MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đâu là rủi ro của đàm phán thương mại Mỹ - Trung ?

08-01-2019 - 19:18 PM | Tài chính quốc tế

Trong hai ngày 7 và 8/1 này, phái đoàn Mỹ đang có chuyến thăm Bắc Kinh để đàm phán về các vấn đề còn vướng mắc trong cuộc chiến thương mại. Cả hai phía Mỹ và Trung Quốc đều có những phát biểu tương đối lạc quan về khả năng đạt được một thỏa thuận, nhưng thực ra đó là một điều không hề đơn giản nếu nhìn vào thực tế hoạt động xuất nhập khẩu của hai bên.

Trong thỏa thuận "ngừng bắn" kéo dài 90 ngày kể từ 1/12/2018, Mỹ và Trung Quốc đều thống nhất về việc sớm giảm bớt chênh lệch thương mại hàng hóa giữa hai quốc gia. Cụ thể hơn, phía Mỹ cho biết rằng Trung Quốc sẽ mua một lượng "rất đáng kể" nông sản và năng lượng của Mỹ. Nhưng "rất đáng kể" cụ thể là bao nhiêu ?

Vào giữa năm 2018 thì Mỹ từng đề nghị Trung Quốc mua thêm lượng hàng hóa Mỹ trị giá 100 tỷ USD. Tuy nhiên đến cuối năm 2018 thì vị thế đàm phán của phía Mỹ đã có phần yếu đi khi kinh tế nước này có dấu hiệu giảm tốc thấy rõ. Ngoài ra, cuộc bầu cử năm 2020 đang ngày càng đến gần và Tổng thống Trump hẳn sẽ cảm thấy nhiều áp lực hơn Chủ tịch Tập Cận Bình, người chắc chắn sẽ cầm quyền đến năm 2022 hoặc thậm chí là lâu hơn nữa. Như vậy thì lần này phía Mỹ khó có thể nhắc đến con số 100 tỷ nữa, tuy nhiên họ cũng không thể hài lòng với một mức quá thấp. Nếu tạm cho rằng rằng Mỹ muốn đưa thâm hụt thương mại của năm 2019 (dự kiến khoảng 400 tỷ USD) về tương đương năm 2016 (345 tỷ USD) thì Mỹ sẽ phải đề nghị Trung Quốc nhập khẩu thêm từ 50-60 tỷ USD hàng hóa Mỹ, nhưng điều này cũng không phải là dễ thực hiện.

Trong năm 2017, Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc 129,9 tỷ USD hàng hóa. Những mặt hàng chủ lực là nông sản (19 tỷ), máy bay (16 tỷ), máy móc (13 tỷ), phương tiện giao thông và phụ tùng (12 tỷ), thiết bị điện (12 tỷ), dầu thô và các sản phẩm hóa dầu (9 tỷ). Tuy nhiên theo thông báo của Bộ Thương mại Trung Quốc thì trước mắt họ chỉ có ý định tăng cường nhập khẩu nông sản (chủ yếu là đậu tương), năng lượng và ô tô của Mỹ.

Năm 2017, Mỹ đã xuất khẩu sang Trung Quốc lượng đậu tương trị giá 12,5 tỷ USD, tuy nhiên sang năm 2018 thì con số này giảm xuống chỉ còn khoảng 4 tỷ USD do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại. Sau thỏa thuận ngày 1/12, Trung Quốc đã bắt đầu nhập khẩu đậu tương trở lại, nhưng xác định doanh số giao dịch là một chuyện khó khăn do Chính phủ Mỹ đang đóng cửa một phần và chưa công bố số liệu chính thức. Hiện chỉ biết rằng Trung Quốc đang dự định mua khoảng 1,5 triệu tấn đậu tương (có giá khoảng 340 USD/tấn, tức cả lô hàng trị giá khoảng 500 triệu USD) trong nửa đầu tháng 1 này. Chưa rõ phía Trung Quốc định mua tổng cộng bao nhiêu đậu tương trong năm 2019 này, nhưng trong tháng 12/2018 thì Trung Quốc đã nhập khẩu 2 lô hàng đậu tương lớn, lần lượt là 1,2 và 1,5 triệu tấn sau khi không mua chút gì trong tháng 11.

Nếu Trung Quốc duy trì tần suất nhập khẩu 3 triệu tấn/tháng thì giá trị nhập khẩu đậu tương có thể đạt khoảng 12 tỷ USD trong năm 2019, tương đương với mức của năm 2017. Hiện tại Mỹ đang xuất khẩu khoảng 60 triệu tấn đậu tương/năm, còn nhu cầu đậu tương của Trung Quốc trong năm 2019 là khoảng 85 triệu tấn (giảm khoảng 10 triệu tấn so với năm 2018 do Trung Quốc áp dụng chuẩn thức ăn chăn nuôi mới, cần ít đậu tương hơn). Nghĩa là nếu muốn thì Trung Quốc có thể tiêu thụ hết 60 triệu tấn đậu tương của Mỹ và giá trị nhập khẩu sẽ tăng thêm khoảng 10 tỷ USD so với năm 2017. Tuy nhiên điều đó cũng sẽ buộc Trung Quốc phải cắt giảm lượng đậu tương nhập khẩu từ các bạn hàng truyền thống như Brazil, Argentina, Canada, Nga, đồng thời trở nên phụ thuộc vào nguồn cung từ Mỹ và đó chắc chắn không phải là một kịch bản hấp dẫn đối với người Trung Quốc. Giả sử Trung Quốc nâng mức nhập khẩu đậu tương từ Mỹ thêm 50% thì giá trị nhập khẩu mới tăng thêm 6 tỷ USD mà thôi, và nếu cho rằng các mặt hàng nông sản khác cũng chứng kiến sự tăng trưởng tương ứng (một kịch bản rất lạc quan) thì giá trị nông sản mà Trung Quốc mua của Mỹ có thể tăng thêm khoảng 9 tỷ USD.

Trong năm 2017, Trung Quốc nhập từ Mỹ khoảng 150 triệu thùng dầu, tuy nhiên đến năm 2018 thì giảm còn 120 triệu thùng và đã ngừng hoàn toàn hoạt động nhập khẩu kể từ tháng 11/2018. Khoảng 2 tuần trở lại đây, Trung Quốc bắt đầu mua dầu của Mỹ trở lại nhưng doanh số mới chỉ đạt 3,94 triệu thùng (gần 2 triệu thùng/tuần). Nếu tốc độ này được duy trì thì Trung Quốc sẽ nhập khoảng 105 triệu thùng dầu từ Mỹ trong năm nay, chỉ tương đương 2/3 của năm 2017. Còn nếu Trung Quốc muốn nâng giá trị nhập khẩu dầu lên thêm 10 tỷ USD nữa thì họ sẽ phải nhập tổng cộng 350 triệu thùng dầu trong năm 2019 này, tăng 200% so với 2018 và 130% so với 2017. Đó có vẻ là một nhiệm vụ tương đối khó khăn và nếu Trung Quốc có thể tăng giá trị nhập khẩu dầu thêm 5 tỷ USD thì đó cũng đã là một cố gắng lớn.

Cũng trong năm 2017, Mỹ xuất sang Trung Quốc khoảng 267 nghìn chiếc ô tô, trị giá 9.9 tỷ USD (nếu tính cả linh kiện ô tô thì con số này là khoảng 12 tỷ). Tính bình quân, mỗi năm Trung Quốc có nhu cầu nhập khẩu khoảng 1,5 triệu chiếc ô tô với 48% trong số này đến từ châu Âu, 33% khác đến từ châu Á và chỉ 18% đến từ Bắc Mỹ. Như vậy nếu cần thiết thì Trung Quốc hoàn toàn có đủ "dư địa" để nâng lượng nhập khẩu ô tô từ Mỹ lên. Tuy nhiên trên thực tế thì Trung Quốc chưa có động thái nào rõ rệt để tăng mạnh lượng nhập khẩu ô tô từ Mỹ.

Ngày 14/12/2018, khoảng 2 tuần sau thỏa thuận "ngừng bắn", Trung Quốc đã thông báo cắt giảm thuế nhập khẩu ô tô Mỹ xuống còn 15% trong vòng 3 tháng từ 1/1 đến 31/3/2019. Nhưng mức thuế 15% này cũng chỉ tương đương với thuế nhập khẩu mà Trung Quốc áp lên ô tô các quốc gia khác, và thấp hơn không quá nhiều so với trước khi chiến tranh thương mại leo thang (trước tháng 7/2018 là 25%). Do đó có lẽ chỉ một mình yếu tố này là chưa đủ để giúp kim ngạch nhập khẩu ô tô của Trung Quốc gia tăng mạnh so với năm 2017. Chưa kể, với việc Trung Quốc áp dụng tiêu chuẩn khí thải mới trong năm 2019 thì doanh số nhập khẩu ô tô của nước này dự báo cũng giảm 5%. Nhìn chung, với các diễn biến hiện tại thì khả năng Trung Quốc tăng mạnh nhập khẩu ô tô từ Mỹ là chưa rõ ràng.

Tóm lại, phía Trung Quốc đã có những thiện chí nhất định thông qua việc mua nông sản, mua dầu thô, cắt giảm thuế nhập khẩu đối với ô tô Mỹ… nhưng các động thái này dự kiến chưa làm tăng mạnh kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc. Nhiều khả năng giá trị nhập khẩu của Trung Quốc từ Mỹ trong quý I/2019 cũng chỉ ngang bằng hoặc cao hơn khoảng 4-5 tỷ USD so với năm 2017, tức còn cách khá xa yêu cầu của phía Mỹ (ước tính tối thiểu 50-60 tỷ USD/năm). Như vậy, nếu chỉ nhìn vào con số cán cân thương mại hàng hóa thì triển vọng về kết quả đàm phán là chưa thực sự lạc quan như những gì hai bên đang tuyên bố...

Quang Hải

Tổng hợp

Trở lên trên