷ USD. Vậy là trong bốn năm gần đây, trung bình cứ mỗi năm nợ công lại “phình ra” thêm gần 20%.
Cách đây gần 1 tháng, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2017, trong đó yêu cầu cắt giảm 10% chi tiêu thường xuyên (trừ các khoản tiền lương, phụ cấp theo lương, khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ). Nếu không giảm lương cán bộ thì phải cắt cán bộ, thực hiện nghiêm túc chính sách tinh giản biên chế.
Rồi phải giảm, cắt bỏ đi những hội ăn lương nhà nước, để họ tự bươn trải, xã hội hoá những hoạt động mà Nhà nước vẫn bao cấp. Việc tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm những bộ phận không cần thiết phải cả ở địa phương và trung ương. Điều quan trọng nhất là đã nói là phải làm. Mà làm là làm thật, không hình thức.
Vậy theo ông, năm tới ngoài việc kiểm soát ngân sách, tiết kiệm chi tiêu thì các chính sách vĩ mô cần lưu ý những gì khác?
Tôi cho rằng chính sách tiền tệ cần được lưu ý, lạm phát không tăng cao nhưng vẫn còn tiềm ẩn những yếu tố để tăng. Nếu vượt qua 5% thì sẽ rất nhiều vấn đề nảy sinh. Đi liền với đó là chính sách về tỷ giá. Điều khiển như thế nào là câu chuyện khó, cần được lưu ý.
Về lãi suất , tôi cho rằng nếu không cân đối được nhiều khả năng sẽ tăng. Lãi suất tăng thì sẽ làm doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, lý do để giảm lãi suất tôi cho rằng là không có. Vấn đề này theo tôi cũng cần được cân nhắc thận trọng.
Xin trân trọng cám ơn ông!
Bizlive